Giao thông kết nối Vũng Tàu - Côn Đảo: Luôn trong tình trạng khó khăn
Hiện nay, có 2 loại phương tiện đưa khách đến Côn Đảo là máy bay và tàu thủy. Giá vé máy bay Côn Đảo - TP.Hồ Chí Minh khá cao nhưng khách rất khó mua, còn tàu thủy thì giá rẻ hơn, chỉ bằng 1/3 nhưng lại phụ thuộc thời tiết. Do vậy, cái khó nhất của Côn Đảo hiện nay vẫn là giao thông kết nối với đất liền.
Nhân viên Ban quản lý cảng Bến Đầm chuyển hàng hóa lên tàu Côn Đảo 09 vào chiều 29-5. |
TÀU THỦY KHÓ VƯỢT QUA HẠN CHẾ CỐ HỮU
Hiện nay, tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo có 2 tàu khách xuất phát từ cảng Cát Lở đến cảng Bến Đầm và ngược lại, gồm: Tàu Côn Đảo 09 (sức chứa 238 hành khách với 200 giường và 38 ghế, 45m3 hàng hóa); tàu Côn Đảo 10 (sức chứa 148 hành khách với 108 giường và 40 ghế, sức chứa 90m3 hàng hóa). 2 tàu trên do Ban quản lý cảng Bến Đầm vận hành, khai thác đã gần 20 năm. Năm 2017, Côn Đảo có thêm tuyến tàu kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long là Sóc Trăng - Côn Đảo và ngược lại với 2 tàu Superdong Côn Đảo I và Superdong Côn Đảo II do Công ty CP Tàu cao tốc Superdong Kiên Giang đầu tư, khai thác. Tàu được đóng mới tại Malaysia, có sức chứa 306 hành khách, vận tốc trung bình 26 hải lý/giờ. Mỗi ngày, 2 tàu trên có 2 chuyến Sóc Trăng - Côn Đảo và 2 chuyến Côn Đảo - Sóc Trăng, xuất bến lúc 8 giờ và 13 giờ.
Riêng tàu Côn Đảo 09 và 10, lịch chạy tàu được Ban quản lý cảng Bến Đầm công bố trên trang web (vetaukhachcondao.com) thời gian 1 tháng trước khi tàu khởi hành, kèm số điện thoại đặt vé, sơ đồ ghế ngồi, số giường trong từng phòng, hiển thị thông tin còn hay hết vé, cho phép đặt vé và thanh toán online, hướng dẫn quy trình và thủ tục mua vé rất rõ ràng. Chị Phạm Thị Kim Loan (nhà ở thôn Láng Cát, xã Tân Hải, huyện Tân Thành) cho biết, chị có người thân sinh sống ở Côn Đảo nên thường xuyên ra Côn Đảo. Cách đây 3 năm, mỗi lần đi Côn Đảo thăm người thân, chị rất ngại vì phải chờ tại cảng Cát Lở vài ngày may ra mới mua được vé tàu, vé máy bay thì mắc mà cũng không dễ mua. “Giờ thì khỏe rồi, tôi chỉ cần vào website của Ban Quản lý cảng Bến Đầm xem lịch tàu chạy, đặt vé, chuyển tiền thanh toán qua ngân hàng. Nếu có thời gian thì có mặt tại cảng 5 tiếng trước khi tàu chạy để lấy vé, còn không thì nhờ người thân lấy vé dùm. Cách giờ tàu xuất bến 1-2 tiếng, tôi đến làm thủ tục, xuất trình CMND cho khâu kiểm soát vé để lên tàu là được”, chị Loan cho biết.
Nhiều DN lữ hành thường đưa khách ra Côn Đảo du lịch cũng chung nhận xét: Nhân viên bán vé nhã nhặn, cung cách phục vụ lịch thiệp, vệ sinh trên tàu Côn Đảo 09 và 10 đã được cải thiện rất nhiều so với trước. “Trang thiết bị phòng, chăn, gối, nệm, giường được thay mới thường xuyên, vệ sinh sạch sẽ. Trước đây, căn tin trên tàu chỉ bán mì gói và trứng luộc, nay đã có thêm món cháo gà và nhiều loại nước giải khát. Khi chúng tôi đặt vé tàu số lượng lớn, còn được giao vé đến tận văn phòng công ty. Điều này chưa bao giờ xảy ra 2 năm về trước”, ông Triệu Hiệp Sơn, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hải Đăng (41A25, đường 30-4, phường 9, TP.Vũng Tàu) cho hay.
Mặc dù đã có thêm các tuyến kết nối, nâng cấp dịch vụ mua bán vé, thay đổi cung cách phục vụ nhưng nhìn chung, tuyến vận tải hành khách đường biển đến Côn Đảo vẫn khó có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của huyện đảo. Kể cả khi có nhiều hơn những dự án kết nối Côn Đảo bằng đường thủy thì con đường vận chuyển này cũng khó có thể vượt qua được hạn chế cố hữu là phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố thời tiết. Do đó, trong tương lai, muốn tăng cường giao thông kết nối, nhất thiết phải tính tới việc nâng cấp vận tải đường hàng không cho Côn Đảo.
CẦN SỚM NÂNG CẤP ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG
Ngoài tàu thủy, khách đến Côn Đảo còn có thể đi bằng đường hàng không tuyến TP.Hồ Chí Minh - Côn Đảo do Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) khai thác. Giá vé máy bay tuyến này hiện khá cao, hơn 1,8 triệu đồng/lượt nhưng luôn trong tình trạng khan hiếm.
