Đặt tên đường tại TP.Vũng Tàu: Người dân chưa đồng thuận là có lý do
Mấy năm qua, việc đặt, đổi lại tên đường trên địa bàn TP.Vũng Tàu đã được các cơ quan chức năng triển khai. Tuy nhiên, thực tế phát sinh nhiều bất cập dẫn đến chưa thể hoàn thiện, trong đó có việc người dân phản ứng trước các tên đường mới.
ĐANG LÀ Á CHÂU, KHÔNG MUỐN GỌI LÀ BÀU SEN
Từ nhiều năm nay, người dân ở khu Á Châu (phường 2, TP.Vũng Tàu), phát rối vì các con đường nơi họ ở đã được đổi tên thành đường Bàu Sen 1, 2, 3, 4, 5, 6… Theo người dân, gần chục năm nay, mọi người vẫn quen gọi tên đường ở đây là khu Á Châu (lô A, B, C, D, E, L, M…). Thêm vào đó, việc thay đổi tên đường nhưng không đổi số nhà khiến việc tìm nhà của người dân khó khăn.
Đơn cử như đường Bàu Sen 3 dài khoảng 100m có chưa đến 10 căn nhà, nhưng bên trái tuyến thì tên gọi là khu Á Châu và số nhà người dân được đánh theo số thứ tự (06 Á Châu, 08 Á Châu, 09 Á Châu…), còn bên phải tuyến lại là 01 Bàu Sen 3, 02 Bàu Sen 3, 03 Bàu Sen 3.
Đường Bàu Sen 3 chỉ có một đoạn nhưng lại có 2 cách gọi tên khác nhau. |
Tương tự, đường Bàu Sen 4 ước tính chỉ dài hơn 200m với 15-20 căn nhà, nhưng việc đặt tên đường một đằng, số nhà người dân ghi một nẻo. Ví dụ số nhà thì ghi L24 Hoàng Hoa Thám, khu Á Châu nhưng nhà đối diện lại đánh số L25 Bàu Sen 4, khu Á Châu; có nhà lại ghi tên L20 khu Á Châu, M2 khu Á Châu. “Mỗi khi có bạn đến chơi, tôi phải ra tận đầu đường Hoàng Hoa Thám để đón vì bạn không tìm được nhà” - Bà Anh Thư (nhà số L24 Hoàng Hoa Thám nằm trên tuyến đường Bàu Sen 4) cho biết.
Hẻm 160 Hoàng Hoa Thám được đổi tên thành đường Phạm Huy Thông theo người dân là chưa phù hợp. |
Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh An (nhà số N4 Văn Cao, nằm trong khu Á Châu), nhiều năm qua người dân ở khu vực này quen gọi các đường nội bộ ở đây theo số thứ tự, chẳng hạn N5 khu Á Châu. Tuy nhiên, sau đó một bên đường lại được đổi tên là N5 Văn Cao, bên còn lại vẫn gọi là Á Châu, dẫn đến việc tìm nhà gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều người dân tại khu Á Châu đều cho rằng, việc chỉ dẫn đường cũng thường xuyên bị nhầm lẫn do nhiều người đã quen đường đó là khu Á Châu chứ không phải là Bàu Sen. Vì vậy, họ mong muốn chính quyền địa phương cho giữ lại tên đường theo số thứ tự tại khu Á Châu.
HẺM DÀI 60M CÓ CẦN ĐẶT TÊN ĐƯỜNG?
Việc đặt, đổi tên đường được thực hiện theo Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND ngày 18-3-2014 của UBND tỉnh phê duyệt phương án xác định điểm đầu điểm cuối và đặt tên đường mới trên địa bàn TP.Vũng Tàu. Theo phương án được duyệt, TP.Vũng Tàu sẽ có 169 tuyến đường, hẻm hiện hữu được đặt tên.
Ông Vũ Hồng Thuấn, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP.Vũng Tàu cho biết, việc đặt, đổi tên đường thực hiện từ tháng 7-2014, đến nay đã xây dựng hoàn chỉnh lắp đặt bảng tên đường ra thực địa. Tuy nhiên, việc triển khai đề án chưa có sự đồng thuận của người dân. Đơn cử như ở địa bàn phường 2, các tuyến đường đổi tên mới gồm: Dương Văn An, Hồ Đắc Di, Lê Thành Nghị, Đặng Dung, Bàu Sen 1, 2, 3, 4… được người dân cho là không phù hợp.
