.

Nóng với cơn "sốt" bất động sản - Bài 1: Giá đất tăng chóng mặt

Cập nhật: 19:29, 17/04/2018 (GMT+7)

So với cách đây khoảng hơn nửa năm, giá đất tại nhiều địa phương trong tỉnh đã tăng 20-30%, thậm chí 50%. Một mặt bằng giá mới đã được hình thành và giá BĐS thay đổi chóng mặt là những câu chuyện được giới đầu tư địa ốc liên tục cập nhập trong những tháng gần đây.

Từ cuối năm 2017 đến nay, giá đất trên địa bàn hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, đặc biệt là Vũng Tàu, Tân Thành, Châu Đức, Bà Rịa tăng mạnh. Lượng hồ sơ mua bán,  giao dịch bất động sản (BĐS) tại các địa phương trên cũng tăng cao. 

Nhân viên Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Tân Thành hướng dẫn người dân làm thủ tục chuyển nhượng nhà đất.
Nhân viên Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Tân Thành hướng dẫn người dân làm thủ tục chuyển nhượng nhà đất.

SÔI ĐỘNG TỪ ĐÔ THỊ…

Trong vai một nhà đầu tư, phóng viên được một “cò đất” đưa đến xem lô đất rộng 75m2 tại đường Phan Huy Ích ở khu Á Châu (phường 2, TP.Vũng Tàu). “Cò” này khẳng định, trước Tết Mậu Tuất, lô đất này có giá khoảng 2,7 - 2,8 tỷ đồng (37-38 triệu đồng/m2), còn ở thời điểm hiện tại là 3,3 tỷ đồng (khoảng 44-45 triệu đồng/m2).

Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa thấm gì so với miếng đất rộng 100m2 gần đó. Cách đây 1 tháng, chị  Phạm Thị Ánh Tuyết bán cho một người tại TP.Hồ Chí Minh với giá 4,5 tỷ đồng (45 triệu đồng/m2). Chỉ 3 tuần sau, người  này đã sang cho người khác với giá 5,5 tỷ đồng. Từ đó đến nay, miếng đất đã được sang tay cho 2 người nữa và giá hiện nay đã được người bán đẩy lên gần 6 tỷ đồng!

Theo giới đầu tư địa ốc, hiện nay giá đất tại hầu hết các khu vực tại TP.Vũng Tàu đã tăng từ 20-30%, thậm chí có nơi lên 50%. Tăng “nóng nhất” vẫn là khu Á Châu, Lạc Long Quân, Phó Đức Chính, Trần Quý Cáp, Thùy Vân, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám, khu vực xã Long Sơn… Tại địa bàn các phường: 10, 11, 12, giá đất cũng nhảy vọt. Chị N. (đường Phạm Ngọc Thạch, phường 7) kể, chị vừa sang tay miếng đất gần 70m2 trong một con hẻm ở đường 30-4, phường 11 với giá gần 1 tỷ đồng. Trong khi giữa năm ngoái, một người bà con của chị bán một lô đất gần khu vực này chỉ được hơn 800 triệu đồng. 

Còn tại TP.Bà Rịa, “cơn sốt” đất tập trung quanh các tuyến đường: Hùng Vương, Hương lộ 2, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, xung quanh Bệnh viện Bà Rịa. Giá đất mặt tiền ở khu vực này hiện nay dao động ở mức từ 20-25 triệu đồng/m2, gấp từ 2-2,5 lần so với thời điểm trước Tết Mậu Tuất.

ĐẾN VÙNG NÔNG THÔN

Tương tự, những ngày này, hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn huyện Tân Thành diễn ra khá nhộn nhịp. Dọc QL51 và các tuyến đường ở trung tâm huyện, đâu đâu chúng tôi cũng thấy treo bảng bán đất, trong đó tập trung nhiều nhất ở đoạn qua xã Phước Hòa kéo dài đến xã Mỹ Xuân, dọc đường Mỹ Xuân - Hòa Bình, Hắc Dịch, Sông Xoài.