Cảng hàng không Côn Đảo sẽ được nâng cấp từ hạng 3C (chỉ khai thác được máy bay ATR72) lên hạng 4C có thể đón được máy bay Airbus A320 và tương đương. Trong ảnh: Khách đến Côn Đảo bằng máy bay ATR72 của VASCO. |
Trong buổi sáng 29-5, chúng tôi điện thoại đến 3 đại lý vé máy bay trên địa bàn tỉnh đặt vé đi Côn Đảo vào ngày 2-6 nhưng đều nhận được câu trả lời hết vé. Ghi nhận trên website của Vietnam Airlines cho thấy chuyến bay từ TP.Hồ Chí Minh - Côn Đảo đã hết vé đến ngày 2-6. Nhiều DN lữ hành đồng thời cũng là đại lý vé máy bay tuyến TP.Hồ Chí Minh-Côn Đảo cho biết, mỗi lần đặt vé đều phải… xin và chờ đợi trên hệ thống miệt mài mà cũng chưa biết khi nào có vé.
Đại diện Chi nhánh VASCO Côn Đảo cho biết, tuyến bay TP.Hồ Chí Minh - Côn Đảo và ngược lại được VASCO khai thác từ năm 2004 bằng máy bay ATR72 sức chở 68 người với tần suất 2 chuyến/tuần, từ năm 2007 tăng lên 7 chuyến/tuần. Hiện nay, VASCO phục vụ từ 8 đến 10 chuyến/ngày nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của hành khách. Khách đến Côn Đảo ngày càng nhiều, nhất là dịp cuối tuần hay lúc biển động, tàu không chạy được, lượng khách chuyển sang đi máy bay tăng đột biến. Lúc này sẽ xảy ra tình trạng quá tải, hãng không đáp ứng được. Mặt khác, sân bay Côn Đảo chưa có đèn chiếu sáng vào ban đêm. Do đó, chuyến bay cất cánh cuối cùng từ Côn Đảo về TP.Hồ Chí Minh phải trước 16 giờ.
Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ mở rộng sân bay Côn Đảo. Ngày 23-4, Bộ GT-VT đã làm việc với UBND huyện Côn Đảo về phương án quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Cảng hàng không Côn Đảo sẽ được nâng cấp từ hạng 3C (chỉ khai thác được máy bay ATR72) lên hạng 4C có thể đón được máy bay Airbus A320 (sức chứa lên tới 180 khách) và tương đương; diện tích hơn 132ha, tăng 21,170ha so với diện tích hiện hữu; sân đỗ tối thiểu 8 máy bay Airbus A320; nhà ga đáp ứng công suất 2 triệu hành khách/năm. Trong thông báo kết luận buổi làm việc trên, Bộ GT-VT nêu quan điểm cần ưu tiên quỹ đất để phát triển lâu dài, đồng bộ cho Cảng hàng không Côn Đảo phục vụ phát triển kinh tế, xã hội Côn Đảo và BR-VT. Việc quy hoạch nhà ga hành khách, sân đỗ máy bay và các công trình phải bảo đảm khả năng mở rộng, nâng công suất thuận lợi khi có nhu cầu. Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch để Bộ GT-VT lấy ý kiến trước khi tổ chức họp Hội đồng thẩm định quy hoạch.
Như vậy, khi việc mở rộng sân bay Côn Đảo được hoàn thành, sẽ giải quyết được cơ bản nhu cầu vận chuyển hành khách đến Côn Đảo bằng đường hàng không.
Dự báo nhu cầu đi lại bằng máy bay của người dân trong dịp hè sẽ tăng từ 30%-50% so với ngày thường, VASCO sẽ duy trì 20 chuyến đi - về/ngày vào cuối tuần, gấp đôi so với ngày thường. Trong trường hợp khách tăng đột biến, có thể tăng đến 30 chuyến bay. Hành khách là CBCNVC và người dân có hộ khẩu thường trú tại Côn Đảo, được giảm 30% giá vé; giảm 50% giá vé đối với các chuyến bay cấp cứu nhưng khai thác chung với chuyến bay thương mại (chở khách và chở bệnh nhân cấp cứu trên cùng chuyến bay). (Bà Trịnh Thị Phương, Trưởng Chi nhánh VASCO Côn Đảo) Tàu khách tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo và ngược lại có hải trình 12-13 tiếng. Khi biển động, tàu phải hủy chuyến. Nếu ở đầu Vũng Tàu, chúng tôi chỉ cần xin lỗi khách, mong khách thông cảm vì nguyên nhân khách quan không ai mong muốn và chịu tổn thất các khoản đặt cọc giữ chỗ khách sạn, nhà hàng tại Côn Đảo. Tuy nhiên, nếu du khách đang ở Côn Đảo thì rắc rối hơn vì sẽ phát sinh thêm chi phí lưu trú, ăn uống, chưa kể việc tìm chỗ lưu trú cho khách rất nan giải vì lượng khách sạn ít. Do đó, nếu du khách đi Côn Đảo xuất phát từ Vũng Tàu, chúng tôi chỉ tổ chức trong tháng 3, tháng 4 khi biển êm. Từ tháng 5 trở đi, bắt đầu vào mùa mưa bão, có khách mua tour Côn Đảo, chúng tôi thường tư vấn khách đi từ Sóc Trăng. Là DN lữ hành, chúng tôi vẫn muốn đưa khách đi Côn Đảo từ Vũng Tàu vì dịch vụ lưu trú, vui chơi, mua sắm tại Vũng Tàu đa dạng hơn, chất lượng hơn Sóc Trăng. (Ông Triệu Hiệp Sơn, |
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA