Ngân hàng tăng cường cho vay tiêu dùng
Dân số trẻ, sẵn sàng vay nợ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho tín dụng tiêu dùng. Do vậy, hiện nay các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay phân khúc khách hàng cá nhân, thay vì chỉ chú trọng đến đối tượng khách hàng DN như trước nhằm đáp ứng nhu cầu này.
TĂNG TRƯỞNG KHÁ TỪ ĐẦU NĂM
Theo phản ánh của các ngân hàng, thông thường trong quý I mức tăng trưởng tín dụng chậm, vì thời điểm sau Tết Nguyên đán, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN chưa được đẩy mạnh, nhu cầu vay tiêu dùng, mua, xây nhà của khách hàng cá nhân chưa cao. Tuy nhiên, khác với mọi năm, năm nay tăng trưởng tín dụng “ấm” từ những tháng đầu năm.
Ghi nhận tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho thấy, kết thúc quý I-2018, nhiều ngân hàng thông báo tăng trưởng tín dụng với những con số ấn tượng. Ông Nguyễn Gia Hồng, Giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank), Chi nhánh Vũng Tàu cho biết: Năm 2018, HDBank Vũng Tàu đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 35%, huy động 20%. Trong quý I-2018, HD bank Vũng Tàu đã đạt tăng trưởng tín dụng 10% so với cuối năm 2017. Năm 2017, HD Bank cũng là một trong những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao với tổng dư nợ cho vay đạt 3.100 tỷ đồng, tổng vốn huy động đạt 2.600 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 75 tỷ đồng.
Tương tự, tại Vietinbank Chi nhánh BR-VT trong quý I-2018 cũng đã đạt mức tăng trưởng tốt, vượt so với kế hoạch đề ra. Ông Huỳnh Công Lợi, Giám đốc VietinBank Chi nhánh BR-VT cho biết, năm 2018, đơn vị đặt mục tiêu huy động hơn 7.000 tỷ đồng, cho vay 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng 20-30% so với năm 2017.
Khách hàng giao dịch tại Vietinbank, Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Một số ngân hàng khác trên địa bàn tỉnh như: Ngân hàng Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Đông Á (Dongabank)... cũng thông báo, tăng trưởng tín dụng trong quý I-2018 có nhiều tín hiệu khả quan, với mức tăng từ 10-15%.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh BR-VT cho biết: Tính đến cuối tháng 3-2018, tổng dư nợ đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế đạt 59.760 tỷ đồng, tăng 2,38% so với đầu năm và tăng 1,19% so với tháng trước.
ĐẨY MẠNH CHO VAY TIÊU DÙNG
Theo các ngân hàng, tăng trưởng tín dụng cao ghi nhận có đóng góp không nhỏ từ việc thúc đẩy mảng bán lẻ cho vay tiêu dùng. Do đó, việc phát triển mảng bán lẻ là mục tiêu của không ít ngân hàng. Bà Đoàn Thị Hà, Giám đốc Ngân hàng Quốc dân (NCB) Chi nhánh BR-VT cho biết: Năm 2018, NCB hướng mạnh vào cho vay tiêu dùng, cho vay mua xe, sửa nhà… đáp ứng nhu cầu cao của đối tượng khách hàng cá nhân. Mức lãi suất cho vay tiêu dùng đang áp dụng từ 8-9,5% tùy theo thời gian vay. Trong quý I-2018, nhu cầu vay vốn của DN chỉ tăng 20%, trong khi nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân tăng đến 30%. Hiện tại, NCB đang có gói cho vay ưu đãi cho khách hàng mua xe ô tô với lãi suất ưu đãi 8%/năm (trong năm đầu), mức cho vay lên đến 85% nhu cầu vốn, thời hạn vay trong vòng 7 năm.
Còn tại Vietinbank, ông Huỳnh Công Lợi, Giám đốc Chi nhánh BR-VT cho biết: Từ nay đến cuối năm 2018, Vietinbank đẩy mạnh phát triển các gói vay ở phân khúc bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Hiện Vietinbank đang có chương trình “Đồng hành cùng DNNVV”. Theo đó, DN vay tối đa 12 tháng bằng VND sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi 6-8,75%/năm. Còn đối với DN vay tối đa 6 tháng bằng USD được hưởng lãi suất 2,1-3,5%/năm. Ở phân khúc bán lẻ, lãi suất áp dụng ưu đãi từ 7,2-8,5% (ngoài ra, Vietinbank còn giảm thêm 0,2% cho khách hàng trả lương qua đơn vị).
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam, Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: THU THẢO. |
Trong khi đó, HDBank cũng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Theo lãnh đạo HDBank, đơn vị đang có các chương trình áp dụng cho khách hàng vay mua nhà tại dự án DIC Phoenix. Tùy theo thời gian vay vốn của khách hàng mà HDBank có chính sách ưu đãi. Cụ thể, khách hàng vay tiền mua nhà trong thời hạn 3 năm được ưu đãi lãi suất năm đầu là 9,5%/năm. Cũng theo lãnh đạo HD Bank, từ đầu năm đến nay, nhu cầu vay vốn của khách hàng mua nhà tại DIC Phoenix tăng cao, đã có nhiều hợp đồng được ký kết giải ngân.
