.

Cảng biển khởi sắc nhưng vẫn còn điểm "nghẽn"

Cập nhật: 16:03, 04/05/2018 (GMT+7)

Từ đầu năm 2018 đến nay, lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển của tỉnh tiếp tục tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, hoạt động của các cảng biển vẫn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, cần tiếp tục được tháo gỡ để trở thành cụm cảng trung chuyển quốc tế.

TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG

Tàu trọng tải lớn cập cảng CMIT (huyện Tân Thành) làm hàng.
Tàu trọng tải lớn làm hàng tại cảng CMIT (huyện Tân Thành).

Cuối tháng 3-2018, hãng tư vấn Alphaliner (tổ chức nghiên cứu hàng hải hàng đầu thế giới) đã công bố sản lượng của các cảng container lớn nhất thế giới trong năm 2017. Trong đó, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) tiếp tục nằm trong danh sách các cảng có mức tăng trưởng tốt nhất thế giới, với mức tăng 22,7%, cao thứ 6 trên thế giới và cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Báo cáo của Sở GTVT cũng cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, số lượng tàu vào cụm cảng CM-TV tăng 40% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có hơn 50% tàu trọng tải lớn (trên 80.000 tấn). Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng tăng 30% so với cùng kỳ, trong đó hàng container đạt hơn 1,1  triệu TEU, tăng 25% so với cùng kỳ.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phòng Quản lý thương mại, Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, CMIT đón 56 chuyến tàu cập cảng, với tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017. Hiện hàng tuần, CMIT tiếp nhận và làm hàng cho 4 tuyến tàu mẹ, bao gồm 3 tàu mẹ đi bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ, 1 tàu mẹ đi Bắc Âu. Bên cạnh đó, CMIT cũng tiếp nhận các tàu nội địa chở hàng hoá xuất nhập khẩu ở miền Bắc và Trung về trung chuyển tại khu vực Cái Mép để kết nối với tàu mẹ.

Tương tự, tại cảng Tân Cảng - Cái Mép (TCIT), 4 tháng đầu năm 2018, có 60 chuyến tàu cập cảng, sản lượng hàng hóa tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm 2017.

CÒN ĐÓ NHỮNG KHÓ KHĂN

Bốc dỡ hàng container tại cảng TCIT (huyện Tân Thành).
Bốc dỡ hàng container tại cảng TCIT (huyện Tân Thành).

Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên hoạt động của các cảng biển vẫn còn một số điểm “nghẽn” và tăng trưởng chưa thật sự bền vững. Thống kê cho thấy, từ cuối năm 2016 đến nay, cụm cảng CM-TV không đón thêm một tuyến nội Á mới nào. Trước đó, vào đầu năm 2017, với sự kiện siêu tàu container Margrethe Maersk có sức chở 18.300 TEU cập cảng CM-TV an toàn, cụm cảng CM-TV kỳ vọng sẽ được liên minh 2M (bao gồm 2 hãng lớn nhất thế giới hiện nay là Maersk và MSC) ghi tên vào mạng lưới dịch vụ từ châu Á đi châu Âu của liên minh này. Thế nhưng, tháng 3-2018, khi hãng tàu 2M công bố điều chỉnh mạng lưới tuyến dịch vụ từ khu vực Đông Á sang châu Âu thì không có tên CM-TV. Bên cạnh đó, tháng 4 vừa qua, hãng tàu lớn nhất Hàn Quốc Hyundai cũng quyết định chưa ghé cụm cảng CM-TV để làm hàng cho tuyến Đông Á - châu Âu. Những thông tin này cho thấy, việc các hãng tàu lớn chưa sử dụng CM-TV có nghĩa là họ chưa thật sự hài lòng về cụm cảng này.

Ngoài nguyên nhân về chi phí vận tải, hạ tầng giao thông kết nối, thói quen của chủ hàng, thì mức giá làm hàng ở CM-TV cao hơn các cảng ở TP.Hồ Chí Minh đã khiến cho các hãng tàu không “mặn mà” với việc đưa tàu về làm hàng tại CM-TV. Mặt khác, hiện luồng hàng hải CM-TV không được nạo vét duy tu đầy đủ nên không duy trì được độ sâu -14m cũng đã làm giảm cơ hội đón tàu lớn của cụm cảng nước sâu hàng đầu Việt Nam. Theo ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, những cảng trung chuyển và cửa ngõ hàng đầu thế giới phải có khả năng tiếp nhận hiệu quả tàu container ở mọi kích cỡ, từ các loại sà lan cho đến tàu mẹ. Tuy nhiên, hiện nay, cụm cảng CM-TV chưa bảo đảm được điều này.

Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, ông Nguyễn Đình Việt, Cục phó Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, trước mắt, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT làm việc với Bộ Tài chính để nghiên cứu chính sách ưu đãi về phí hàng hải cho tàu trọng tải dưới 50.000 DWT để khuyến khích tàu tuyến nội Á ghé CM-TV làm hàng. Ngoài ra, theo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam bộ giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Bộ GTVT phê duyệt mới đây, luồng CM-TV sẽ được đầu tư nạo vét để đạt độ sâu -15,5m. Bộ GTVT xác định đây là dự án quan trọng, cấp bách, cần triển khai ngay.

Bài, ảnh: AN NHẬT

.
.
.