Tạo động lực, niềm tin cho người lao động
Tháng Công nhân được tổ chức vào tháng 5 hàng năm với những hoạt động trọng tâm hướng đến người lao động đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo công nhân viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân. Việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động được xác định không chỉ là vai trò của tổ chức Công đoàn, mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tạo niềm tin cho giai cấp công nhân trên toàn quốc.
TẠO NIỀM TIN CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Công nhân Công ty TNHH May Quốc tế Việt An (CCN Hắc Dịch 1, TX. Phú Mỹ) gia công hàng xuất khẩu. Ảnh: GIA AN |
Sau 30 năm đổi mới, hiện nay, cả nước có hơn 10 triệu đoàn viên, công nhân viên chức, người lao động, chiếm 21% tổng số lao động. Lực lượng này được Đảng, Nhà nước coi là nguồn lực quan trọng khi đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và 70% ngân sách quốc gia. Giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tháng Công nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động từ năm 2013 với mục tiêu nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về giai cấp công nhân lao động ở Việt Nam. Thông qua Tháng Công nhân, Công đoàn các cấp đã huy động trách nhiệm của xã hội chăm lo cho người lao động và đã nhận được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân. Sau 6 năm tổ chức, ý nghĩa và tác dụng của hoạt động này được nhân lên rõ rệt, hiệu quả năm sau cao hơn năm trước. Thực tế cho thấy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội đã nhận ra vai trò quan trọng của người lao động đối với sự phát triển của xã hội; chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động ngày càng trân trọng, coi công nhân là một tài sản quan trọng cần được bảo vệ, chăm sóc. Những năm qua, hàng ngàn căn nhà mang tên “Mái ấm đoàn viên”, “ Mái ấm Công đoàn” được trao tặng trong Tháng Công nhân đã phần nào thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với những lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhiều chương trình tư vấn kiến thức pháp luật cho người lao động được Công đoàn các cấp trên cả nước đồng loại tổ chức đem lại ý nghĩa thiết thực, giúp công nhân hiểu được quyền lợi, trách nhiệm của mình khi tham gia vào quá trình sản xuất.
Những năm qua, Công đoàn các ngành, địa phương, công đoàn cấp trên cơ sở đã ký kết với 1.139 đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ đoàn viên (khi có thẻ đoàn viên) mua hàng hóa, dịch vụ với giá ưu đãi, giảm từ 5% đến 25% so với giá niêm yết. Kết quả cho thấy, gần 1,7 triệu đoàn viên đã sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi từ các doanh nghiệp tham gia các thỏa thuận với tổ chức Công đoàn, giá trị hưởng lợi ước khoảng 526,3 tỷ đồng. Hoạt động này đã đem lại giá trị thực tế rất cao, góp phần không nhỏ giảm bớt những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày cho không ít gia đình công nhân khi mức lương còn thấp, điều kiện kinh tế bấp bênh...
Niềm vui của người lao động và cũng là một trong thành công nhất trong năm qua của Công đoàn Việt Nam chính là việc đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Theo Đề án, tổ chức Công đoàn sẽ xây dựng hơn 50.000 căn hộ, 50 nhà trẻ, 50 siêu thị, 50 điểm chăm sóc y tế, 50 trung tâm văn hóa, cơ sở vật chất về thể dục, thể thao, 50 phòng tư vấn pháp luật... Với mục tiêu đến năm 2030, tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có các thiết chế công đoàn là cơ hội rất tốt để công nhân, người lao động nghèo có điều kiện được tiếp những cận dịch cơ bản, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu trong cuộc sống.
Ở ĐÂU CÓ NGƯỜI LAO ĐỘNG, Ở ĐÓ CÓ TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN
Tháng Công nhân năm 2018 tiếp tục được tổ chức với chủ đề “Mỗi công đoàn cơ sở - Một lợi ích đoàn viên”. Theo đó, mỗi Công đoàn cơ sở sẽ chủ động lựa chọn các đối tác để triển khai chương trình phúc lợi; đồng thời đề xuất với người sử dụng lao động tổ chức ít nhất 1 hoạt động hoặc 1 mô hình chăm lo lợi ích cho đoàn viên, người lao động.
Một nguồn động viên vô cùng lớn để người lao động tiếp tục cống hiến, đó là họ đã có cơ hội được gặp gỡ, đối thoại với Thủ tướng Chính phủ trong Tháng Công nhân liên tục 3 năm qua để bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng chính đáng. Những thắc mắc của người lao động xoay quanh các vấn đề về tiền lương, an sinh xã hội, chế độ bảo hiểm, nhà ở... được Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp cụ thể đã làm thỏa lòng đông đảo công nhân, người lao động trên cả nước. Đó cũng là thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề mang tính dài lâu liên quan đến sự tồn tại của giai cấp công nhân.
Có thể thấy, tăng trưởng kinh tế - xã hội trong năm qua và những tháng đầu năm nay đã đạt được con số rất ấn tượng, tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước trong tương lai. Trong thành tựu chung của đất nước, có một phần đóng góp không nhỏ của giai cấp công nhân Việt Nam. Giải quyết hài hòa mối quan hệ lao động giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, đem lại quyền và lợi ích chính đáng cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động cần có chiến lược dài lâu, trong đó, vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính là tổ chức Công đoàn Việt Nam.
ĐỖ BÌNH