Xây dựng nông thôn mới: Dân khấm khá, xã được nhờ
Thời gian qua, chính quyền các xã, thị trấn thuộc huyện Đất Đỏ đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp như hỗ trợ cây, con giống, cho vay vốn sản xuất, đào tạo nghề, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế… nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ sự giúp sức này, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.
NUÔI, TRỒNG PHÁT TRIỂN
Nhờ được vay vốn để chăn nuôi bò, gia đình ông Trần Văn An (ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ) đã vươn lên thoát nghèo. |
Ông Lâm Đức Thống (ấp Tân Ro, xã Long Tân) cho biết, trước đây, với 3ha đất, ông chỉ trồng các loại hoa màu nên thu nhập không cao. Nhờ thay đổi tư duy làm ăn qua các lớp tập huấn từ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), ông Thống đã cải tạo đất thành ao nuôi cá kết hợp chăn nuôi heo, bò sinh sản và trồng cây kiểng. Nhờ đó, thu nhập bình quân của gia đình ông Thống hiện đạt 400-500 triệu đồng/năm, cao gấp 3 lần so với trước.
Còn ông Trần Văn Lâm (ấp Tân Hòa, xã Long Tân) thì lại chọn trồng mãng cầu ta để phát triển kinh tế gia đình. Theo đó, sau khi được tham gia các lớp đào tạo kỹ thuật thâm canh mãng cầu do địa phương tổ chức và được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, ông Lâm quyết định cải tạo 0,8ha vườn tạp của gia đình để trồng mãng cầu ta. Sau 5 năm chăm sóc, đến nay, vườn mãng cầu ta của gia đình ông phát triển tốt, cho thu nhập ổn định.
Theo ông Nguyễn Nhất Trường, Chủ tịch UBND xã Long Tân, trước đây, khi chưa xây dựng NTM, thu nhập của người dân trên địa bàn xã còn thấp, các mô hình sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hàng hóa sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Từ khi xây dựng NTM, xã đã tập trung triển khai nhiều chính sách, dự án để nâng cao thu nhập cho người dân. Là xã thuần nông, vì vậy các mô hình phát triển kinh tế đều tập trung vào các loại vật nuôi, cây trồng là thế mạnh của xã như mãng cầu ta, hồ tiêu, nuôi gà ta sinh sản, nuôi bò... Đến nay, trên địa bàn xã có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.
Tương tự, tại các xã Phước Hội, Long Mỹ…, bên cạnh việc tập huấn, phổ biến kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, Hội Nông dân, chính quyền địa phương còn chú trọng hỗ trợ vốn sản xuất cho người dân. Để giúp người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn, các địa phương khảo sát cho vay đúng đối tượng và tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Hội Nông dân huyện, gia đình ông Trần Văn An (ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội) đã vươn lên thoát nghèo, hiện có kinh tế ổn định. Ông Trần Văn An kể: “Trước đây, kinh tế khó khăn, hai vợ chồng phải đi làm mướn để trang trải cuộc sống và nuôi 3 con ăn học. Năm 2014, tôi được Hội Nông dân huyện cho vay 25 triệu đồng. Từ số tiền này, tôi mua 2 con bê và xây dựng chuồng trại chăn nuôi. 2 năm sau, gia đình tôi đã trả được số tiền vay và phát triển đàn bò lên thành 4 con. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình tôi đã có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, kinh tế gia đình tôi đã ổn định, không còn cảnh chạy ăn từng bữa như trước đây. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi khoảng 50 triệu đồng từ chăn nuôi bò”.
NHÀ CỬA, ĐƯỜNG SÁ KHANG TRANG
Phụ nữ xã Long Tân (huyện Đất Đỏ) có thêm nguồn thu nhập từ nghề đan giỏ lục bình. |
Đến thăm gia đình anh Lê Văn Mới (ấp Phước Trung, xã Phước Long Thọ) khi anh đang dọn dẹp đồ đạc trong căn nhà mới. Niềm vui hiện rõ trên gương mặt của từng thành viên trong gia đình khi ngôi nhà dột nát, cũ kỹ năm nào, giờ được thay bằng ngôi nhà khang trang. Không giấu khỏi niềm vui, anh cho biết: “Trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống chỉ dựa vào vài sào đất cha mẹ để lại. Thiếu vốn để phát triển sản xuất nên cuộc sống thiếu trước hụt sau. Đầu năm 2014, từ nguồn vốn 30 triệu đồng vay ưu đãi hỗ trợ hộ nghèo, tôi đã đầu tư nuôi bò. Sau 3 năm, đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo, kinh tế ổn định”.
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế gia đình, thời gian qua, nhờ sự chung tay của người dân, bộ mặt của các xã NTM đã có nhiều đổi thay. Nhiều nông dân đã tham gia đóng góp ngày công và tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp đường giao thông nông thôn. Ông Mai Văn Thiệt (tổ 15, ấp Phước Sơn, xã Phước Long Thọ) là một trong những cá nhân điển hình. Gia đình ông Mai Văn Thiệt là nông dân, quanh năm chỉ quen với việc trồng cấy hoa màu, hoàn cảnh còn khó khăn. Tuy nhiên, khi biết xã có chủ trương mở rộng tuyến đường trong ấp và tuyến đường này đi qua một phần đất của gia đình, ông đã bàn với vợ, con tình nguyện hiến gần 1.500m2 đất. Ông Mai Văn Thiệt chia sẻ: “Đối với người nông dân mỗi tấc đất đều rất quý. Thế nhưng, tôi xác định muốn xây dựng thành công xã NTM cần sự chung tay của cả chính quyền và nhân dân. Trong các tiêu chí xây dựng NTM, đường giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng. Đường giao thông có thuận tiện, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân mới dễ dàng. Từ đó từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, vì vậy tôi tự nguyện hiến đất để làm đường”.
Ông Phạm Văn Xum, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đất Đỏ cho biết, với nhiều biện pháp triển khai đồng bộ, của cấp ủy, chính quyền địa phương và ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân, đến cuối năm 2017, toàn huyện có 1.118 hộ thoát nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng/năm. Thời gian tới, ngoài các chính sách hỗ trợ ưu đãi với người nghèo như: dạy nghề, tạo việc làm tăng thu nhập, Hội sẽ thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm, tham quan những mô hình kinh tế hiệu quả để nông dân, hội viên học hỏi phát triển sản xuất trồng trọt. Đồng thời, phối hợp với các ngành, đoàn thể giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bài, ảnh: SONG BÌNH