Vẫn bế tắc việc nạo vét luồng Cái Mép - Thị Vải
Từ tháng 10-2017 đến nay, luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải không được thực hiện duy tu nạo vét khiến tàu ra vào cảng phải phụ thuộc vào thủy triều. Điều này dẫn tới nhiều tàu buộc phải cắt bớt hàng hóa để giảm tải hoặc chuyển qua các cảng trong khu vực để làm hàng.
Luồng hàng hải cạn dẫn tới nhiều tàu lớn phải chờ thủy triều lên mới vào cảng. Trong ảnh: Tàu neo đậu tại cảng CMIT. |
CẦN ĐẠT ĐỘ SÂU 15,5M
Để các tàu container trọng tải lớn ra vào thường xuyên và chở đầy hàng thì luồng Vũng Tàu - Thị Vải cần độ sâu 15,5m. Trong khi đó, luồng hàng hải hiện chỉ đạt độ sâu 13m, thậm chí có những đoạn chỉ đạt 11,9m. Hạn chế về luồng lạch đã khiến cho các tàu lớn có lúc không thể vào Cái Mép - Thị Vải.
Ông Trịnh Tuấn Dũng, phụ trách khai thác Hãng tàu CMA-CGM tại Việt Nam cho biết: Trong nửa năm trở lại đây, hãng tàu CMA- CGM đã phải hủy hơn 10 chuyến tàu mẹ trọng tải từ 140.000-160.000 DWT/14.000 teus vào Cái Mép. Tàu đầy hàng sau khi rời Trung Quốc, Singapore nhưng không thể vào Cái Mép vì luồng không đủ độ sâu, tàu chở hàng không thể trực tiếp cập cảng bốc xếp hàng hóa.
Ông Nguyễn Khắc Du, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ và vận tải biển Vũng Tàu cho biết: Hiện tại, cốt luồng Vũng Tàu - Thị Vải - Cái Mép là 13,6m. Độ sâu thủy triều lớn nhất có thể tận dụng được là 3m. Như vậy, độ sâu luồng + thủy triều là 16,6m. Khi luồng không đủ độ sâu cho tàu ra vào cảng, tàu phải nằm tại cảng hoặc neo ngoài phao số 0 để chờ nước thủy triều lên mới có thể vào cảng. Có những tàu phải nằm chờ nước hơn 6 giờ mới có thể ra vào cảng. Thậm chí có tàu phải xếp ít hàng, số hàng hóa còn lại được xếp lên tàu nhỏ chở từ Việt Nam sang các cảng ở Singapore, Malaysia rồi tiếp tục xếp lại lên tàu. Điều này ảnh hưởng đến thời gian hành trình của tàu và làm giảm hiệu quả khai thác tàu. Chưa kể, bình quân mỗi tiếng đồng hồ chờ đợi để vào cảng, chủ tàu sẽ mất thêm hàng chục triệu đồng chi phí nhiên liệu. Ngoài ra, việc độ sâu luồng không đủ sẽ ảnh hưởng đến tính năng điều động của tàu như tốc độ hành trình bị giảm, hạn chế khả năng ăn lái của tàu, thậm chí có thể mất lái đe dọa đến sự an toàn của tàu khi hành trình.
VẪN PHẢI CHỜ
Ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, từ cuối năm 2017 đến nay, Sở GT-VT, UBND tỉnh đã nhiều lần gửi văn bản và làm việc với Bộ TN-MT để thúc đẩy việc nạo vét. Tuy nhiên, khó khăn chính hiện nay là việc cấp phép nhận chìm chưa được giải quyết, dẫn đến bế tắc trong thực hiện nạo vét.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông diễn ra vào giữa tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho biết, nguyên nhân việc chậm cấp phép nhận chìm ở biển luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải là khu vực đề nghị nhận chìm bùn thải gần khu bãi tắm biển Vũng Tàu, trong khi các đánh giá tác động đến môi trường, hệ sinh thái, khu vực nuôi trồng thủy sản; các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường chưa được các đơn vị bổ sung, làm rõ; chương trình quan trắc, giám sát ảnh hưởng của hoạt động nạo vét, nhận chìm đến môi trường, đến các yếu tố bị tác động chưa được đưa ra cụ thể, khả thi. Do đó, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định tại Điều 49 Nghị định số 40/2016/NĐ-CP để Bộ cấp giấy phép. Trong chuyến công tác tại BR-VT, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo: Để tháo gỡ sự bế tắc trong việc nạo vét luồng Cái Mép - Thị Vải, các cơ quan có liên quan cần sớm hoàn thiện việc đánh giá tác động môi trường liên quan đến việc nhận chìm ở khu vực biển Vũng Tàu.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN