Bảo vệ môi trường - nhiệm vụ cấp bách - Bài 1: Nhiều điểm nóng chưa được xử lý
Thời gian qua, cùng với sự phát triển nhanh, BR-VT đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến cho chất lượng môi trường sống của người dân ngày càng suy giảm. Để khắc phục tình trạng này, tháng 3-2018, Ban thường vụ Tỉnh ủy BR-VT đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU nhằm yêu cầu các cấp chính quyền và toàn thể người dân phải vào cuộc để bảo vệ môi trường.
Theo khoanh vùng của Sở TN-MT, trên địa bàn tỉnh hiện còn 12 “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường (ONMT), ảnh hưởng đến đời sống của người dân và sự phát triển bền vững của tỉnh. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm sau khi nhận diện các “điểm nóng”, đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục.
Nước giếng nhà anh Hoàng Phi Long (bìa phải) cách trại heo Đông Á (ấp 4, xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành) khoảng 70m, khi bơm nước lên bốc mùi hôi thối. |
“ĐIỂM NÓNG” VẪN NÓNG
Theo báo cáo của Sở TN-MT, căn cứ vào nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường (BVMT) của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Sở TN-MT xác định các điểm nóng về ONMT trên địa bàn tỉnh gồm 12 điểm như: Khu vực Cửa Lấp, ao Hải Hà (huyện Long Điền); kênh Bến Đình; khu vực chế biến hải sản tại phường 10, 11, 12 (TP.Vũng Tàu); khu xử lý chất thải tập trung 100ha Tóc Tiên, khu chế biến hải sản xã Tân Hải (huyện Tân Thành); các nhà máy luyện thép trong KCN (huyện Tân Thành); phân xưởng nhuộm của Công ty TNHH MeiSheng Textiles (huyện Châu Đức); bãi rác tạm ở suối Nhật Bổn (huyện Côn Đảo)…
Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN cho biết, hiện nay, một số KCN có tình trạng ô nhiễm không khí chủ yếu do bụi, khí thải của các hoạt động giao thông vận tải, xây dựng và sản xuất. Đặc biệt ô nhiễm CO2, SO2, NO2 tại các KCN có các loại hình sản xuất thép, hải sản, gạch ngói và tại các nhà máy sử dụng chất đốt là than cám và biomass, nằm sát khu dân cư không có hành lang cách ly đã ảnh hưởng đến các vùng dân cư lân cận.
Người dân khu phố Ngọc Hà (thị trấn Phú Mỹ) phản ánh nhà máy thép Pomina 2 thường xuyên xả khói bụi, ảnh hưởng đến sức khỏe. |
Trở lại bãi biển Hải Hà (huyện Long Điền) sau 2 năm huyện Long Điền ra quân làm sạch bãi biển này những tưởng không gian, môi trường ở đây đã khác. Tuy nhiên, điều đáng buồn là bãi biển này giờ đây cũng ngập ngụa rác thải và những dòng nước đen ngòm. Theo người dân địa phương 20 năm qua, bãi biển Hải Hà (dài hơn 2km thuộc khu phố Hải Hà, thị trấn Long Hải) như một cái ao tù đọng nước thải (người dân quen gọi khu vực này là ao Hải Hà). Tác nhân chính gây ô nhiễm ở khu phố Hải Hà là 51 trại sơ chế, phân loại cá trong khu vực. Các trại cá ở khu phố Hải Hà là nơi thu gom hải sản từ các ghe, tàu rồi phân loại, sơ chế trước khi bỏ mối và bán lẻ ở các chợ. Điều đáng nói là cả 51 trại phân loại cá này chưa có hệ thống xử lý nước thải và thu gom rác thải.
Ngoài các điểm nóng trên thì bãi rác suối Nhật Bổn (huyện Côn Đảo); khu xử lý chất thải tập trung xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành); các khu chế biến hải sản ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu… cũng là những “điểm nóng” về ONMT kéo dài hàng chục năm chưa được xử lý.
KHÓ KHĂN TỪ ĐÂU?
