Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Còn tình trạng thất thoát trong đầu tư xây dựng
Sáng 20-4, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Tại điểm cầu tỉnh BR-VT, đồng chí Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ngành đã tham dự hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. |
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, trong giai đoạn vừa qua, hệ thống pháp luật trong đầu tư xây dựng ngày càng được hoàn thiện, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, chất lượng công trình được nâng cao. Nhiều khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách có liên quan đến đầu tư xây dựng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần được tiếp tục đánh giá và có giải pháp tháo gỡ.
Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến cùng chung nhận định với Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng cần được tháo gỡ; những khó khăn vướng mắc này làm cho hiệu quả đầu tư công còn hạn chế, năng lực sản xuất kinh doanh, dịch vụ tăng thêm không đạt yêu cầu đề ra...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thực tế vẫn còn tình trạng thất thoát nhiều trong đầu tư xây dựng và điều này cần phải được chấn chỉnh tốt hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng cơ quan chức năng gây khó khăn cho các DN khiến một số dự án sử dụng vốn đầu tư công quy mô lớn bị dừng, giãn tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư triển khai theo đúng tiến độ với chất lượng cao. Đây là điểm mấu chốt quan trọng cần phải được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Các bộ, ngành địa phương phải nhanh chóng tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn hóa và minh bạch hóa các thủ tục hành chính và phương thức xử lý thủ tục hành chính, từ đó nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ; phấn đấu nâng hạng môi trường kinh doanh trong những năm tới, đặc biệt là nâng hạng ở các tiêu chí như cấp giấy phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký bất động sản, thực hiện hợp đồng, tiếp cận tín dụng.
VŨ DŨNG - VĂN HIẾU