TẠO ĐỘNG LỰC ĐỂ CÁI MÉP - THỊ VẢI ''CẤT CÁNH''

Kỳ 3: Chờ đột phá từ khu thương mại tự do và trung tâm logistics

Thứ Ba, 22/11/2022, 19:06 [GMT+7]
In bài này
.

Xúc tiến xây dựng nhanh Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ, hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển và hành lang công nghiệp - đô thị Đông Tây (dài gần 300km) phía Nam được chờ đợi sẽ tạo đột phá cho Cái Mép -Thị Vải.

Toàn cảnh khu bến Cái Mép Hạ nhìn từ trên cao.
Toàn cảnh khu bến Cái Mép Hạ nhìn từ trên cao.

Trung tâm logistics là cấp thiết

Các chuyên gia cảng biển nhìn nhận, cụm cảng CM-TV đang gặp phải thách thức cần được giải quyết, nếu muốn trở thành trung tâm hàng hải với cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế. Cụ thể, CM-TV đang thiếu khu vực logistics sau cảng và hệ sinh thái dịch vụ hỗ trợ. Hiện nay, phần lớn hàng hóa xuất khẩu qua CM-TV đang thực hiện các công đoạn đóng container, kiểm định, khai quan... tại ICD (cảng cạn) ở các tỉnh khác.

Đối chuẩn với thế giới cho thấy, một trung tâm logistics sau cảng quy mô lớn giữ vai trò quan trọng bậc nhất với mọi cảng trung chuyển quốc tế. Ví dụ, cảng Busan, Hàn Quốc, hệ thống cảng này có khu trung tâm logistics lên tới 700ha, đáp ứng phục vụ lượng hàng hóa khoảng 32 triệu TEU vào năm 2030. Theo quy hoạch phát triển, công suất xử lý hàng hóa của CM-TV dự kiến đạt 12,8 triệu TEU vào năm 2030 và trên 34,5-41,4 triệu TEU, giai đoạn 2030-2050. Do đó, việc sớm hoàn thành trung tâm logistics ở CM-TV là yêu cầu cấp thiết.

Trên thực tế, xác định vai trò quan trọng của logistics, tỉnh đã và đang thực hiện dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ với tổng diện tích hơn 1.680ha. Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Thiết kế Cảng-Kỹ thuật biển (Portcoast), đơn vị tư vấn dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ cho rằng, có trung tâm Logistics đủ lớn và hiện đại sẽ tháo gỡ nút thắt lớn nhất của hệ thống cảng CM-TV hiện nay.

Cùng với đó, tỉnh sẽ nghiên cứu hình thành khu thương mại sau cảng, quy hoạch các khu chức năng gồm: khu phi thuế quan, kho bãi; trung tâm phân phối; trung tâm kiểm tra chuyên ngành để phát huy vai trò cảng đầu mối trung chuyển quốc tế, tạo động lực thúc đẩy Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm logistics và trung chuyển của khu vực.

Vùng Đông Nam Bộ sản xuất ra lượng hàng hóa lớn nhất cả nước, chiếm 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Đây là lợi thế, là nguồn tài nguyên bền vững quý báu cùng với lợi thế về mặt địa lý để phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trọng tâm là hình thành “Khu thương mại tự do gắn với cảng biển nước sâu tại khu vực Cái Mép Hạ”.

3 lớp tạo nên hệ sinh thái khu thương mại tự do

Theo Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thí điểm xây dựng khu thương mại tự do gắn với cảng biển. 

Ông Trần Kim Vĩnh Thọ, Phó Giám đốc Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu cho rằng, khu thương mại tự do đã và đang trở thành một mô hình phát triển kinh tế đặc trưng trên thế giới, nhất là ở những khu vực có cảng nước sâu. Khu thương mại tự do sẽ tận dụng được cơ hội phát triển từ quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt là tranh thủ được lợi ích từ việc tham gia các thỏa thuận thương mại tự do (FTAs). Việc phát triển “điểm” theo mô hình khu thương mại tự do sẽ giúp các địa phương tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh và tiềm lực phát triển để bứt phá toàn diện trong phát triển kinh tế cũng như mọi mặt đời sống xã hội.

Theo thống kê của Tổ chức Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD), đến năm 2019 trên thế giới có 5.383 khu kinh tế/thương mại tự do tại 147 nước. Hiện nay, khu thương mại tự do vẫn là một trong những gợi ý chính sách hàng đầu, là xu thế lớn để các nước nghiên cứu đổi mới, áp dụng, triển khai, nhằm đẩy nhanh quá trình tích lũy vốn và công nghệ, rút ngắn thời gian và chi phí tham gia vào thị trường thế giới.

Phối cảnh dự án Trung tâm Logistics Cái Mép.
Phối cảnh dự án Trung tâm Logistics Cái Mép.

Liên quan đến việc hình thành khu thương mại tự do, phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Khu thương mại tự do là mô hình khá phổ biến, được triển khai hiệu quả tại nhiều quốc gia trên thế giới từ những năm cuối thế kỷ XX.

Đặc biệt, thời gian qua đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ các khu thương mại tự do hiện đại ở: Trung Quốc, Hàn Quốc, Dubai và Singapore. Cấu trúc khu thương mại tự do Cái Mép Hạ tại Bà Rịa-Vũng Tàu theo hướng hiện đại thì cần có 3 lớp tạo nên hệ sinh thái khu thương mại tự do hiện đại gồm: cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, khu trung tâm logistics và công viên công nghiệp.

Từ góc nhìn của chuyên gia, ông Hồ Kim Lân, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho rằng, Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ cùng với chức năng của một khu thương mại tự do lớn, phục vụ không chỉ riêng cho giai đoạn này mà cho cả vài chục năm về sau, không chỉ riêng cho Bà Rịa - Vũng Tàu mà cả Vùng Đông Nam Bộ. Như vậy, quyết định đầu tư đầu tư cho dự án này là rất quan trọng. Do đó, các chức năng quy hoạch của Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ cần được xác định rõ ràng, phân chia khu chức năng phù hợp, bảo đảm vừa là trung tâm trung chuyển, vừa là trung tâm sản xuất gia công đa dạng các loại hàng hóa.

Toàn cảnh cảng Gemalink.
Toàn cảnh cảng Gemalink.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.