2.000ha điều già cỗi, năng suất giảm sâu
Giá hạt điều đang ở mức cao, lên đến 43-45 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, người trồng điều vẫn kém vui vì năng suất điều giảm mạnh do đa phần vườn điều đã già cỗi. Yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay là cần phải nhanh chóng tái canh cây điều.
NGƯỜI TRỒNG ĐIỀU, DN CHẾ BIẾN GẶP KHÓ
Chế biến hạt điều thô tại Công ty TNHH Cao Phát, xã Bình Giã, huyện Châu Đức. |
Theo thống kê của Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), hiện nay, 30% diện tích vườn điều đã già cỗi; 80% diện tích cây điều không rõ nguồn gốc, năng suất thấp, tuổi đời cũng đã lên tới 15-20 năm. Tỷ lệ nhân thu hồi của cây điều Việt Nam trước đây đạt 29-32%, nhưng nay chỉ còn 25-26%. Ngoài yếu tố bất thuận của thời tiết, cây điều già cỗi khiến sản lượng điều toàn tỉnh chỉ đáp ứng 25% nhu cầu sản xuất, còn lại phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Khảo sát mới nhất cho thấy, toàn tỉnh hiện có 2.000ha/9.100ha diện tích điều đã già cỗi, sâu bệnh.
Những ngày này, người trồng điều đang bước vào chính vụ thu hoạch. Thế nhưng, thay vì bận rộn như mọi năm thì năm nay, người trồng điều khá thảnh thơi. Bà Nguyễn Thị Minh, thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức cho biết, gia đình bà có gần 1ha điều. Những năm trước, khi vào chính vụ thu hoạch, bà phải thuê nhân công lượm điều từ sáng tới tối. Tuy nhiên, năm nay bà không còn phải thuê nhân công nữa do năng suất cây điều giảm mạnh. Nếu như năm 2015, năng suất điều đạt gần 8 tạ/ha thì nay chỉ còn 3-4 tạ/ha. Nguyên nhân chính khiến năng suất giảm mạnh là do cây điều ngày càng già cỗi. Hiện nay, vườn điều của gia đình bà Minh đã thu hoạch gần 15 năm, bà cũng đang xem xét trồng mới lại toàn bộ vườn.
Năng suất, chất lượng giảm khiến các DN sản xuất, chế biến hạt điều phải hoạt động cầm chừng vì không đủ nguyên liệu. Theo ông Huỳnh Văn Thơ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Nhân Hòa (huyện Tân Thành), sản phẩm hạt điều của công ty hiện được xuất sang thị trường Mỹ, châu Âu. Gần đây, do khan hiếm nguyên liệu đầu vào nên hoạt động sản xuất của DN bị ảnh hưởng nhiều.
TĂNG NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG CHO CÂY ĐIỀU
Thu hoạch điều tại vườn ông Phạm Văn Mỹ, ấp Liên Sơn, xã Xà Bang, huyện Châu Đức. |
Theo kế hoạch, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh chỉ ổn định diện tích điều khoảng 8.000ha, trồng tập trung thành các vùng rộng lớn ở các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức và Tân Thành. Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng năng suất, chất lượng cho cây điều đến năm 2020 đạt trên 1,5 tấn/ha và sản lượng đạt trên 11.500 tấn/năm. Để đạt mục tiêu trên, ngành nông nghiệp phấn đấu 100% diện tích trồng mới đều sử dụng giống điều chất lượng cao, đẩy mạnh các biện pháp thâm canh để tăng năng suất, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông dân tái canh vườn điều. Đồng thời, Sở NN-PTNT cũng tăng cường phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu cây ăn trái miền Đông Nam bộ nhân giống điều mới để cung ứng cho người dân; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý dịch bệnh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật...
Tại hội nghị “Phát triển ngành điều Việt Nam” do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Bình Phước ngày 5-5-2018, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào tái cơ cấu ngành điều. Cụ thể, không tăng diện tích sản xuất, giữ nguyên 300 ngàn ha trồng điều như hiện nay và đẩy nhanh các giải pháp tăng năng suất lên gấp đôi, thậm chí gấp ba bằng việc tái canh, thay thế giống điều có chất lượng cao, thay thế các vườn điều đã già cỗi. Bên cạnh đó, tập trung phát triển chế biến sâu, lựa chọn những DN có năng lực để đầu tư phát triển. Đồng thời, tổ chức chuỗi liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến xuất khẩu. Song song đó, tập trung việc phát triển thị trường trong nước, phát triển ngành điều gắn với du lịch.
Bài, ảnh: NGÔ MINH