.

Trồng dâu nuôi tằm, nghề mới cho thu nhập cao

Cập nhật: 15:31, 08/05/2018 (GMT+7)

Địa hình đồi núi, khe suối cùng với khí hậu ôn hòa, độ ẩm cao của vùng đất Suối Rao (huyện Châu Đức) được xem là lợi thế cho nghề trồng dâu, nuôi tằm. Theo đánh giá bước đầu của các chuyên gia nông nghiệp, cây dâu được trồng ở đất Suối Rao phát triển tốt, kén tằm thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua đến đó. Thu nhập người nông dân nhờ vậy cao hơn hẳn so với trồng các loại cây khác.

Ông Trần Văn Đức (bìa trái) giới thiệu mô hình nuôi tằm của mình tại thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức. 
Ông Trần Văn Đức (bìa trái) giới thiệu mô hình nuôi tằm của mình tại thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức. 

Gia đình ông Trần Văn Đức là một trong những hộ đầu tiên chuyển đổi từ các loại cây ăn quả như cam, quýt, nhãn sang trồng dâu nuôi tằm. Ông Đức cho biết, tháng 8-2017, ông bỏ ra 336 triệu đồng thuê 2,4ha đất trong vòng 7 năm ở thôn 1, xã Suối Rao để xuống giống dâu, làm nhà nuôi tằm. Sau 4 tháng, cây dâu bắt đầu cho thu hoạch lá, ông nuôi lứa tằm đầu tiên, khoảng 10-15 ngày sau, ông Đức thu lứa kén đầu tiên được khoảng 180kg, bán cho thương lái ở Đồng Nai với giá 160 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông lãi 18 triệu đồng/lứa. Nhận thấy mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao, ông Đức đã nuôi thêm 8 hộp giống, mỗi tháng thu hoạch 2 lứa kén, ông thu lãi từ 30-40 triệu đồng/tháng. “So với các loại cây trồng khác thì trồng dâu cho thu nhập cao hơn từ 40-50%. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng nhà nuôi tằm để ươm kén bán tằm giống cho những hộ dân khác trong xã”, ông Đức cho biết thêm.

Bà Lê Thị Biển, thôn 1, xã Suối Rao cho biết, gia đình bà cũng chuyển đổi thành công từ trồng các loại cây công nghiệp sang nghề trồng dâu nuôi tằm. Hiện gia đình bà đang có thu nhập gần 30 triệu đồng mỗi tháng từ nghề trồng dâu nuôi tằm. Theo bà Lê Thị Biển, nghề trồng dâu nuôi tằm tuy vất vả hơn nhưng nếu có kỹ thuật nuôi tốt thu nhập sẽ cao hơn. Sau khi nhập tằm giống về phải cho ra nong đã được khử trùng bằng vôi bột, đây cũng là cách phòng bệnh cho tằm. Thời gian này, tằm còn nhỏ nên lá dâu được thái thành sợi trước khi cho tằm ăn. Nhà nuôi tằm phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp, có cửa lưới ở cửa sổ và cửa ra vào để không khí lưu thông, đồng thời tránh ruồi, nhặng, côn trùng bay vào. Khi cho tằm ăn nên chú ý lượng lá dâu vừa đủ (cho ăn 4 lần/ngày). Tằm sang tuổi 4 được 2 ngày thì chuyển từ nong xuống nuôi trên nền nhà. Lúc này, tằm được trải thành từng luống (1m/luống) với mật độ vừa phải, giữa các luống có rãnh rộng khoảng 1m để lấy đường đi cho tằm ăn. Khi tằm chín đều thì vun thành từng luống để tằm tự động bò lên né; khoảng 2-3 ngày sau có thể đưa vào khuôn dập và thu hoạch kén. Như vậy, một chu kỳ nuôi tằm kéo dài từ 15-16 ngày. 

Ông Phạm Văn Hinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Rao tham quan mô hình trồng dâu của gia đình bà Lê Thị Biển (thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức).
Ông Phạm Văn Hinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Rao tham quan mô hình trồng dâu của gia đình bà Lê Thị Biển (thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức).

Nhận thấy việc trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định, hiện một số hộ dân tại xã Suối Rao cũng bắt đầu học tập kinh nghiệm để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ngoài ra, cây dâu rất dễ trồng, riêng việc bán lá cũng cho thu nhập cao. Hiện 1kg lá dâu đang được thương lái thu mua từ 2.500 -2.800 đồng. Hiện nay, trên địa bàn xã Suối Rao đã có 7 hộ chuyển sang trồng dâu nuôi tằm với diện tích 8,6ha, trong đó có 2 hộ đã có thu nhập ổn định từ 30-40 triệu đồng/tháng. Theo ông Phạm Văn Hinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Rao, đây là mô hình mới trên địa bàn xã, cho hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư tương đối thấp, giá cả và đầu ra ổn định. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ vận động thêm 10 hộ chuyển đổi sang nghề trồng dâu nuôi tằm, tiến tới thành lập Tổ hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm. Tham gia vào tổ hội, người dân sẽ được hỗ trợ vay vốn từ 30-50 triệu đồng tùy theo diện tích đất trồng dâu của từng hộ. Ngoài ra, Hội sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp mở các lớp tập huấn, dạy nghề ngắn hạn để chuyển giao khoa học công nghệ về kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm cho người dân.

Bài, ảnh: THANH NHÀN – NGỌC LINH

Những lưu ý trong quá trình trồng dâu nuôi tằm

Đất trồng dâu phải thoát nước, không bị ngập úng lâu ngày. Không nên trồng dâu ở gần khu vực có các ống khói nhà máy, hóa chất độc. Nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng, phát triển của tằm là 25-30ºC. Độ ẩm thích hợp cho tằm con từ 80-85%, tằm lớn 70-75%.  Buồng nuôi tằm tránh ánh sáng trực tiếp, tránh gió lùa. Sau mỗi lứa tằm cần thực hiện vệ sinh triệt để toàn bộ dụng cụ nuôi tằm bằng cách phun dung dịch Phoocmol 4%+5% nước vôi trong, hoặc Clorua vôi 5%, ủ kín trong 24 giờ, phơi khô và tiêu lại lần 2 như trên rồi mới nuôi tằm.

(Theo Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương)

 

.
.
.