.

Sở Xây dựng: Định hướng phát triển mạng lưới đô thị

Cập nhật: 20:06, 26/12/2017 (GMT+7)
Đường 3-2, TP.Vũng Tàu.
Đường 3-2, TP.Vũng Tàu.

Thời gian qua, trong phát triển đô thị, BR-VT đã chú trọng đến khâu quy hoạch, đầu tư cho hạ tầng, phát triển các đô thị gắn liền với phát triển kinh tế; hình thành mới các đô thị chuyên ngành làm động lực phát công nghiệp, cảng biển và dịch vụ-du lịch. 

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, thời gian qua, tốc độ đô thị hóa khá nhanh, hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, chất lượng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có TP. Vũng Tàu là đô thị loại I, TP. Bà Rịa là đô thị loại II, thị trấn Phú Mỹ (nằm trong quy hoạch đô thị mới Phú Mỹ) là đô thị loại IV; Long Điền là đô thị loại V; các đô thị còn lại gồm: Ngãi Giao, Phước Bửu, Phước Hải, Đất Đỏ. Ngoài ra, huyện Côn Đảo đang lập đề án công nhận là thành phố.

Các đô thị phát triển gắn định hướng kinh tế - xã hội rõ ràng. Theo đó, TP. Vũng Tàu là đô thị phát triển với chức năng dịch vụ du lịch; TP. Bà Rịa phát triển với chức năng đô thị là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - xã hội; huyện Tân Thành phát triển với chức năng công nghiệp, dịch vụ cảng, logistic.

TP. Vũng Tàu - đô thị lớn của tỉnh với chức năng trung tâm du lịch, dịch vụ dầu khí, tài chính ngân hàng... đến nay việc quy hoạch đô thị và các tiêu chí phát triển đô thị của thành phố đã cơ bản đạt theo quy định. Thành phố hiện đang tập trung phát triển các trục đường chính trong đô thị như 51B, 51C, Lê Hồng Phong, Thùy Vân, Hạ Long, Quang Trung và một số tuyến đường liên khu vực như Trường Sa, Hoàng Sa nối các đảo Gò Găng, Long Sơn với tuyến QL 51 cùng hệ thống các cầu: Gò Găng, Chà Và, Cửa Lấp để phục vụ cho việc giãn dân khu vực trung tâm, thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả quỹ đất trong khu vực, bảo đảm sự phát triển cân đối, hài hòa về bố cục không gian đô thị.

TP. Bà Rịa đang huy động nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, nhiều công trình công cộng và đường giao thông được xác định sẽ làm thay đổi diện mạo đô thị thành phố như: Kè hai bờ sông Dinh, đoạn từ cầu Long Hương đến cầu Nhà máy nước, đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn từ Nhà Tròn đến đường Nguyễn Thanh Đằng; mở rộng tỉnh lộ 52; xây dựng cống hộp rạch Thủ Lựu, 20km đường nội thị...

Trong khi đó, đô thị mới Phú Mỹ (huyện Tân Thành) là địa bàn có sự phát triển công nghiệp mạnh mẽ nhất tỉnh BR-VT, là nơi tập trung 9 KCN đang hoạt động của tỉnh với rất nhiều nhà máy, xí nghiệp công nghiệp, thu hút khoảng 50.000 lao động. Tại đây đã và đang triển khai các dự án có quy mô lớn như: Cụm cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải; Cảng và nhà Máy thép Posco; Các cảng dầu khí; Khu công nghiệp khí - điện - đạm Phú Mỹ…

Theo Sở Xây dựng, mạng lưới đô thị tỉnh đến năm 2025 định hướng phát triển gồm 14 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I (TP.Vũng Tàu), 1 đô thị loại II (TP. Bà Rịa), 3 đô thị loại III (Phú Mỹ, Long Điền - Long Hải và Côn Đảo), 2 đô thị loại IV (Phước Bửu và Ngãi Giao) và 7 đô thị loại V (các thị trấn hiện hữu gồm Đất Đỏ, Phước Hải; các thị trấn dự kiến thành lập mới gồm Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu, Hòa Bình và Kim Long). Tỷ lệ đô thị hóa đạt 65-70%.

Chương trình phát triển mạng lưới đô thị tỉnh BR-VT đến năm 2025 chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn ngắn hạn từ 2014-2020 và dài hạn từ 2021-2025. Trong ngắn hạn sẽ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng ở các đô thị. Trong dài hạn, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng đô thị Phú Mỹ theo tiêu chí đô thị loại III để khẳng định vai trò là trung tâm công nghiệp cảng biển vùng Đông Nam Bộ. Các đô thị Vũng Tàu, Bà Rịa phát triển theo hướng nâng cấp, cải tạo các công trình cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, ưu tiên xây dựng các hạng mục công trình vệ sinh môi trường, hệ thống công viên cây xanh, vui chơi giải trí, thể dục thể thao.

Bài, ảnh: NGÔ THANH

.
.
.