Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công
Với mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, ngày 10- 5 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Hình thức thanh toán này được đánh giá mang lại nhiều tiện ích cho cả người dân và DN.
NHIỀU TIỆN ÍCH
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh Vũng Tàu. |
Thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công mang lại sự thuận tiện, hiệu quả, có nhiều ưu thế vượt trội hơn so với giao dịch thanh toán bằng tiền mặt, tránh được rủi ro, tiết kiệm thời gian và nhân lực. Chính vì thế mà thời gian qua, các DN cung ứng điện, nước, điện thoại, viễn thông và các đơn vị cung cấp dịch vụ công khác trên địa bàn tỉnh đã tích cực liên kết với các ngân hàng để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực BR-VT cho biết: Từ năm 2011, Công ty đã xây dựng đề án, đưa ra các giải pháp cụ thể phối hợp với các ngân hàng triển khai phát triển số lượng khách hàng đăng ký thanh toán tiền điện qua ngân hàng. Tính đến nay, Công ty Điện lực đang quản lý 368.120 khách hàng, trong đó có gần 53.000 khách hàng thanh toán qua ngân hàng, chiếm 15%. Trong năm 2018, Công ty phấn đấu phát triển thêm 5% khách hàng sử dụng thanh toán qua ngân hàng.
Tại Công ty Cấp nước BR-VT (BWACO), từ năm 2012 đến nay, đơn vị này cũng phối hợp với 13 ngân hàng trên địa bàn tỉnh thu tiền nước. Tính đến nay đã có 28.793/174.281 khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua ngân hàng. Theo lãnh đạo BWACO, việc sử dụng dịch vụ ngân hàng để thanh toán tiền nước mang lại thuận tiện cho các khách hàng thường xuyên vắng nhà. Tiết kiệm thời gian, có thể thanh toán cho cha mẹ, người thân. Đồng thời, tránh được trường hợp nhân viên thu ngân đến nhà vào thời gian nghỉ ngơi của khách hàng, giảm rủi ro trong trường hợp có kẻ giả danh nhân viên thu tiền nước vào nhà khách hàng với mục đích không tốt. Vào những ngày đầu tháng, khách hàng sẽ nhận được tin nhắn từ BWACO báo số tiền nước qua điện thoại (bao gồm: số tiền cần thanh toán, số m3 nước sử dụng, chỉ số đồng hồ. Ngoài ra, khách hàng dễ dàng tra cứu thông tin tiêu thụ, giấy báo tiền nước và in hóa đơn điện tử trên trang Web: http://bwaco.com.vn/.
Theo ông Đỗ Gia Hồng, Giám đốc HDBank Vũng Tàu, việc thanh toán các khoản tiền dịch vụ qua ngân hàng rất đơn giản. Chẳng hạn như việc đóng tiền điện, khách hàng có thể thanh toán tại bất kỳ điểm thu nào của ngân hàng mà không phải đi đến quầy thu của ngành điện lực; thanh toán qua Internet Banking. Thậm chí, khách hàng không phải thực hiện thao tác chuyển tiền nếu khách hàng có đăng ký dịch vụ trừ tiền điện tự động qua tài khoản tại ngân hàng (trích tiền tự động).
Đối với dịch vụ thu ngân sách, đến nay KBNN, Cục Thuế tỉnh và các ngân hàng như BIDV, Agribank, Vietcombank, Viettinbank và MBbank trên địa bàn tỉnh đã ký kết thỏa thuận phối hợp thu ngân sách. Ông Trần Xuân Khánh, Giám đốc KBNN tỉnh cho biết, việc ký kết thỏa thuận thu ngân sách giữa 3 đơn vị trong thời gian qua được coi là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa KBNN. Các quy trình nghiệp vụ hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế, tiết kiệm chi phí, thời gian cho cả khách hàng và KBNN. Chương trình phối hợp thu NSNN qua ngân hàng đã cho thấy những thế mạnh vượt trội như đa dạng hóa các hình thức nộp thuế, giúp người nộp thực hiện nghĩa vụ nhanh chóng, thuận tiện hơn.
HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng Vietinbank, chi nhánh BR-VT. |
Thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công (thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội), UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2020 như sau: 70% giao dịch nộp thuế trên địa bàn tỉnh phải thực hiện qua ngân hàng. Hệ thống KBNN cấp tỉnh, thành phố, thị xã, huyện đều được trang bị thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng phục vụ việc thu ngân sách nhà nước. Đối với dịch vụ thanh toán tiền điện, phấn đấu 60% tiền điện được thanh toán qua ngân hàng tại địa bàn thành phố, thị xã, huyện. Đối với dịch vụ thanh toán tiền nước, phấn đấu 50% cá nhân, hộ gia đình tại địa bàn thành phố, thị xã, huyện thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng. Đối với dịch vụ thanh toán tiền học phí, 90% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng và 70% số sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng. Đối với dịch vụ thanh toán tiền viện phí, phấn đấu 50% bệnh viện trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng. Đối với dịch vụ chi trả an sinh xã hội, phấn đấu 10% số tiền an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng.
Tuy nhiên, hiện nay việc thu phí dịch vụ thanh toán đối với dịch vụ công vẫn gặp khó khăn do mạng lưới cung ứng dịch vụ thanh toán, việc kết nối thông tin dữ liệu giữa ngân hàng và đơn vị cung ứng dịch vụ công chưa được chuẩn hóa. Thói quen dùng tiền mặt của người dân còn phổ biến cũng làm hạn chế việc thanh toán phí dịch vụ công qua ngân hàng. Do vậy, các ngân hàng đề xuất cần sớm triển khai các hình thức hiện đại phục vụ cho việc thu phí; Nâng cấp và đồng bộ hệ thống trao đổi thông tin dữ liệu về thu nộp ngân sách giữa các đơn vị như: Thuế, Hải quan, KBNN để áp dụng thống nhất việc định danh các khoản thu. Đồng thời, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng các sở, ban, ngành trong việc đẩy mạnh triển khai thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.
Đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: để đạt mục tiêu nói trên tỉnh đã đề ra các giải pháp: Triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế, giao dịch thương mại điện tử... Đồng thời tiếp tục ứng dụng và đẩy mạnh cung ứng các sản phẩm, loại hình dịch vụ thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội như mở rộng thêm mạng lưới thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS, mPOS) tại các KBNN, các bệnh viện, trường học trên địa bàn tỉnh; Phát triển và ứng dụng các sản phẩm thẻ ngân hàng đa năng, đa dụng cho phép thực hiện giao dịch thu, nộp thuế, phí cầu đường, nhận tiền BHXH... trên ứng dụng điện thoại di động và các hình thực thanh toán hiện đại khác. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng xây dựng biện pháp trao đổi, chia sẻ thông tin phù hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với các chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn...
Bài, ảnh: PHAN HÀ
Trên địa bàn tỉnh hiện có 403 máy ATM đang hoạt động với mạng lưới được phân bổ rộng khắp các địa bàn thành phố, huyện, phục vụ khách hàng giao dịch tự động tiền mặt và thanh toán chuyển khoản; 2.146 máy POS đang hoạt động tại 1.644 đơn vị chấp nhận thẻ để thanh toán tiền mua hàng tại các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, cửa hàng xăng dầu và hệ thống xe taxi... Với mạng lưới ATM và POS hiện có sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương tham gia thực hiện đề án thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công. (Nguồn: Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh BR-VT) |