.

Quản lý doanh nghiệp lỏng lẻo là mất thuế

Cập nhật: 19:28, 20/04/2018 (GMT+7)

Thời gian qua, số lượng DN đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh rất nhiều. Tuy nhiên, do công tác quản lý, chế tài xử lý DN vi phạm hiện nay chưa chặt chẽ, còn bất cập, nên nhiều DN không thực hiện đúng quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của mình với Nhà nước nhưng không xử lý được.

NHIỀU DN “BIẾN MẤT”, NỢ THUẾ

Cán bộ Chi cục Thuế TP.Vũng Tàu hướng dẫn DN các thủ tục về kê khai thuế và các thủ tục có liên quan. Ảnh: MỸ PHƯỢNG
Cán bộ Chi cục Thuế TP.Vũng Tàu hướng dẫn DN các thủ tục về kê khai thuế và các thủ tục có liên quan.

Sáng 18-4, theo địa chỉ ghi trên giấy đăng ký kinh doanh (ĐKKD) của Công ty CP Giải pháp kỹ thuật Contec Việt Nam, chúng tôi tìm đến nhà số 48, Lô P, Nguyễn Lương Bằng, phường 9, TP.Vũng Tàu, nhưng cửa căn nhà này đóng kín. Công ty Contec đã được Sở KH-ĐT cấp giấy chứng nhận ĐKKD ngày 8-10-2015 với ngành nghề kinh doanh chính là lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp. Người đại diện theo pháp luật của công ty, người nộp thuế là ông Bùi Công Truyền (nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn Long Thọ, xã Quảng Long, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa). Theo thông báo của Cục Thuế tỉnh, từ ngày 23-3, Công ty Contec đã không còn hoạt động tại địa chỉ trên, đồng thời không khai báo với cơ quan chức năng theo quy định. Hiện nay, DN này còn nợ thuế hơn 100 triệu đồng.

Tương tự, Công ty CP Đầu tư và phát triển khoáng sản Tóc Tiên (ấp 6, xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành) không còn hoạt động từ ngày 26-3-2018, nhưng DN cũng không khai báo với cơ quan thuế. Điều đáng nói là từ khi bắt đầu đi vào hoạt động (tháng 10-2017) đến nay, DN này chưa hề thực hiện việc nộp tờ khai thuế và cũng chưa nộp thuế. 

Cục Thuế tỉnh cho biết, trong tháng 3, trên địa bàn tỉnh có 6.550 tổ chức, cá nhân ĐKKD mới, gồm: 401 DN, tổ chức kinh tế, tổ chức khác; 190 hộ kinh doanh cá thể; 5.959 cá nhân nộp thuế TNCN. Tuy nhiên, cũng có đến 387 tổ chức ngưng kinh doanh, 141 DN còn nợ thuế nhưng đã “mất tích”, 177 tổ chức ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực pháp lý về kinh doanh và thuế.

Theo Sở KH-ĐT, Luật Doanh nghiệp 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015) đã làm thay đổi căn bản quyền kinh doanh và đăng ký DN. Cụ thể, trước đây, trong giấy chứng nhận ĐKKD ghi đầy đủ ngành nghề kinh doanh và DN kinh doanh ngoài lĩnh vực đã đăng ký là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo Luật Doanh nghiệp 2014, trong giấy chứng nhận ĐKKD không ghi ngành nghề và DN có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Hồ sơ đăng ký cũng không còn bao gồm các giấy tờ liên quan như: Giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh...

Với quy định trên, cách thức quản lý Nhà nước đối với DN đã chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Nghĩa là DN tự kê khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan ĐKKD chỉ xem xét về tính hợp lệ của hồ sơ. Điều này đã giúp rút ngắn thời gian gia nhập thị trường của DN, giảm thời gian đăng ký thành lập DN chỉ còn từ 2-3 ngày làm việc nhưng cũng đòi hỏi các sở, ngành, chính quyền các địa phương nâng cao trách nhiệm và sâu sát hơn trong quản lý DN sau khi đăng ký thành lập.

BỔ SUNG CƠ CHẾ QUẢN LÝ

Ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, một bất cập trong công tác quản lý DN sau đăng ký thành lập là còn thiếu nhân lực để thanh tra, kiểm tra DN hoạt động ở một số ngành, lĩnh vực. Mặt khác, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn không có quy định ràng buộc DN phải hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước trước khi đăng ký tạm ngừng kinh doanh, nên nhiều DN khi bỏ địa chỉ kinh doanh vẫn còn nợ thuế. Khi cơ quan thuế có kế hoạch hoặc có quyết định kiểm tra, thanh tra tại DN có dấu hiệu vi phạm về thuế, thì DN đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh và không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra của cơ quan thuế. 

Hiện nay, chưa có chế tài xử lý hữu hiệu trong việc thu hồi nợ thuế đối với DN giải thể, bỏ địa điểm kinh doanh. Lợi dụng kẽ hở này, người thành lập, quản lý của những DN còn nợ thuế, bỏ địa điểm kinh doanh lại tiếp tục đăng ký thành lập DN mới ở một địa điểm khác và tiếp tục vi phạm pháp luật về thuế, nợ thuế, bỏ địa điểm kinh doanh… khiến các cơ quan quản lý Nhà nước rất khó xử lý.

Theo bà Trương Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu, hiện nay trên địa bàn thành phố có nhiều DN nhỏ và vừa với vốn điều lệ đăng ký kinh doanh dưới 1 tỷ đồng. Do đó, sức cạnh tranh của DN còn yếu, thiếu kiến thức về thương mại quốc tế, thông tin thị trường, nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng, nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Các yếu tố trên đã dẫn đến nhiều trường hợp đăng ký thành lập DN xong thì không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản, trong đó nhiều DN còn nợ đọng nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường đối thoại với DN, các hộ kinh doanh để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật cho DN, hộ kinh doanh. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để chuẩn hóa, chia sẻ dữ liệu với nhau để việc xử lý vi phạm của DN được kịp thời và công khai.

Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan sớm ban hành bổ sung quy định chế tài, hướng dẫn xử lý những trường hợp DN bỏ địa chỉ kinh doanh còn nợ thuế, chậm nộp thuế; kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra năm 2010 theo hướng quy định thêm chức năng, nhiệm vụ cho Thanh tra tỉnh tổng hợp nhu cầu thanh tra, kiểm tra DN của các sở, ngành, UBND huyện, thành phố trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

Các sở, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm quy chế phối hợp trong việc quản lý DN sau ĐKKD; tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra DN sau ĐKKD; phối hợp giải quyết nhanh và xử lý nghiêm các trường hợp DN giả mạo hồ sơ, vi phạm ngành nghề kinh doanh, gian lận thuế, hóa đơn... để góp phần hình thành môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, đúng quy định pháp luật.

(Ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sở KH-ĐT)


Theo Sở KH-ĐT, số DN còn đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2017 là 13.823 DN; số chi nhánh, văn phòng đại diện còn đăng ký hoạt động là 2.651 đơn vị. Số DN giải thể, tạm ngưng kinh doanh, không còn hoạt động tại trụ sở đăng ký, chờ giải thể và bị thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD là 7.865 DN.

 

.
.
.