Bảng rao bán đất dày đặc trên đường Mỹ Xuân - Hòa Bình, đoạn qua ấp Suối Nhum, xã Hắc Dịch (huyện Tân Thành).
Bảng rao bán đất dày đặc trên đường Mỹ Xuân - Hòa Bình, đoạn qua ấp Suối Nhum, xã Hắc Dịch (huyện Tân Thành).

Trong vai người có nhu cầu mua đất, chúng tôi được “cò” N.H.P. (thôn Phước Tấn, xã Tân Hòa) giới thiệu 2 lô đất (diện tích 5x25m và 7x20m), với giá 300 triệu đồng/lô, nằm cách mặt tiền đường Hội Bài – Tóc Tiên khoảng 20m. “Đất này gần KCN Phú Mỹ 3, gần QL51, cách Phú Mỹ chỉ 8km. Sau này, đường cao tốc chạy qua giá còn tăng nữa”, P. nói và khuyến cáo nếu không mua bây giờ thì vài tháng sau lô đất này có khi lên đến 400 - 500 triệu đồng vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng vừa thông qua Nghị quyết về việc thành lập TX. Phú Mỹ.

Tại ấp Thị Vải, xã Mỹ Xuân, nhân viên dịch vụ nhà đất C.T. giới thiệu với chúng tôi 2 lô đất nông nghiệp rộng 500m2 nằm ngay mặt tiền đường Mỹ Xuân - Hòa Bình với giá 1,8 tỷ đồng/lô. C.T. tư vấn khu đất này có thể xây nhà cho công nhân thuê, mở quán buôn bán hay cho thuê mặt bằng đều kiếm tiền dễ dàng.

Tại huyện Châu Đức, cơn sốt đất tập trung chủ yếu gần các KCN và những tuyến đường đã có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Điển hình là khu vực gần KCN Đô thị Châu Đức (xã Suối Nghệ và Nghĩa Thành). Sau nhiều năm chậm tiến độ do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu năm 2018, chủ đầu tư dự án là Công ty CP Sonadezi bắt đầu đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây, trong đó có dự án sân golf và nhiều dự án thành phần bao gồm: Sản xuất công nghiệp, kho bãi, cảng ICD, thương mại, dịch vụ, khu vui chơi giải trí, công viên…

Việc dự án này tăng tốc đã khiến thị trường BĐS tại Châu Đức sôi động hẳn lên, giá đất nền, đất rẫy tăng mạnh. Trong vai người đi mua đất, với ý định kinh doanh phòng trọ gần KCN và lập trang trại, chúng tôi được anh Nguyễn Quốc Hùng (thôn Suối Nghệ, xã Suối Nghệ) dẫn đi xem đất rẫy có vị trí nằm sâu bên trong (cách trục đường Hội Bài - Châu Pha - Đá Bạc 3km). Chỉ tay vào miếng đất khô cằn sỏi đá, diện tích hơn 5.000m2, anh Hùng gợi ý: “Đất ở đây tuy không tốt để trồng cây nhưng lại gần KCN và sân golf, sau này kinh doanh rất tốt”, anh Hùng kêu giá 250 triệu đồng/1.000m2.

Anh Hùng còn dẫn chúng tôi xem một lô đất nền mặt tiền khác có diện tích 5x30m (trên trục đường chính xã Suối Nghệ) đang được rao giá 250 triệu đồng/m ngang, trong đó có 100m2 thổ cư. Anh Mai Văn Sanh, có văn phòng giao dịch bất động sản tại xã Suối Nghệ cho biết, giá đất ở đây đã tăng gấp 3, thậm chí gấp 5 lần so với thời điểm cuối năm 2017. Tăng mạnh nhất là đất vị trí từ ngã ba đường số 1 - số 6 đến cầu Suối Son (giáp KCN Đô thị Châu Đức), đất nền mặt tiền được hét giá 350 triệu đồng/m ngang, chiều sâu khoảng 30m.

