Cước vận tải biển tăng, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó

Thứ Ba, 11/06/2024, 18:18 [GMT+7]
In bài này
.

Từ đầu tháng 6, giá cước vận tải biển tiếp tục tăng cao khiến DN xuất khẩu gặp khó.

Cước tàu biển tại thời điểm này đã tăng gấp đôi so với tháng 3/2024. Trong ảnh: Tàu container cập cảng làm hàng tại Cảng CMIT. (Ảnh minh họa)
Cước tàu biển tại thời điểm này đã tăng gấp đôi so với tháng 3/2024. Trong ảnh: Tàu container cập cảng làm hàng tại Cảng CMIT. (Ảnh minh họa)

Giá cước tăng theo tuần

Theo các DN xuất khẩu, tính đến đầu tháng 6, cước tàu biển ở nhiều tuyến đã tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 3. Thậm chí, các hãng tàu còn báo giá cước theo tuần thay vì 1 tháng như trước đây.

Đặc biệt, cước tàu hàng đi Mỹ, châu Âu tăng gấp đôi. Chẳng hạn, giá cước container 40 feet hồi tháng 3 là 2.950 USD, nay tăng lên 7.350 USD. Cước container lạnh cũng tăng gấp đôi, đồng thời, bị áp phụ phí khoảng 1.500-3.000 USD/container.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh (Baseafood) cho biết, giá cước tàu biển đi châu Âu tăng từ 1,5-2 lần so với trước đây. Cụ thể, 1 container 40 feet đi Ukraine trước đây giá 3.600 USD thì nay tăng lên hơn 8.000 USD. DN đang thực hiện bán hàng theo phương thức FOB (bên mua phải lo cước) nhưng do giá cước tăng cao, nên khách không mua hàng, buộc DN phải hỗ trợ phí vận chuyển. Qua đàm phán, khách hàng chấp thuận để DN chi trả 1/3 tiền cước phí.

“Với giá cước hiện tại, nếu mỗi tháng xuất khẩu 100 container hàng, DN phải gánh thêm khoảng 2 tỷ đồng/tháng, dù đã được khách hàng chia sẻ 70%. Giá cước vận tải tăng mạnh, trong khi giá hàng xuất khẩu không tăng khiến DN khó khăn, lợi nhuận sụt giảm”, ông Dũng chia sẻ.

Ông Nguyễn Phước Quốc Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty may mặc Hikosen Cara cũng cho rằng, khi khách hàng chịu phí cao sẽ gây áp lực cho DN xuất khẩu. Bởi việc này sẽ dễ dẫn tới tình trạng đối tác dừng nhận hàng do giá cước tăng cao. Hàng chưa xuất đi khiến DN bị đọng vốn, phần nào cũng ảnh hưởng đến hoạt động của DN.

Theo các DN trong lĩnh vực dịch vụ logistics, nguyên nhân là do xung đột giữa một số nước làm ảnh hưởng giá cước tàu biển trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Mỹ lên kế hoạch áp thuế mạnh với nhiều loại hàng hóa Trung Quốc từ tháng 8/2024 khiến các nhà xuất khẩu nước này đẩy mạnh xuất hàng trước thời hạn. Nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc đang trả giá cao hơn để lấy chỗ trên tàu. Hiện Trung Quốc sẵn sàng trả đến 1.000 USD cho 1 chỗ trên tàu, trong khi Việt Nam chỉ trả 600 USD, nên không thể cạnh tranh.

Ngoài ra, Trung Quốc trả giá cao hơn nên các hãng tàu ưu tiên xử lý khối lượng hàng hóa có nguy cơ bị áp thuế cao đang tồn tại ở cảng Singapore và Dubai. Điều này gây nên tình trạng thiếu tàu ở các tuyến khác cũng như các thị trường nhỏ. Dự báo, tình trạng này sẽ kéo dài cho tới khi Mỹ kết thúc việc áp luật thuế mới. 

Một nguyên nhân khác khiến giá cước tàu biển tăng do vào mùa cao điểm và căng thẳng ở Biển Đỏ, tàu buộc phải đi đường vòng, mất thêm nhiều thời gian.  

Tìm thị trường mới

Trước tình trạng giá cước leo thang, các chuyên gia cho rằng, trước mắt, để ứng phó với tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, DN cần chủ động phương án đàm phán với các đối tác để giãn thời gian giao, nhận hàng; tính đến việc mua bảo hiểm để tránh rủi ro khi chậm trễ trong việc giao, nhận hàng hóa.

Mới đây, Bộ GT-VT đã có văn bản gửi Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu triển khai các nhiệm vụ để hỗ trợ DN. 
Theo đó, Bộ GT-VT yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo hệ thống cảng biển thông suốt trên toàn quốc; đẩy nhanh thủ tục ra, vào cảng và việc xếp dỡ hàng hóa đối với tàu chở hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng container đi châu Âu, châu Mỹ. 
Cục Hàng hải Việt Nam khẩn trương làm việc với hãng tàu có tuyến vận tải đi châu Mỹ, châu Âu để kêu gọi và thu hút các hãng tàu duy trì tuyến, bổ sung chỗ, vỏ container về Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa; nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm thu hút các hãng vận tải container mở tuyến mới đến Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, chuỗi cung ứng logistics có nhiều khâu từ cảng, xếp hàng, bốc dỡ. Do đó, các DN cần cố gắng giảm chi phí ở các khâu khác. Ngoài ra, cần đàm phán với các hãng tàu nước ngoài đối với giá tăng thêm, tránh trường hợp hãng tàu lợi dụng để tăng giá cước. Bên cạnh đó, DN cần nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, không phụ thuộc nhiều vào thị trường châu Âu.

Mặt khác, DN cần chủ động điều chỉnh, cân nhắc nhận đơn hàng theo hướng ưu tiên những đơn hàng của các thị trường gần, dễ giao nhận như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc; hạn chế nhận hoặc tạm thời dừng các đơn hàng ở những thị trường xa như Mỹ, châu Âu, Trung Đông.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.