.

Doanh nghiệp xuất khẩu than trời vì hãng tàu tăng phí

Cập nhật: 17:52, 20/04/2018 (GMT+7)

Nhiều DN xuất khẩu trong tỉnh đang kêu trời khi nhận được thông tin về việc các hãng tàu sẽ tăng phí vận chuyển từ cuối tháng 4. Thông tin này khiến nhiều DN “đứng ngồi không yên” bởi gánh nặng chi phí gia tăng, lợi nhuận giảm. 

Việc các hãng tàu liên tục tăng giá đã gây thêm nhiều gánh nặng chi phí cho các DN xuất khẩu. Trong ảnh: Chế biến hải sản tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh.
Việc các hãng tàu liên tục tăng giá đã gây thêm nhiều gánh nặng chi phí cho các DN xuất khẩu. Trong ảnh: Chế biến hải sản tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, các DN xuất khẩu trong các lĩnh vực nông sản, thủy sản cho biết, thời gian qua nhiều hãng tàu như: CMC, Mearsk Line, Cosco, ZIM… liên tục tăng phí vận chuyển, mỗi lần tăng từ 2-5%. 

Hãng tàu Mearsk Line là một trong những hãng tàu có thị phần lớn nhất tại Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây đã tăng thêm phí khá lớn. Cụ thể, phí THC (xếp dỡ cảng đi) năm 2013 là 4 triệu đồng/container. Đến năm 2018, phí này tăng lên 5,2 triệu đồng/container. Phí DO (lệnh giao hàng) năm 2013 là 550.000 đồng, đến nay là 730.000 đồng. Phí vệ sinh container năm 2013 là 490.000 đồng/container, hiện nay là 680.000 đồng/container…

Bên cạnh đó, các hãng tàu còn đưa ra thêm nhiều loại phí mới mang tính áp đặt. Điển hình, từ năm 2016 hãng tàu CMC thu thêm phí CIC (phí cân bằng container) với mức thu 55 USD/container.Từ tháng 8-2017, hãng tàu ZIM và Mearsk Line thu phí xà lan (phí vận chuyển container bằng xà lan từ các ICDs - điểm thông quan nội địa và các cảng ở TP.Hồ Chí Minh đi cảng Cái Mép để xếp container lên tàu vận chuyển đi quốc tế) khá cao. Chẳng hạn, các hãng này thu  820.000 đồng/20’DC (container khô); 1,8 triệu đồng/40’DC; 2 triệu đồng/45’HC (container cao); 1,1 triệu đồng/20’RF (container lạnh); 2,2 triệu đồng/40’RF…

Ngoài việc tăng phí, một số đại lý tàu biển còn phụ thu một số phí không hợp lý như: Phí khai báo trọng lượng (VGM) khoảng 300.000 đồng- 550.000 đồng/lô hàng. Thậm chí, đại lý Việt Nam truyền dữ liệu cho đại lý nước ngoài thông qua website nhưng hãng tàu cũng thu thêm phí truyền dữ liệu của chủ hàng từ 750.000 - 850.000 đồng/lô hàng.

Từ cuối tháng 4-2018, nhiều hãng tàu dự kiến tăng phí vận chuyển. Việc làm này khiến DN xuất khẩu gặp khó.  Trong ảnh: Bốc container lên tàu tại cảng quốc tế Cái Mép (CMIT). Ảnh: THÀNH HUY
Từ cuối tháng 4-2018, nhiều hãng tàu dự kiến tăng phí vận chuyển. Việc làm này khiến DN xuất khẩu gặp khó. Trong ảnh: Bốc container lên tàu tại cảng quốc tế Cái Mép (CMIT). Ảnh: THÀNH HUY

Theo các DN xuất khẩu thủy sản, hiện nay, phí vận tải chiếm tới 59% tổng giá trị hàng hóa. Giờ đây, các hãng tàu lại tiếp tục tăng phí khiến các DN rất bức xúc, nhất là trong bối cảnh thị trường xuất khẩu khó khăn như hiện nay. Điều đáng nói, các hãng tàu đều đồng loạt tăng phí nên DN bị dồn vào thế bí: không chấp nhận thì không xuất hàng đi được, mà chấp nhận thì chi phí sản xuất tăng cao, lợi nhuận giảm, từ đó hàng hóa cũng giảm sức cạnh tranh. Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh (Baseafood) cho biết: “Chúng tôi vừa nhận được tin từ cuối tháng 4 các hãng tàu sẽ tăng một số loại phí từ 3-5%, tương đương từ 70-100 USD/container. Bình quân mỗi tháng, Baseafood xuất đi châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… khoảng 140 container. Với mức tăng phí này, tổng chi phí sản xuất sẽ tăng thêm từ 210-300 triệu đồng/tháng, khiến DN giảm lợi nhuận”. 

Trong khi đó, theo giải thích của các hãng tàu, việc tăng các loại phí là do thời gian gần đây chi phí vận hành, giá dầu tăng. Ông Trịnh Tuấn Dũng, phụ trách khai thác hãng tàu CMA tại Việt Nam cho biết: Hệ thống cảng còn tồn tại nhiều vấn đề như luồng cạn, dịch vụ hàng hải kém, tàu lớn của nước ngoài khó vào hoặc phải tốn thêm nhiên liệu chờ thủy triều lên. Ngoài ra, vì hàng xuất khẩu mỗi lần của DN thường có số lượng ít nên các hãng vận tải phải chở gom hàng bằng tàu nhỏ để đưa đến tàu lớn trung chuyển ở Singapore hoặc Hồng Kông, rồi mới chở đi cảng giao hàng tại châu Âu hoặc châu Mỹ... nên tốn thêm nhiều phí. Cụ thể: Cùng một container loại 40 feet, nếu từ cảng Sài Gòn đi New York thì tiền cước cao hơn 1.000 USD so với đi từ các cảng của Trung Quốc. Nếu đi châu Âu tiền cước sẽ cao hơn 300 USD/container so với đi từ cảng của Thái Lan. Một nguyên nhân nữa là do tình hình bất ổn chính trị tại Syria vừa qua đã đẩy giá dầu tăng vọt, dẫn tới chi phí tăng theo.    

Tuy nhiên đại diện nhiều DN vẫn cho rằng các hãng tàu không thể lợi dụng vị thế độc quyền để đơn phương áp đặt giá cước. Ông Trương Đình Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đề nghị Bộ GT-VT và các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ các khoản phí do hãng tàu tự “đẻ” ra, đồng thời yêu cầu các hãng điều chỉnh phí xuống mức phù hợp, góp phần kéo giảm chi phí dịch vụ logistics, hỗ trợ DN trong sản xuất, kinh doanh.

Bài , ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.