Tiên phong xây dựng số hóa cảng biển

Thứ Năm, 01/12/2022, 19:35 [GMT+7]
In bài này
.

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW diễn ra ngày 26/11, Công ty CP Tư vấn Thiết kế cảng-Kỹ thuật biển (Portcoast) đã giới thiệu ứng dụng mô hình số của hệ thống cảng biển Cái Mép-Thị Vải (CM-TV). Đây là mô hình số hóa về quản lý, đầu tư, quy hoạch cảng biển hiện đại và Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh đầu tiên xây dựng mô hình này.

Các đại biểu tham quan mô hình số hệ thống cảng biển Cái Mép-Thị Vải.
Các đại biểu tham quan mô hình số hệ thống cảng biển Cái Mép-Thị Vải.

Xu hướng phát triển tất yếu

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Portcoast cho hay, là đơn vị tư vấn trong lĩnh vực cảng, công trình biển, Portcoast hiểu rằng cần áp dụng thành tựu của công nghệ 4.0 để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu số hóa hạ tầng cảng biển, tiến đến xây dựng cảng thông minh là xu hướng phát triển tất yếu.

Do vậy, Portcoast đã đẩy mạnh đầu tư thực hiện số hóa và nghiên cứu thực hiện bản sao kỹ thuật số (Digital Twin) của nhiều cảng, cụm cảng lớn tại Việt Nam và nước ngoài, tiêu biểu là tại CM-TV. Đặc thù của cảng là bao gồm cả công trình trên mặt đất và dưới nước. Do đó Portcoast sử dụng cả công nghệ, thiết bị số hóa công trình trên bờ và dưới nước.

Với hệ thống thiết bị và công nghệ quét laser scan 3D tiên tiến, Portcoast xây dựng gần như hoàn chỉnh mô hình số cơ sở hạ tầng cảng biển, tích hợp hệ thống thông tin từng công trình (BIM) với hệ thống thông tin địa lý 3D (GIS). Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh đầu tiên và duy nhất tại thời điểm này trong cả nước xây dựng mô hình số hệ thống cảng biển.

Ông Trần Tấn Phúc, Chủ tịch HĐQT Portcoast cho biết thêm, việc số hóa sẽ giúp tối đa hóa công suất vận hành, an toàn khai thác, giảm thiểu sự cố ảnh hưởng đến môi trường và giúp hệ thống cảng hòa nhập vào tiến trình phát triển của hệ sinh thái cảng biển, vận tải hàng hải thế giới. Đây là một trong những dự án tiêu biểu về mô hình số các công trình hạ tầng và đô thị mà Portcoast đã thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa trong giai đoạn công nghiệp mới, đồng hành với xu thế phát triển chung của cộng đồng cảng trên thế giới.

Số hóa cơ sở hạ tầng cảng biển

Tại buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về “Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” tháng 2/2022, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GT-VT cho biết, khu cảng CM-TV là cửa ngõ ra biển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời cũng là cửa ngõ hội nhập, giao thương với thế giới bằng đường biển lớn nhất, quan trọng nhất Nam Bộ. Nơi đây là đầu mối giao lưu quốc tế cho cả khu vực phía Nam và đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với vai trò quan trọng, việc số hóa từ khâu quy hoạch, quản lý cho tới vận hành của hệ thống cảng mang ý nghĩa rất lớn, giúp cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư, nhà khai thác có thể quản lý và khai thác cảng biển hiệu quả hơn.

Phối cảnh Trung tâm logistics Cái Mép Hạ được thực hiện với mô hình số.
Phối cảnh Trung tâm logistics Cái Mép Hạ được thực hiện với mô hình số.

“Đối với Việt Nam, Chính phủ đã đề ra các chiến lược với mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh, trong đó có nhiệm vụ phát triển hệ thống cảng biển. Vì vậy, việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ cho hệ thống cảng biển phù hợp với giai đoạn phát triển mới, là con đường ngắn nhất để hệ thống cảng biển Việt Nam có thể phát triển song hành với các quốc gia mạnh về cảng biển trên thế giới”, ông Nguyễn Xuân Sang cho hay.

Theo Tổng Giám đốc Portcoast Phạm Anh Tuấn, mô hình số hóa cơ sở hạ tầng cảng biển (bản sao số - digital twin) cho phép nghiên cứu quy hoạch phát triển không gian, chi tiết hình học hay tọa độ, cao độ của từng điểm bất kỳ của công trình. Mô hình cũng giúp nhìn tường tận hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm dưới mặt đất, đáy sông, địa tầng địa chất, các thông tin liên quan đến quản lý, duy tu, bảo trì…

Trong tương lai, mô hình còn cho phép tái tạo những gì đang xảy ra trong hệ thống cảng, thiết lập các kịch bản mô phỏng mọi hoạt động của cảng như các hoạt động giao thông, các tình huống sự cố có thể xảy ra. Từ đó, xây dựng các kịch bản ứng phó, tiến tới hoàn thiện hệ thống quản lý cảng biển một cách toàn diện, đáp ứng xu thế phát triển cảng thông minh trong thời đại 4.0.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.