Giúp nông dân tiếp cận phương thức sản xuất mới
Năm 2017, BR-VT đã đào tạo nghề nông nghiệp cho 968 nông dân. Tuy chỉ đạt 86,03% so với kế hoạch, nhưng được đánh giá là chất lượng, hiệu quả, do nông dân được đào tạo sát với thực tế. Sau khi học nghề, nông dân đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn tiếp cận phương thức sản xuất mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
THU NHẬP KHÁ HƠN
Với hình thức “cầm tay chỉ việc”, người nông dân sau khi học nghề: chăn nuôi heo, vỗ béo bò thịt, nuôi cá, trồng hồ tiêu… đều tự tạo được việc làm với thu nhập cao hơn. Nhờ ứng dụng thành công kiến thức vào thực tế, nhiều hộ thoát khỏi cảnh nghèo, phát triển kinh tế gia đình.
Chương trình đào tạo nghề nông nghiệp đang giúp nông dân thay đổi tư duy, thói quen sản xuất, tiếp cận phương thức sản xuất mới.
Trong ảnh: Bà Trần Thị Lệ Hồng (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) chăm sóc vườn mãng cầu.
|
Dẫn chúng tôi tham quan 6 lồng cá đang nuôi trên sông Chà Và, ông Nguyễn Anh Phong (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) cho biết, trước khi tham gia lớp học nuôi cá lồng bè, ông Phong cũng như nhiều nông dân chưa am hiểu kỹ thuật nuôi cá lồng bè. Ông Phong kể: “Có thời điểm nguồn nước không bảo đảm, cá trong bè chết sạch. Nông dân chúng tôi loay hoay mãi nhưng không biết nguyên nhân. Khi chọn giống cá, cũng như cách thức phòng bệnh, chúng tôi đều dựa trên thói quen”. Tháng 7-2017, ngay khi có lớp dạy nghề nuôi cá lồng bè, ông Phong hăng hái tham gia. Sau 3 tháng học nghề, ông Phong có thêm nhiều kiến thức phong phú về kỹ thuật nuôi cá lồng bè. Đến nay, anh tự tin với cách chuẩn bị bè, chọn giống, thời điểm thả giống, chăm sóc và xử lý thuốc phòng bệnh cho cá… Nhờ áp dụng thành công kiến thức học vào thực tế nên chỉ trong 3 tháng cuối năm, gia đình anh Phong đã thu về hơn 100 triệu đồng tiền lãi từ các bè cá.
Năm 2017, Sở NN-PTNT thực hiện lồng ghép vào 6 lớp dạy nghề cho nông dân tại các địa phương với nhiều mô hình phối kết hợp như: chăn nuôi heo thịt siêu nạc gắn với lớp nghề nuôi, phòng trị bệnh cho heo; chăn nuôi dê gắn với lớp nghề nuôi, phòng trị bệnh cho dê. Nông dân sau khi học nghề đều có sự hỗ trợ, giới thiệu vay vốn, tư vấn cách tính toán nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, năm 2017 có 260 lượt nông dân được tư vấn trực tiếp tại vườn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, phòng chữa bệnh, xử lý môi trường ao nuôi. Đồng thời, tổ chức cho nông dân giữa các mô hình tham quan thực tế, trao đổi kinh nghiệm. Điển hình: mô hình trồng nấm bào ngư, quy trình sản xuất thức ăn ủ xanh cho bò, dê; nuôi lươn, nuôi trùn quế, nuôi vịt siêu thịt…
Cán bộ nông nghiệp Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn người dân xã Nghĩa Thành (huyện Châu Đức) thực hiện mô hình canh tác đậu phộng trên đất lúa kém hiệu quả. Ảnh: THANH TRÍ |
Ông Nguyễn Văn Phúc (xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) cho biết, chính kiến thức được học cộng với quá trình trao đổi kinh nghiệm từ các chuyến đi thực tế đã giúp ông biết thêm nhiều kiến thức bổ ích phục vụ cho chăn nuôi. Gia đình ông Phúc hiện đang nuôi bò thịt, bò sinh sản.