Theo giới đầu cơ, lý do khiến nhiều người lựa chọn kênh đầu tư vào BĐS là vì thời điểm này giá vàng và đô la “trồi sụt” thất thường, chứng khoán chưa có nhiều tín hiệu khả quan, lãi suất gửi ngân hàng thấp. Còn lý do lựa chọn đất cũng dễ hiểu vì tỷ suất sinh lời cao rất nhiều so với căn hộ chung cư. Quan trọng hơn là đất thì không thể “nở” ra thêm trong khi nhu cầu ngày một tăng nên giá đất luôn nhảy vọt.

Tuy nhiên, đã là cơn sốt thì rồi BĐS cũng sẽ có lúc hạ nhiệt. Khi đó, người mua sau cùng ở thời điểm giá cao sẽ lãnh đủ.

Lượng hồ sơ chuyển nhượng tăng mạnh

Theo ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Vũng Tàu (thuộc Sở TN-MT), từ những tháng cuối năm 2017 đến nay, lượng hồ sơ mua bán chuyển nhượng đất tăng mạnh. Đơn cử như trong tháng 2-2018, TP.Vũng Tàu có hơn 500 hồ sơ nhà đất được chuyển nhượng mua bán, sang tháng 3 con số này tăng gần gấp đôi, đạt 956 hồ sơ, còn riêng nửa đầu tháng 4-2018, số hồ sơ chuyển nhượng cũng xấp xỉ gần 500. Trong khi đó, tổng lượng hồ sơ chuyển nhượng nhà đất trong tháng 2 và 3-2017 chỉ đạt hơn 1.300 hồ sơ. 

Theo bà Ngô Thị Lộc Nhung, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Tân Thành, từ đầu tháng 3 đến nay, lượng hồ sơ mua bán, hiệu chỉnh thông tin, giao dịch nhà đất tăng mạnh, từ 250-300 hồ sơ/ngày. Lượng hồ sơ chuyển nhượng chủ yếu ở địa bàn TT.Phú Mỹ và 2 xã: Mỹ Xuân, Hắc Dịch. Còn tại địa phương khác, lượng hồ sơ giao dịch nhà đất cũng tăng từ 20-30%. 

Ông Trần Ngọc Cẩm Tuấn, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh cho rằng, tình trạng sốt đất là có thật và diễn ra ở hầu hết các địa phương. Các khu vực hiện nay có lượng người tìm mua đất nhiều là các phường trung tâm TP.Vũng Tàu và xã Long Sơn; phường Tân Hưng, xã Hòa Long (TP.Bà Rịa); TT.Phú Mỹ, xã Mỹ Xuân (huyện Tân Thành); xã Phước Hưng, xã An Ngãi (huyện Long Điền); xã Suối Nghệ (huyện Châu Đức); xã Phước Thuận, Bưng Riềng, Bông Trang, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc).


Ông Lê Hoàng Mộng, Chánh Văn phòng UBND huyện Tân Thành cho biết, 10 ngày đầu tháng 4, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện đã nhận hơn 1.000 hồ sơ đất đai, tăng gấp 3 lần so với trước đó. UBND huyện phải bố trí thêm 1 bảo vệ giữ gìn trật tự, hướng dẫn người dân bấm số, chờ đến lượt. UBND huyện cũng tăng cường thêm 4 người từ Phòng TN-MT, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất huyện Tân Thành để hướng dẫn, tiếp nhận, phân loại thủ tục hồ sơ đất đai cho người dân.

Bài, ảnh: ĐINH SONG MỸ


Nóng với cơn “sốt” bất động sản - Bài 1: Giá đất tăng chóng mặt

Nóng với "cơn sốt" bất động sản - Bài 2: Thận trọng khi giao dịch nhà, đất

.
.
.