.

Siết chặt việc ghi nhật ký khai thác thủy sản

Cập nhật: 17:12, 19/04/2018 (GMT+7)

Theo quy định của Bộ NN-PTNT, chủ tàu hoặc thuyền trưởng của các tàu có giấy phép khai thác thủy sản, chịu trách nhiệm ghi sản lượng khai thác thủy sản từng chuyến biển trong nhật ký khai thác. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về việc giám sát các tàu khai thác gắn với truy xuất nguồn gốc.

Việc ghi nhật ký thủy sản phải do chủ tàu hoặc thuyền trưởng tàu được cấp phép khai thác thực hiện. Trong ảnh: Thuyền trưởng tàu vỏ sắt mang số hiệu BV-91889TS điều khiển tàu chuẩn bị vươn khơi.
Việc ghi nhật ký thủy sản phải do chủ tàu hoặc thuyền trưởng tàu được cấp phép khai thác thực hiện.
Trong ảnh: Thuyền trưởng tàu vỏ sắt mang số hiệu BV-91889TS điều khiển tàu chuẩn bị vươn khơi.

Quy định này đã được phổ biến tới ngư dân hoạt động khai thác trên biển, tuy nhiên, chuyện tưởng như dễ dàng nhưng trên thực tế việc ghi nhật ký khai thác thủy sản vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.

HẦU NHƯ BỎ NGỎ

Theo quy định ghi nhật ký khai thác thủy sản, các chủ tàu hoặc thuyền trưởng tàu khai thác hải sản phải ghi lại đầy đủ các hạng mục trong sổ nhật ký khai thác thủy sản gồm: Tên tàu; số đăng ký; loại nghề khai thác; ngày xuất bến, ngày về bến; tổng số lưỡi câu, chiều dài vàng câu (với nhóm nghề câu); tổng số lưới, chiều dài lưới (với nhóm nghề lưới vây, chụp); thứ tự mỗi mẻ lưới thả từ khi bắt đầu chuyến biển; thời điểm khai thác; vị trí khi khai thác; tổng sản lượng khai thác; phân loại các loại hải sản khai thác được...

Theo ông Đồng Thanh Điền (ngư dân tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ), hiện nay đối với việc đăng ký tên tàu, số đăng ký của tàu, công suất, địa chỉ thì ngư dân có thể thực hiện dễ dàng, nhưng việc ghi chi tiết, cụ thể từng nội dung theo quy định trong khai thác thì rất khó thực hiện. Thời tiết ngày càng biến đổi thất thường gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động khai thác, các tàu cá phải tận dụng thời gian để buông từng mẻ lưới. Chính bởi lẽ đó nên các thuyền trưởng khó có thể ghi chép được bao nhiêu mẻ lưới khi đánh bắt, thời gian buông lưới và thu lưới lại càng không thể. Đó là chưa kể đến việc xác định khối lượng của từng loại cá khi khai thác được. “Biểu mẫu ghi chép khá phức tạp, đòi hỏi tính chính xác cao và cụ thể mẻ lưới thứ mấy, thời gian thả lưới, vị trí tàu cá thả ngư cụ, thời gian thu, vị trí tàu thu ngư cụ, tổng sản lượng... Trong khi đó, trình độ học vấn của nhiều ngư dân và thuyền trưởng còn hạn chế nên việc tiếp thu kiến thức được tập huấn của ngư dân còn chậm, khó ghi chính xác theo yêu cầu”, ông Điền cho biết.

Còn theo ông Võ Thành Tâm (ngư dân tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ), gia đình ông có 2 tàu hành nghề lưới kéo, từ xưa đến nay việc khai thác đánh bắt của ngư dân chỉ dựa vào kinh nghiệm, chỉ biết ra biển dựa vào con nước, luồng cá đi để mà đánh bắt chứ không quan tâm đến việc phải ghi chép lại quá trình khai thác như thế nào. Thêm vào đó, với tàu hành nghề lưới kéo cứ thuận tiện ở cảng nào là tấp vào cập cảng để bốc dỡ cá bán cho thương lái chứ không lựa chọn một cảng cố định. “Do đó, nếu như Chính phủ quy định bắt buộc các tàu khai thác phải ghi nhật ký khai thác thủy sản thì ngành chức năng cần hướng dẫn cụ thể chi tiết cách thức ghi sổ nhật ký, để bà con ngư dân nắm rõ để thực hiện tránh sai sót”, ông Tâm nói.

Theo các ngư dân, với những tàu công suất nhỏ, trang bị ngư cụ đơn giản, việc ghi chép chính xác tọa độ khai thác là một vấn đề khá phức tạp. Ngoài ra, thời gian gần đây, nhiều ngư dân vì muốn tiết kiệm nhiên liệu chạy tàu nên đã bán cá trực tiếp trên biển cho các tàu thu mua dịch vụ, sau đó tiếp tục chuyến đánh bắt dài ngày, nên cũng không quan tâm đến việc ghi nhật ký khai thác thủy sản.

KHÓ MẤY CŨNG PHẢI LÀM

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, trước đây, ngành thủy sản đã yêu cầu ngư dân đánh cá phải ghi nhật ký khai thác thủy sản, nhưng chưa mang tính bắt buộc. Tuy nhiên, thời gian qua, trước việc EU rút thẻ vàng cảnh báo đối với thủy sản Việt Nam, ngành thủy sản cả nước nói chung và tỉnh BR-VT nói riêng đã nhận định một trong những giải pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu chính là siết chặt công tác quản lý khai thác, trong đó bắt buộc ngư dân phải ghi nhật ký khai thác thủy sản. Do vậy ngành thủy sản tỉnh đã phối hợp với các địa phương, Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn ngư dân cách ghi nhật ký khai thác thủy sản theo mẫu quy định của Bộ NN-PTNT. Nhằm bảo đảm ngư dân hiểu rõ cách thức ghi nhật ký thủy sản, trong thời gian đầu, trước mỗi chuyến biển, khi đăng ký xuất bến, ngoài việc kiểm tra các giấy tờ đăng ký khai thác, lực lượng biên phòng còn kiểm tra việc chuẩn bị sổ ghi chép nhật ký khai thác thủy sản của ngư dân. Đồng thời, hướng dẫn lại một cách cụ thể, chi tiết cách ghi các hạng mục để ngư dân hiểu rõ hơn.

Cùng với đó, ngành thủy sản tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra việc ghi sổ nhật ký khai thác của ngư dân. Hiện ngành thủy sản tỉnh đang triển khai thành lập 5 văn phòng đại diện tại 5 cảng cá lớn của tỉnh gồm: Lộc An (huyện Đất Đỏ), Bến Đá, Cát Lở (TP.Vũng Tàu), Hưng Thái (huyện Long Điền), Bến Lội - Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) với lực lượng chức năng gồm cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh, Ban quản lý cảng cá, Bộ đội Biên phòng trực xuyên suốt để thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc ghi nhật ký khai thác với các phương tiện ra vào các cảng cá.

Ông Nguyễn Đức Hoàng cũng cho biết thêm, các lực lượng chức năng cũng sẽ thực hiện việc xử phạt đối với các tàu cá nếu không thực hiện việc ghi nhật ký khai thác thủy sản. Cụ thể: Phạt tiền từ 300-500 ngàn đồng, phạt từ  500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với các tàu không có sổ ghi nhật ký khai thác.

Bài, ảnh: NGÔ THANH

.
.
.