Gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp

Thứ Năm, 23/05/2019, 17:25 [GMT+7]
In bài này
.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thời gian qua tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp cả về quy mô lẫn tính chất, ảnh hưởng tới sản xuất trong nước, DN làm ăn chân chính và tổn hại quyền lợi người tiêu dùng...

Lực lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu trên một tàu dầu.
Lực lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu trên một tàu dầu.

NHIỀU VỤ VI PHẠM 

Qua kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban chỉ đạo 389) đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các vụ vi phạm tập trung chủ yếu vào nhóm hàng như: may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, đường cát, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, bánh kẹo, đồ gia dụng, điện tử, xăng, dầu... 

Một số vụ điển hình như: Ngày 21-1-2019, tại khu vực biển Vũng Tàu, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã kiểm tra và bắt giữ tàu SG0025, do ông Nguyễn Văn Xíu (sinh năm 1971, trú tại xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) làm thuyền trưởng đang vận chuyển khoảng 290,8 tấn phân bón và 13 chiếc xe đạp đã qua sử dụng không có hóa đơn, chứng từ. Bộ Tư lệnh Vùng đã tham mưa cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 89,3 triệu đồng, tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm, trong đó đã phát mãi số phân bón trên sung công quỹ với số tiền gần 2 tỷ đồng.

Mới đây, ngày 9-4, qua công tác trinh sát nắm tình hình địa bàn, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 (Cục QLTT tỉnh) đã kiểm tra đột xuất kho hàng tại số 79 Yên Bái, phường 4, TP. Vũng Tàu, do bà Đinh Thị Hồng Thúy (sinh năm 1986) làm chủ. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện trong kho đang chứa 146 kiện hàng là quần, áo đã qua sử dụng do nước ngoài sản xuất (tương đương trên 13 tấn). Bà Thúy không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng này. Đoàn đã lập biên bản và tạm giữ toàn bộ số hàng để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định…

Theo Cục QLTT tỉnh, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến sức khỏe người dân ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là phương thức và thủ đoạn của các đối tượng luôn thay đổi và manh động, sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. 

KHÓ KIỂM TRA, XỬ LÝ 

Ông Lê Quang Hải, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết, thời gian qua lực lượng QLTT đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng như công an, hải quan, bộ đội biên phòng đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các DN để kiểm tra, xử lý tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại. Tuy nhiên, công tác theo dõi diễn biến thị trường, đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoặc tham mưu đề xuất xử lý các vấn đề, vụ việc nổi cộm, phức tạp trên thị trường có lúc còn bị động. Ngoài ra, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn chồng chéo dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng khác nhau, trong khi việc sửa đổi, bổ sung chậm, chưa tháo gỡ được khó khăn cho các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ. 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, 4 tháng đầu năm 2019, các sở, ngành, lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và bắt giữ 933 vụ vi phạm, với 1.017 đối tượng. Tổng số tiền xử phạt hành chính, truy thu và thanh lý hàng tịch thu trị giá hơn 136 tỷ đồng. Trong tổng số vụ vi phạm có 294 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 637 vụ gian lận thương mại; 2 vụ hàng giả.

Theo ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, Hải quan BR-VT hiện đang quản lý khu vực cảng Cái Mép, lượng hàng qua cảng lớn, với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên dưới 20%, vì vậy rủi ro hàng hóa nhập lậu, hàng cấm cũng lớn. Lượng hàng qua cảng, chủ yếu đi qua 2 tuyến đường là đường sông từ khu vực Cái Mép đi theo sông Tiền ra cửa khẩu Thường Phước (Đồng Tháp) và cửa khẩu Vĩnh Xương (An Giang); đường bộ đi từ Vũng Tàu qua cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh), Bình Phước… Trong đó, tuyến đường bộ tiềm ẩn rủi ro về tàng trữ hàng lậu, hàng cấm cao. Tuy nhiên, lực lượng hải quan còn khá mỏng nên không thể cử người trực tiếp đi theo từng chuyến hàng để kiểm tra, chỉ những chuyến hàng nghi ngờ, cơ quan mới cử người theo dõi trực tiếp, kiểm tra và xử lý. Mặt khác, hải quan chưa được trang bị máy soi chiếu container nên công tác kiểm tra gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian chờ giám định, lưu kho bãi.

Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh BR-VT mới đây, ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, BR-VT là địa phương biên giới biển, với nhiều vụ vận chuyển xăng dầu, số lượng hàng hóa, container từ nước ngoài vào rất lớn thông qua các cảng trên địa bàn tỉnh. Mặc dù BR-VT không có điểm “nóng” về tình hình buôn lậu, hàng gian, hàng giả nhưng nguy cơ tiềm ẩn lớn, nên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các khu vực tập trung đông người như các tuyến giao thông giáp tỉnh, chợ đầu mối, cảng biển, khu du lịch; nắm chắc tình hình tại các địa bàn đã được phân công. Đồng thời, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cần đề xuất cụ thể nguồn nhân lực, máy móc để bảo đảm cho công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, trong đó có hàng quá cảnh, hàng tạm nhập tái xuất trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.