Tháng 8-2017, ông Phúc cùng 23 nông dân xã được học kỹ thuật chăn nuôi bò. Ngay khi vừa hoàn thành 3 tháng học nghề chăn nuôi bò, ông đã áp dụng thành công kỹ thuật ủ chua cây cỏ làm thức ăn vỗ béo cho đàn bò. Hiện nay, mỗi năm thu nhập từ nuôi bò thịt và bò sinh sản cho gia đình ông thu nhập gần 200 triệu đồng. Với số tiền này, ông Phúc yên tâm nuôi hai người con học ĐH và học lớp 12. Ông Phúc cho biết: “Hồi nào tới giờ nông dân chúng tôi đều chăn nuôi theo thói quen. Giờ được học bài bản nên tôi biết thêm nhiều kỹ thuật như: vỗ béo cho bò, giã rau lang, cấp cứu khi bò bị ngộ độc…”
GẮN VỚI THẾ MẠNH TỪNG ĐỊA PHƯƠNG
Đồng hành cùng nông dân, mỗi địa phương đều chủ động tăng cường tuyên truyền, giúp người nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp khi tham gia học nghề. Với chính sách này, nhiều gia đình nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, góp phần tích cực vào thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề nông nghiệp ở một số địa phương vẫn thiếu linh hoạt, chưa thích ứng với tình hình phát triển địa phương. Hơn nữa, các danh mục nghề lựa chọn dạy chưa đáp ứng được nhu cầu lao động của nông dân. Theo khảo sát của Sở NT-PTNT thì nông dân hiện đang sản xuất nhiều lĩnh vực như: nuôi lươn, cá chép giòn, cá chình, vịt trời… nhưng chương trình dạy nghề chưa có. Kỹ năng xúc tiến thương mại, xây dựng các mặt hàng nông sản của nông dân còn hạn chế đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Trong khi, thị trường tiêu thụ nông sản hiện bấp bênh, thiếu ổn định. Điều này gây khó khăn trong định hướng cho nông dân chọn nghề học một cách bền vững.
Trước những vấn đề đặt ra, công tác đào tạo nghề trong thời gian tới cần phải hướng đến những ngành nghề chủ lực, trọng điểm, phù hợp thực tiễn từng địa phương, nhất là phục vụ cho chương trình nông nghiệp công nghệ cao và phát triển nông thôn mới; chú trọng đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của hợp tác xã, trang trại, DN nhằm bảo đảm việc làm, thu nhập cho nông dân.
Việc tổ chức các lớp học nghề cho nông dân khá khó khăn bởi học viên là người lớn tuổi, trụ cột kinh tế gia đình. Ngoài tham gia học còn tham gia sản xuất, chăn nuôi để lo kinh tế gia đình nên việc sắp xếp thời gian học phải hết sức linh hoạt. Việc dạy nghề cũng phải tính toán, gắn với thế mạnh, cây trồng chủ lực tại từng địa phương. Dù công tác đào tạo nghề nông nghiệp thời gian qua đã có những chuyến biến tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Song để hiệu quả hơn nữa, năm 2018 này cần tập trung đào tạo nghề cho nông dân, nhất là phục vụ cho chương trình nông nghiệp công nghệ cao và phát triển nông thôn mới. Trong đó, ưu tiên dạy nghề phi nông nghiệp tại 45 xã nông thôn mới.
(Bà Phạm Thị Thúy Yến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT) Giai đoạn 2016-2017, BR-VT đã đào tạo nghề nông nghiệp cho 2.165 nông dân (đạt 92,8% kế hoạch), có trên 87% lao động học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục công việc cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Năm 2018, BR-VT đặt mục tiêu đào tạo nghề nông nghiệp cho 1.193 lao động và 80% lao động sau khi học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất, thu nhập cao hơn.
|
Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC