.

Xuất khẩu cao su: Vẫn chưa hết khó khăn

Cập nhật: 17:11, 13/06/2018 (GMT+7)

Tình hình xuất khẩu cao su cả nước nói chung, BR-VT nói riêng những tháng đầu năm tuy tăng về lượng nhưng lại giảm về giá trị so với năm 2017. Thị trường cao su những tháng cuối năm tiếp tục được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn khi phải tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu với các thị trường lớn, giá cũng được dự báo cũng khó tăng mạnh.

Thu hoạch mủ cao su tại Công ty CP Cao su Bà Rịa. Ảnh: THU THẢO 
Thu hoạch mủ cao su tại Công ty CP Cao su Bà Rịa. Ảnh: THU THẢO 

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, xuất khẩu cao su tháng 5-2018 đạt 93 ngàn tấn, trị giá 133 triệu USD, tăng 31,7% về lượng và tăng 33% về giá trị so với tháng 4-2018; tăng 54,4% về lượng và tăng 32,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cao su đạt 424 ngàn tấn, trị giá 620 triệu USD, tăng 17,4% về lượng, nhưng giảm gần 20% về giá trị so với cùng kỳ 2017.

Tại BR-VT, sản lượng xuất khẩu cao su đạt 4.564 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,92 triệu USD. Ước 6 tháng đầu năm sản lượng cao su xuất khẩu toàn tỉnh đạt 4.692 tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,13 triệu USD. Trong đó, DN xuất khẩu cao su chủ lực của tỉnh là Công ty CP Cao su Bà Rịa (xã Xà Bang, huyện Châu Đức), 5 tháng đầu năm 2018 đã xuất khẩu 1.042 tấn cao su, tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 35,8 tỷ đồng sang các thị trường như Đức, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Đây là những khách hàng xuất khẩu truyền thống của công ty. Nếu so với năm 2017, mặc dù đạt lợi nhuận nhưng sản lượng và giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2018 không tăng nhiều. Theo lãnh đạo Công ty CP Cao su Bà Rịa, nguyên nhân do giá bán cao su trong năm 2018 giảm từ 45 triệu đồng/tấn xuống còn 35 triệu đồng/tấn. Năm 2018, công ty mở rộng diện tích khai thác mủ, nâng tổng diện tích khai thác hiện nay của công ty lên 5.000ha. Sản lượng tiêu thụ dự kiến khoảng 9.700 tấn, trong đó có 1.000 tấn thu mua của tiểu điền.

Theo nhận định của các DN cao su, nguyên nhân giá mủ cao su sụt giảm ở thị trường xuất khẩu thời gian gần đây là do lượng mủ cao su tồn kho tại Trung Quốc tăng, trong khi thị trường này chiếm gần 60% giá trị xuất khẩu mủ cao su của Việt Nam. Bên cạnh đó, trong 5 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu cao su ở một số thị trường nhập khẩu chính giảm, như thị trường Nga giảm mạnh nhất (26,6%), tiếp đến là Hàn Quốc (20,9%), Hoa Kỳ (16,9%). Điều này làm ảnh hưởng đến thị trường cao su trong nước, khiến nhiều hộ trồng cao tiểu điền “gác chén” chờ nhu cầu thị trường tăng trở lại trong những tháng cuối năm.

Theo dự báo của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), thời gian tới nhu cầu tại Ấn Độ và Trung Quốc (2 quốc gia tiêu thụ 48% lượng cao su tự nhiên toàn cầu) tăng khiến tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu cao hơn. Theo đó, ANRPC nâng dự báo tiêu thụ cao su tự nhiên của Trung Quốc lên 5,7 triệu tấn trong năm 2018, tăng 6,2% so với năm 2017; dự báo tiêu thụ cao su Ấn Độ cũng được điều chỉnh tăng lên mức 1,2 triệu tấn trong năm 2018, tăng 10,9% so với năm 2017.

Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm 2018, cây cao su đã bước vào vụ thu hoạch mới, vì vậy nguồn cung sẽ dồi dào. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cao su tại các thị trường chủ lực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đang phục hồi, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Do đó, trong thời gian tới xuất khẩu cao su được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, theo đại diện các công ty cao su trên địa bàn tỉnh BR-VT, những tháng cuối năm nguồn cung dồi dào, sẽ dẫn đến sự cạnh tranh xuất khẩu sẽ ngày càng lớn hơn và giá cao su có thể phục hồi nhưng khó có thể tăng mạnh trong thời gian tới. Thị trường cao su vẫn còn nhiều bất lợi do nguồn cung cao su vẫn ở mức cao do tồn kho cao su tại các nước nhập khẩu cũng như nhiều nước sản xuất lớn vẫn ở mức cao. Theo Bộ NN-PTNT, trong bối cảnh cung vượt cầu trên thị trường cao su thế giới còn kéo dài nhiều năm, ba nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia là những đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về thị phần do sản lượng xuất khẩu nhiều, chủng loại phù hợp và chất lượng luôn được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, các nước này còn là đối thủ cạnh tranh của cao su Việt Nam ngay trên thị trường nội địa cả về giá, chất lượng và chủng loại. Trong những năm gần đây, một số DN trong nước sản xuất sản phẩm cao su như lốp xe, găng tay..., đặc biệt là các DN nước ngoài đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam đã tăng lượng cao su thiên nhiên nhập khẩu từ các nước lân cận trong khu vực do cao su thiên nhiên Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu về chất lượng và chủng loại. Nhìn nhận trong cả năm 2018, Bộ NN-PTNT cũng dự báo, thị trường cao su thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc có thể chậm lại khi ngành công nghiệp ô tô nước này dường như đã đạt ngưỡng.

VÂN ANH - CTV

 

.
.
.