Cụ thể như, đường Dương Văn An và Hồ Đắc Di trước đây là hẻm 12 đường Hoàng Hoa Thám có khoảng 5 hộ sinh sống, mỗi tuyến đường chỉ dài từ 60 - 100m nên người dân cho rằng để nguyên là hẻm, không cần thiết đặt tên đường. Các tuyến đường mới như Bàu Sen 1, 2, 3, 4 người dân không đồng thuận vì tên Bàu Sen không mang ý nghĩa lịch sử. Mặt khác, trước đây quy hoạch khu nhà ở cao cấp Á Châu người dân đã quen với tên gọi này.
Tương tự, ở địa bàn phường 4, tuyến đường đặt tên mới chưa được người dân đồng thuận là đường Lý Chính Thắng. Do con đường hiện trạng là hẻm 168 đường Lê Hồng Phong và hẻm 70 Bà Huyện Thanh Quan rộng chỉ 2m. Vì vậy, người dân cho rằng sau khi 2 hẻm này được đầu tư mở rộng theo đúng quy hoạch thì mới đặt tên đường.
Còn tại địa bàn phường 10, người dân không đồng tình với việc thay tên hẻm 855 Bình Giã thành đường Nơ Trang Long, vì tuyến đường này chưa hoàn thành.
Người dân cho rằng, đường trong các khu đô thị có thể đặt theo số hẻm của các đường đã có, hoặc đặt theo chữ số cho dễ tìm, không nên đặt tên danh nhân cận đại, ít người biết. Các đường nội bộ trong khu đô thị nên lấy tên của khu đô thị kèm theo số hiệu thứ tự cho dễ tìm nhà.
CHƯA CÓ CÁI NHÌN TOÀN DIỆN KHI TRIỂN KHAI
Ông Vũ Hồng Thuấn thừa nhận những tồn tại, bất cập sau khi đề án được triển khai là do trong quá trình lập và phê duyệt phương án, chưa đánh giá toàn diện các mặt của việc lắp đặt tên đường mới; Chưa rà soát thực tế cũng như cập nhật quy hoạch của một số tuyến đường, dẫn đến việc đường đã đặt tên nhưng điểm đầu, điểm cuối bị giới hạn; Chưa nghiên cứu kỹ các địa danh để đặt tên cho phù hợp; Không thông báo và lấy ý kiến người dân khu vực sẽ đổi tên đường; Chưa nghiên cứu đến lịch sử hình thành của cộng đồng dân cư sinh sống (phong tục, tập quán, tôn giáo…) dẫn đến việc đường được đặt tên nhưng không nhận được sự đồng thuận của người dân.
Thiết nghĩ việc đặt, đổi tên đường ngoài mục đích phục vụ công tác quản lý đô thị, hành chính, giao thông, giao dịch kinh tế, văn hóa, xã hội, còn thể hiện bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa của một thành phố, một địa phương. TP.Vũng Tàu đang từng bước phấn đấu trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh và hiện đại thì việc đổi, đặt tên đường phố cũng phải góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trên. Vì vậy, người dân mong chính quyền thành phố cần sớm khắc phục hệ thống tên đường còn khá lộn xộn như hiện nay.
ĐỒNG CHÍ NGUYỄN LẬP, CHỦ TỊCH UBND TP.VŨNG TÀU: Nhận thấy việc thực hiện đề án đổi, đặt tên đường ở nhiều nơi chưa phù hợp thực tế, UBND TP.Vũng Tàu đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố tổ chức lấy ý kiến người dân về việc đặt tên đường và đánh số nhà. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận cho tổ chức rà soát, đánh giá lại toàn bộ đề án nhằm sớm khắc phục những bất cập. Theo đó, cho phép TP.Vũng Tàu được điều chỉnh phương án xác định điểm đầu, điểm cuối và đặt tên những tuyến đường mới trên địa bàn; điều chỉnh lại tên các tuyến đường gắn tên nhân vật lịch sử hoặc tên địa danh với các số thứ tự; bổ sung thêm tên một số tuyến đường nội bộ trong các dự án nhà ở đã được đầu tư hoàn thiện về hạ tầng giao thông… |
Bài, ảnh: TRIỆU VỸ