Ngoài việc cho vay tiêu dùng để mua xe, sửa nhà, nhiều ngân hàng còn phối hợp với hệ thống siêu thị điện máy hỗ trợ khách hàng thanh toán trả góp qua thẻ tín dụng. Chị Hoàng Thị Nga, nhà ở chung cư Sơn Thịnh (TP. Vũng Tàu) cho biết: Việc các ngân hàng đưa ra các chính sách ưu đãi trong cho vay tiêu dùng đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng mạnh dạn mua sắm. Hiện tại, chị có nhu cầu mua xe ô tô nhưng còn thiếu 500 triệu đồng. Sau khi tham khảo tại các ngân hàng, chị quyết định vay tiền tại Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga, hiện đang cho vay 80% giá trị xe, thời gian trả góp lên đến 72 tháng.
Nhiều ngân hàng còn phối hợp với các cửa hàng, hệ thống siêu thị, trung tâm điện máy hỗ trợ khách hàng thanh toán trả góp qua thẻ tín dụng. Trong ảnh: Khách hàng thanh toán bằng thẻ Visa tại shop Anh Thư (đường Lý Tự Trọng, TP. Vũng Tàu). |
TIỀM ẨN NHIỀU RỦI RO
Theo bà Phan Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh BR-VT, nhu cầu vay tiêu dùng tăng cũng là tín hiệu tích cực. Bởi khi nhu cầu tiêu dùng tăng, đồng nghĩa với việc các DN tăng năng lực sản xuất, kích thích kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, khi cho vay vốn tiêu dùng, các ngân hàng phải kiểm soát dòng tiền, tránh tình trạng vay sử dụng không đúng mục đích sẽ dẫn đến nợ xấu tăng cao.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho vay tiêu dùng mang lại lợi nhuận tương đối lớn cho ngân hàng. Tuy nhiên, nếu xét về lâu dài, đây lại là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ở Việt Nam, các ngân hàng cho vay dựa nhiều vào thế chấp tài sản như bất động sản, mà gần như không xét tới điểm tín dụng cá nhân như các quốc gia khác.
Điểm xếp hạng tín dụng cá nhân thường dựa vào một số yếu tố như: Thu nhập, thay đổi chỗ làm việc bao nhiêu lần, lịch sử trả nợ... đều được cập nhật thường xuyên. Nắm được thông tin tương đối chính xác về tình hình tài chính, công ăn việc làm của mỗi cá nhân từ đó đưa ra điểm tín dụng phù hợp giúp ngân hàng thuận lợi hơn trong quyết định cho vay của mình.
Các chuyên gia kinh tế khác cũng chỉ ra rằng, mỗi ngân hàng đều có những chính sách riêng, song ngân hàng cho vay chủ yếu vẫn dựa nhiều vào cầm cố tài sản thế chấp. Mà rủi ro của tài sản thế chấp lại phụ thuộc khá nhiều vào thị trường khi gặp biến động. Theo các chuyên gia, thế chấp không liên quan tới khả năng trả nợ. Một khách hàng cá nhân đi vay ngân hàng có thể có tài sản thế chấp rất lớn, cũng không đồng nghĩa với việc họ có bảo đảm được việc hoàn trả hay không. Trả nợ phải dựa vào thu nhập hoặc từ các nguồn kinh doanh khác, chứ không nằm ở tài sản thế chấp. Nên có không ít trường hợp khi khách hàng mất khả năng trả nợ, ngân hàng chấp nhận thu hồi tài sản nhưng khi đó nếu giá trị tài sản không thực, bị khai khống hay thị trường giảm giá ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng nợ xấu nhanh chóng, đó là chưa kể những trường hợp được chấp thuận vay tín chấp.
Theo nhận định của ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Bởi theo quy luật, khi kinh tế phát triển, tiêu dùng tăng thì hoạt động đi vay để phục vụ tiêu dùng của người dân cũng tăng. Với số lượng ngân hàng tham gia cho vay tiêu dùng ngày càng tăng, các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ để cung cấp các sản phẩm tín dụng có lãi suất thấp hơn và có nhiều ưu đãi. Qua đó, người tiêu dùng có thể tiếp cận được khoản vay rẻ hơn, có nhiều ưu đãi hơn. Tuy nhiên, để cho vay tiêu dùng phát triển đúng hướng, trong thời gian tới, việc quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng cần phải theo hướng bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy thị trường, phát triển lành mạnh. Qua đó, tạo điều kiện cho các ngân hàng cung cấp các sản phẩm cho vay phù hợp với nhu cầu của khách hàng, giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi quyết định tham gia vay tiêu dùng. |
Bài, ảnh: PHAN HÀ