Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách
Sáng 19-4, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, đã diễn ra hội nghị triển khai Chỉ thị số 27-CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) và nhiệm vụ BVMT năm 2018. Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo tỉnh và hơn 600 đại biểu đại diện các sở, ngành, địa phương, DN...
Tại hội nghị, ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh tập trung ở các lĩnh vực: Chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; chế biến hải sản; sản xuất luyện, cán thép. Một số khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như kênh Bến Đình, Cửa Lấp, ao Hải Hà... Đáng chú ý, thời gian gần đây, ô nhiễm môi trường đang có dấu hiệu đe dọa nguồn nước.
Kênh Bến Đình (TP. Vũng Tàu) là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường chậm khắc phục. |
Theo số liệu của Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường tỉnh, trong 2 năm gần đây (năm 2016-2017), các con sông đến các hồ cấp nước sinh hoạt, hồ thủy lợi đều bị ô nhiễm. Tại các cảng cá, mức độ ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn. Cụ thể, chất lượng nước mặt ở các khu vực thượng nguồn đổ vào hồ Sông Ray đã bị nhiễm Fe, TSS, N-NH4, PO4, vi sinh, Ecoli, Xyanua CN… Môi trường không khí xung quanh các bãi rác khu chôn lấp chất thải ở Tóc Tiên, Bưng Riềng, Láng Dài cũng bị ô nhiễm khí NH3.
Nguyên nhân hạn chế nêu trên đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ ra tại Chỉ thị số 27-CT/TU, chủ yếu là do: Nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, DN và người dân về công tác BVMT còn hạn chế; Tư duy coi trọng tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ BVMT vẫn còn phổ biến; Công tác quản lý nhà nước về môi trường của các cấp, các ngành chưa chặt chẽ, chưa hết trách nhiệm.
Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đơn vị, sở, ngành DN thể hiện quyết tâm trong việc BVMT, nhất là nguồn nước. Theo ông Huỳnh Sơn Thái, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 29 hồ chứa nước, trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án bảo vệ công trình 5 hồ chứa nước bao gồm các hồ: Suối Giàu, Đá Bàng, Tầm Bó, Lồ Ô và Đá Đen. Ngoài ra, Sở cũng đã lập phương án bảo vệ nguồn nước đối với 7 hồ chứa; thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh. Ngoài các giải pháp trên, để BVMT các hồ chứa nước, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh di dời các trang trại chăn nuôi không đạt tiêu chuẩn xử lý chất thải vào khu chăn nuôi tập trung của tỉnh; di dời các trại chăn nuôi nằm trong lưu vực các hồ chứa nước sinh hoạt…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, nếu không triển khai các giải pháp quyết liệt, đồng bộ ngay từ bây giờ, thì môi trường sẽ là lực cản lớn đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và để lại những hậu quả nặng nề. Do đó, BVMT là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách cần có sự vào cuộc của chính quyền, người dân và DN. Bên cạnh các giải pháp mà Chỉ thị 27-CT/TU đã nêu, đồng chí Trần Đình Khoa cũng đóng góp một số biện pháp như: Cần phải xây dựng bộ tiêu chí về môi trường đối với các địa phương để giúp các cơ quan BVMT có thêm công cụ đánh giá mức độ thực hiện quy định về BVMT. Đối với các xã NTM phải hoàn thành 5 nội dung về BVMT. Đối với các cơ sở chăn nuôi heo quy mô dưới 50 con nằm trong khu dân cư, cần hướng dẫn và hỗ trợ người dân xây hầm biogas… Riêng đối với các hồ cấp nước, phải gắn trách nhiệm bảo vệ cho từng địa phương.
Chỉ thị số 27-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, bảo đảm phát triển của tỉnh theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Sau hội nghị, UBND tỉnh sẽ ban hành kế hoạch hành động BVMT với tổng cộng 73 đầu việc, trong đó tập trung triển khai 10 nhiệm vụ chủ yếu như: tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, DN; thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; bảo vệ nghiêm ngặt các hồ cấp nước… |
Bài, ảnh: QUANG VŨ