.

HTX tăng cường liên kết trong sản xuất, kinh doanh

Cập nhật: 17:04, 27/05/2018 (GMT+7)

Không còn manh mún mà liên kết lại, tổ chức sản xuất bài bản, có thương hiệu để xuất khẩu là hướng đi mà một số HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh đang triển khai có hiệu quả.

Kỹ sư  Phan Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT HTX nuôi cá Suối Giàu (bên phải), phân loại con giống cá chình để xuất bán. Ảnh: Đinh Hùng
Kỹ sư Phan Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT HTX nuôi cá Suối Giàu (bên phải), phân loại con giống cá chình để xuất bán. Ảnh: Đinh Hùng

Tháng 1-2018, HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây (ấp Phú Tâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) đã được cấp bằng chứng nhận GlobalGAP (Chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) cho 15ha cây hồ tiêu. Nhờ canh tác theo quy trình sạch nên trong năm 2017, sản phẩm tiêu của HTX Nông nghiệp - Thương mại – Du lịch Bầu Mây xuất khẩu được hơn 100 tấn sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc với giá cao hơn từ 20 - 30% giá thị trường. Cách làm mới này đã mở toang cánh cửa cho nông dân trực tiếp làm ăn lớn, bớt phụ thuộc vào những hợp đồng thời vụ của thương lái và DN.

Với tư duy đột phá, ông Lâm Ngọc Nhâm - Chủ tịch HĐQT HTX đã dẫn dắt HTX hướng ra thị trường quốc tế với việc tiếp cận tiêu chuẩn thế giới và xây dựng thương hiệu vững mạnh. Ông Lâm Ngọc Nhâm cho biết: HTX hiện có hơn 30ha trồng tiêu đen, tiêu đỏ. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp cho thị trường trong nước khoảng 200 tấn hạt tiêu đen, tiêu đỏ, các sản phẩm chế biến muối tiêu xanh và mắm tiêu xanh. HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây cũng đã ký kết hợp tác với HTX Nông nghiệp Số để xây dựng truy xuất nguồn gốc và quản trị thương hiệu. Đây được xem là căn cứ để giúp các sản phẩm của HTX Bầu Mây sánh ngang với thương hiệu tiêu nổi tiếng Kampot của Cam-pu-chia và minh bạch nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, nếu làm tốt, mô hình HTX sẽ giúp tạo ra một nền sản xuất nông nghiệp lớn và sạch, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực. Câu chuyện của HTX Nông nghiệp - Thủy sản Suối Giàu (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) chuyên nuôi cá chình xuất khẩu là một ví dụ khác cho cách làm mới này. Trước đây, việc nuôi cá chình chỉ mới được một số hộ trên địa bàn xã nuôi và bán cho thương lái nên hiệu quả không cao. Do đó, 8 hộ nuôi cá chình tại đây đã liên kết lại, thành lập HTX để mở rộng quy mô và tăng sản lượng, hướng tới thị trường xuất khẩu để nâng cao giá trị cho sản phẩm cá chình. Kỹ sư Phan Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, các thành viên đã góp vốn, mạnh dạn đầu tư hơn 45 tỷ đồng làm đường, điện lưới và xây 20 hồ trên diện tích 16ha để nuôi cá. Đồng thời chủ động tìm hiểu, liên kết với các DN tại TP. Hồ Chí Minh - một thị trường tiêu thụ lớn, tiềm năng mở cửa hàng bán lẻ cá chình phi lê chế biến sẵn. Dự kiến đến tháng 7-2018 sẽ triển khai mô hình này tại TP. Hồ Chí Minh. Theo kỹ sư Phan Văn Hùng, hiện sản lượng cá chình của HTX đạt khoảng 100 tấn/năm. Cá chình có trọng lượng trên 5kg được xuất đi châu Âu, dưới 5kg thì xuất sang Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Thị trường tiêu thụ khá thuận lợi, thậm chí HTX có hợp đồng 100 tấn đi nước ngoài mà không đủ sản lượng. “Ngày 17-3-2018, Công ty CP Maguna (TP. Fukuako, Nhật Bản) đã đến khảo sát môi trường nuôi, chất lượng cá chình của HTX và đã ký hợp đồng mua hơn 10 tấn cá chình, với giá 430.000 đồng/kg. Trong tương lai, nếu đủ sản lượng và chất lượng, Công ty CP Maguna có thể nhập tới 30 tấn cá/năm”, kỹ sư Phan Văn Hùng cho biết thêm.

Ông Phan Nhật Nam, Chủ tịch Liên minh HTX BR-VT cho biết, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh  có 91 HTX, trong đó có 57 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Đứng trước yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn và hội nhập kinh tế, HTX nông nghiệp kiểu mới ngày càng có vai trò quan trọng trong việc định hướng hỗ trợ và dẫn dắt kinh tế hộ nông dân phát triển. Nhiều HTX kiểu mới gắn kết nông dân lại với nhau để sản xuất lớn theo tiêu chuẩn toàn cầu, đủ sức cạnh tranh với nông sản ngoại. Đồng thời là tổ chức đại diện cho nông dân đứng ra làm việc với DN, kiểm soát chất lượng, làm ra sản phẩm bảo đảm ATVSTP, bán được giá cao. Chính nhờ đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhiều HTX đã gặt hái thành công, có thị trường tiêu thụ ổn định, thu nhập của xã viên tăng cao. Ngoài 2 HTX nói trên, có thể kể đến một số HTX điển hình như: sản phẩm lúa gạo của HTX nông nghiệp – dịch vụ An Nhứt; Nhãn xuồng cơm vàng  HTX nông nghiệp Nhân Tâm; trái bơ của HTX nông nghiệp Thái Dương; ca cao bột của HTX hữu cơ Bapula… Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều HTX có quy mô còn nhỏ, thiếu vốn, khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhiều HTX còn lúng túng trong hoạt động, trình độ cán bộ quản lý, người lao động còn thấp ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các HTX. Mối quan hệ giữa các thành viên trong việc tổ chức sản xuất của các HTX còn lỏng lẻo, thiếu bền vững… Do vậy, theo ông Phan Nhật Nam, Nhà nước cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các HTX về trình độ quản lý; hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản… Đồng có trách nhiệm hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp bảo đảm sản phẩm tham gia thị trường tiêu thụ đều có nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo tiêu chuẩn ATVSTP trong chuỗi sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn lưu thông trên thị trường.

NGÔ MINH

.
.
.