Cảng biển - Thời cơ và thách thức - Kỳ 3: Cần chính sách đột phá phát triển Cái Mép - Thị Vải
NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Vận dụng các chính sách tạo thuận lợi thương mại thu hút nguồn hàng, phát huy thế mạnh của hệ thống hạ tầng kết nối và hướng tới khu thương mại tự do gắn với cảng biển là những điều kiện tiên quyết để Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Vận dụng các chính sách tạo thuận lợi thương mại thu hút nguồn hàng là điều kiện cần thiết để CM-TV trở thành cảng trung chuyển. Trong ảnh: Tàu trọng tải lớn cập cảng TCIT. |
Thu hút các hãng tàu lớn
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cảng trung chuyển không thể trông cậy vào nguồn hàng tại chỗ mà phải thu hút hàng từ các nơi khác, nước khác về. Ở đây xuất hiện vai trò của các hãng tàu. Thế giới có nhiều hãng tàu, nhưng chỉ có khoảng chục hãng tàu container lớn có vai trò quyết định trong điều tiết nguồn hàng. Việc các hãng này đưa tàu ghé vào cảng nào là cảng đó có điều kiện tăng trưởng. Vì thế, nếu được một hoặc vài hãng tàu cam kết đưa hàng về thì cảng trung chuyển mới có thể hình thành và tồn tại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước xung quanh Việt Nam đã có nhiều cảng trung chuyển lớn đã được các hãng tàu lựa chọn thì đây là một thách thức.
Được biết, hầu hết các hãng tàu lớn hoạt động tại CM-TV đều đang sử dụng trung tâm trung chuyển tại các cảng ở Singapore, Malaysia, Hongkong. Do đó, việc điều chỉnh mạng lưới vận tải biển, cơ cấu lại tuyến vận tải tàu mẹ, tàu feeder là phức tạp, đòi hỏi thời gian, chi phí và nhiều yếu tố liên quan khác.
Chính phủ và các bộ, ngành cần cho Bà Rịa - Vũng Tàu có cơ chế đặc biệt, coi các hãng tàu là nhà đầu tư chiến lược với ưu đãi đầu tư vượt trội thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư, thuế, sử dụng đất; giao cho tỉnh được quyền lựa chọn, chấp thuận nhà đầu tư đáp ứng tiêu chí đầu tư, khai thác cảng trung chuyển quốc tế. Đồng thời, được quyền chấp thuận đề xuất nâng cấp, mở rộng quy mô bến cảng container hiện hữu phù hợp với quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển trong trường hợp nhà đầu tư đáp ứng tiêu chí đầu tư, khai thác cảng trung chuyển quốc tế.
Để tận dụng lợi thế CM-TV như là cảng cửa ngõ của cả nước ở khu vực phía Nam, từng bước giảm dần và chấm dứt hoạt động trung chuyển đổi với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam ở các cảng trung chuyển của các quốc gia khác, chuyên gia đã đề xuất các giải pháp như xây dựng cơ chế, chính sách đột phá nhằm khuyến khích vận chuyển hàng container xuất khẩu của Việt Nam đi biển xa về CM-TV để đưa lên tàu mẹ. Việc giảm 100% các loại phí như phí trọng tải, phí bảo đảm an toàn hàng hải đối với tàu feeder vận chuyển hàng container xuất khẩu từ các địa phương trên cả nước về trung chuyển tại CM-TV cũng cần được quan tâm thực hiện.
Ngoài ra cần có cơ chế khuyến khích các công ty vận tải biển trong nước khi tham gia gom hàng về Cái Mép hoặc phân phối hàng từ Cái Mép đến các địa phương khác, thông qua chính sách thuế cũng như nhanh chóng đầu tư và hoàn thành đầu tư mạng lưới hạ tầng đường bộ kết nối, tiếp tục nâng cấp mạng lưới đường thuỷ từ Đồng bằng sông Cửu Long về CM-TV để nâng cao cỡ phương tiện lưu thông (cho xà lan chở container 300-400 TEU).
Chính phủ, Bộ GT-VT chủ trì điều phối hoạt động hợp tác, phối hợp giữa các địa phương với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giữa các DN cảng biển ở các địa phương với các DN cảng biển của tỉnh để điều tiết hàng container xuất khẩu đi biển xa sử dụng CM-TV làm cảng trung chuyển.
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng logistics
Hiến kế cho CM-TV nhiều chuyên gia cho rằng, để trở thành cảng trung chuyển tầm cỡ, CM-TV phải đi theo xu thế, xu hướng chung. Đó là xu hướng xanh, là kiểm soát bằng số, thông minh. Và để tránh đi việc “chia lô cảng”, từ nay đối với các dự án đầu tư mới phải tìm nhà đầu tư đủ lớn, đủ mạnh.
Hầu hết các hãng tàu lớn hoạt động tại CM-TV đều đang sử dụng trung tâm trung chuyển tại các cảng ở Singapore, Malaysia, Hongkong. Trong ảnh: Siêu tàu màu hồng cập cảng Gemalink. |
Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định “xanh hóa” cảng biển là xu hướng chung, nên rất chú trọng thu hút cắt giảm khí thải tại các cảng biển không chỉ làm tăng hiệu quả kinh tế biển mà còn góp phần bảo đảm cho các DN có cơ hội đầu tư thay thế dây chuyền lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, tốt cho môi trường. Phát triển xanh, phát triển bền vững bằng các kế hoạch hành động có lộ trình cụ thể. Tỉnh cũng phối hợp với các chuyên gia, hiệp hội để xây dựng các chương trình hành động phù hợp nhằm phát huy tối đa những lợi thế về biển để hình thành hệ sinh thái logistics, phát triển mạnh hệ thống cảng bền vững.
Ngoài ra, việc vận hành cảng biển từng bước được tự động hóa bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo và cơ sở dữ liệu lớn; chuyển đổi mạnh mẽ trở thành cảng xanh bằng cách sử dụng phương tiện xếp dỡ, vận chuyển bằng điện hoặc nhiên liệu hydro. Hàng hóa trung chuyển quốc tế vận chuyển giữa các cảng được quản lý, giám sát bằng hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử.
Phát biểu tại diễn đàn Liên kết phát triển logistics - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, mục tiêu của tỉnh là phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế CM-TV thành cảng trung chuyển lớn nhất cả nước và có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới.
Để thực hiện được tỉnh sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng kết nối vùng, kết nối các trục giao thông lớn của quốc gia và quốc tế; thúc đẩy hệ thống hạ tầng logistics, giao thông với các giải pháp như triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4, dự án đường sắt Biên Hòa -Vũng Tàu và đặc biệt là dự án Khu thương mại tự do tại khu vực Cái Mép Hạ.
|
Theo ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đặc thù dạng một khu kinh tế mở, khu kinh tế tự do, cảng mở có các thể chế phù hợp với các nhà đầu tư nước ngoài và những nhà đầu tư trong nước muốn vươn ra nước ngoài; nâng cao tính chủ động trong quản lý và phát triển cơ chế cảng quốc tế CM-TV. Cùng với đó là cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các địa phương để phát triển liên vùng, nhằm thúc đẩy kết nối liên vùng để các địa phương bổ sung cho nhau trong phát triển, tận dụng được cơ sở hạ tầng và không lãng phí nguồn lực.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN