.

Tiêu chết nhanh, chết chậm, nông dân chết rầu

Cập nhật: 18:59, 11/04/2018 (GMT+7)

Huyện Châu Đức có khoảng 120ha hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh chết chậm (tập trung ở các xã Quảng Thành, Láng Lớn, Đá Bạc) buộc nông dân phải chặt bỏ. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh lớn nhất. Nguyên nhân bệnh lan rộng là do người dân trồng ồ ạt, thiếu kinh nghiệm chăm sóc cộng với thời tiết không thuận lợi. 

Ông Lương Văn Thăng, Phó Chủ tịch Hội Hồ tiêu tỉnh kiểm tra tình hình dịch bệnh trên vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Đình Tuấn (thôn Quảng Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức).
Ông Lương Văn Thăng, Phó Chủ tịch Hội Hồ tiêu tỉnh kiểm tra tình hình dịch bệnh trên vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Đình Tuấn (thôn Quảng Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức).

Từ cuối năm 2017, những cơn mưa trái mùa đã gây nên tình trạng ngập úng trên địa bàn các xã Quảng Thành, Láng Lớn, Đá Bạc làm phát sinh dịch bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu. Từ thời điểm đó cho đến nay, giá hồ tiêu giảm sốc nên nông dân bỏ bê, không tập trung dập bệnh, dẫn đến bệnh lan nhanh. Nhiều nông dân mất trắng, nguy cơ lâm vào cảnh nợ nần.

Gia đình ông Lê Văn Á (thôn Lạc Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) có 1ha hồ tiêu, trước đây thu hoạch mỗi vụ hơn 1 tấn hạt. Lúc cao điểm có khi thu lãi đến 150 triệu đồng năm. Tuy nhiên, năm nay, vườn tiêu của gia đình ông Á coi như mất trắng.

Tương tự, gia đình ông Lê Đức Anh (thôn Tân Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) cũng mất trắng 2.000 trụ tiêu được trồng cách đây 5 năm, đã cho thu hoạch 2 vụ. Ông Đức Anh cho biết: Từ đầu năm 2018, các trụ tiêu trong vườn bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của bệnh chết nhanh chết chậm: rễ cây chuyển màu nâu đen, lá vàng và rụng. Cây tiêu héo và chết chỉ một vài tuần sau khi xuất hiện dấu hiệu bệnh nên muốn cứu vườn cũng không kịp.

Xã Quảng Thành có khoảng 100ha hồ tiêu thiệt hại do nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm. Theo ông Nguyễn Văn Thìn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Thành, do thời tiết rất bất lợi, mưa trái mùa xuất hiện liên tiếp khiến độ ẩm cao, tạo môi trường thuận lợi cho các loại nấm bệnh phát sinh, nhất là các tuyến trùng và nấm phytopthora. Ngoài ra, vài năm trước, diện tích trồng tiêu trên địa bàn xã phát triển quá “nóng”, trong khi người dân chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nên khi cây nhiễm bệnh đã để bệnh lan rộng vượt kiểm soát.

Theo thống kê, huyện Châu Đức có 7.450ha hồ tiêu, tính đến nay toàn huyện đã có 120ha tiêu bị chặt bỏ do dịch bệnh chết nhanh, chết chậm. Theo ông Lê Quý Thịnh, Phó Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức, những hộ dân có hồ tiêu bị chết trắng, sau khi cải tạo đất không nên chuyển đổi cây trồng khác. Đối với những hộ còn duy trì số lượng hồ tiêu thì địa phương đã tăng cường tập huấn,  hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật, bón phân, thuốc BVTV, vệ sinh vườn tiêu nhằm hạn chế dịch bệnh.

Dưới góc độ chuyên môn, Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo: Khi tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh chết chậm, người dân nên xử lý từng hố, trụ tiêu. Cụ thể, đối với trụ tiêu nhiễm bệnh nhẹ, dưới 20% tỷ lệ lá nhiễm bệnh, rụng đốt thì chăm sóc, bổ sung thêm các dưỡng chất tăng sức đề kháng cho cây. Cắt tỉa lá trên trụ tạo độ thoáng, không có độ ẩm quá lớn, giảm thiểu nguy cơ bệnh lây lan. Xung quanh trụ tiêu phải có hệ thống tiêu thoát nước tốt. Đối với trụ tiêu nhiễm bệnh nặng hơn, tỷ lệ từ 20% trở lên thì sử dụng các hoạt chất, các loại thuốc BVTV đặc trị bệnh chết nhanh, chết chậm chữa trị ở phần gốc và dưới đất để ngăn chặn bệnh phát triển, phục hồi cho cây. Bệnh chết nhanh, chết chậm do các loại nấm gây ra ở phần gốc và dưới đất nên bà con nông dân tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc phụ trên lá và thân cây, vì không có tác dụng ngăn chặn bệnh. Khi xác định cây tiêu chết không thể phục hồi thì phải cắt bỏ dây tiêu trên toàn bộ trụ tiêu nhiễm bệnh, sau đó vệ sinh trụ cây. Đặc biệt là phần hố đất phải được xử lý khử trùng bằng các chế phẩm sinh học trước khi trồng thay thế bằng dây tiêu mới.

Bài, ảnh: THANH NHÀN

.
.
.