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, qua rà soát, Sở đã xác định hàng chục “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong số đó, kênh Bến Đình (TP.Vũng Tàu); khu vực Cửa Lấp, ao Hải Hà (huyện Long Điền)… được Sở TN-MT xếp vào nhóm ô nhiễm chất thải cấp bách cần được ưu tiên khắc phục trong giai đoạn 2018-2020. Trước đó, những khu vực này đã có đề án khắc phục ô nhiễm riêng nhưng hàng chục năm qua các đề án này vẫn chưa được triển khai khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo ông Hải, các dự án khắc phục ô nhiễm môi trường chưa được triển khai nguyên nhân chính là do chưa có kinh phí. Việc di dời các cơ sở chăn nuôi vào khu chăn nuôi tập trung, di dời các cơ sở chế biến hải sản vào khu chế biến hải sản tập trung chưa thực hiện được bởi các khu sản xuất tập trung này chưa hoàn thành. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, DN và người dân về BVMT còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước về môi trường chưa chặt chẽ, chưa hết trách nhiệm dẫn đến tình trạng ô nhiễm ở các “điểm nóng” ngày càng “nóng” hơn.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tiến Trung, Phụ trách Phòng Kế hoạch tổng hợp Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông (Sở GT-VT) cho biết, ban tiếp nhận dự án này từ TP. Vũng Tàu để làm chủ đầu tư từ ngày 28-9-2016. Theo đó, chủ trương của UBND tỉnh là chuyển dự án nạo vét kênh Bến Đình từ hình thức đầu tư bằng vốn ngân sách tỉnh thành dự án đầu tư bằng hình thức BT. Nghĩa là Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông phải lập một dự án hoàn toàn mới so với dự án mà năm 2002 UBND tỉnh đã phê duyệt. “Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để triển khai. Hiện Ban đã đăng ký với UBND tỉnh để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn”, ông Trung nói thêm.
Còn về việc xử lý rác tại Côn Đảo, theo UBND huyện Côn Đảo, việc xử lý dứt điểm lượng rác tồn đọng, trả lại môi trường trong lành cho khu vực bãi rác suối Nhật Bổn là cực kỳ cấp thiết. Trong thời gian chờ Sở Xây dựng thẩm định, tham mưu đề xuất UBND tỉnh lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác Côn Đảo, UBND huyện Côn Đảo đã có văn bản kiến nghị tỉnh cho chủ trương áp dụng phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ công ích với Công ty CP Năng lượng môi trường quốc tế để xử lý rác. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc xử lý rác thải ở Côn Đảo vẫn là một bài toán chưa có kết quả.
Theo báo cáo của Sở TN-MT, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 cơ sở chăn nuôi heo quy mô trên 50 con. Trong đó, có nhiều trang trại, cơ sở chăn nuôi nằm xen lẫn trong khu dân cư chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc nếu có đầu tư nhưng không đạt quy chuẩn, gây ONMT, tăng nguy cơ dịch bệnh cho gia súc và con người. Mới đây, Sở TN-MT đã thanh, kiểm tra công tác BVMT tại các trang trại nuôi heo quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Kết quả, có đến 70% cơ sở vi phạm các quy định về môi trường, trong đó nhiều cơ sở không đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc có đầu tư nhưng không đạt quy chuẩn. Ngoài ô nhiễm do các cơ sở chăn nuôi, khu vực nông thôn hiện nay còn phải đối mặt với nguy cơ ONMT cao từ rác thải sinh hoạt. Mặc dù, rác thải ở khu vực nông thôn chỉ chiếm 35% rác thải sinh hoạt của toàn tỉnh, nhưng việc thu gom và xử lý rác thải ở khu vực nông thôn còn rất hạn chế (chỉ đạt khoảng 70%), dẫn tới tình trạng rác thải bị tồn đọng nhiều tại các điểm đổ rác, không vận chuyển để xử lý kịp thời, gây ô nhiễm môi trường sinh thái nông thôn. Theo số liệu của Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường tỉnh trong 2 năm gần đây (2016-2017), chất lượng nước của các con sông và các hồ cấp nước sinh hoạt, hồ thủy lợi đều bị ô nhiễm. Tại các cảng cá, mức độ ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn. Cụ thể, chất lượng nước mặt ở các khu vực thượng nguồn đổ vào hồ sông Ray đã bị ô nhiễm Fe, TSS, N-NH4, PO4, vi sinh, Ecoli, Xyanua CN… Môi trường không khí xung quanh các bãi rác khu chôn lấp chất thải ở Tóc Tiên, Bưng Riềng, Láng Dài cũng bị ô nhiễm khí NH3… |
Bài, ảnh: QUANG VŨ
Bảo vệ môi trường - nhiệm vụ cấp bách - Bài 1: Nhiều điểm nóng chưa được xử lý
Còn nữa