Hoạt động cảng biển trầm lắng

Thứ Tư, 16/11/2022, 18:40 [GMT+7]
In bài này
.

Dù đạt được những kết quả khá ấn tượng trong nửa đầu năm 2022, nhưng từ 3 tháng qua nhìn chung, hoạt động của các cảng tại khu vực Cái Mép-THị Vải (CM-TV) khá trầm lắng. Chỉ còn chưa đầy 2 tháng là hết năm 2022, nhận định từ các DN cảng cho thấy, hoạt động cảng biển khó có thể phục hồi và khởi sắc như những năm vừa qua.

Từ đầu năm đến nay mặc dù sản lượng hàng hóa qua cảng biển giảm, nhưng doanh thu cảng Gemalink tăng 96,91% so với cùng kỳ năm 2021.
Từ đầu năm đến nay mặc dù sản lượng hàng hóa qua cảng biển giảm, nhưng doanh thu cảng Gemalink tăng 96,91% so với cùng kỳ năm 2021.

Hàng hóa thông qua cảng giảm

Những năm trước, thời điểm này nhiều DN kinh doanh cảng biển tại CM-TV đã hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm. Tuy nhiên năm nay, đến thời điểm hiện tại, sự sụt giảm về sản lượng khai thác là một kịch bản khá bất ngờ đối với các DN cảng tại đây, nhất là khi các cảng đã trải qua nửa đầu năm với những con số tăng trưởng hết sức khả quan. Tính đến thời điểm hiện tại, các cảng tại khu vực CM-TV đều sụt giảm sản lượng hàng hóa thông qua cảng từ 4-6%, trừ cảng Gemalink.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc kinh doanh, cảng Quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) cho biết, năm 2022 ngành khai thác cảng biển thế giới cũng như Việt Nam tiếp tục gặp nhiều biến động. Đặc biệt nhất là cuộc chiến tranh Nga-Ukraina cũng như chính sách Zero COVID của Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. 

Hiện tại, chi phí sinh hoạt do lạm phát tăng cao ở các nước châu Á, châu Âu và Mỹ làm giảm lượng nhu cầu mua sắm chi tiêu, dẫn đến nhu cầu hàng hóa XNK trực tiếp từ Việt Nam cùng các nước châu Á đi châu Âu và Mỹ giảm mạnh. CM-TV vốn được ví là thước đo XNK của Việt Nam, nên khi hàng hóa thông qua CM-TV giảm kéo theo lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam cũng giảm. Đây là năm đầu tiên kể từ khi đi vào hoạt động cụm cảng CM-TV đạt tăng trưởng âm. TCIT cũng giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông  Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Cảng SSIT cho biết, chỉ còn gần 2 tháng nữa là hết năm 2022, theo các thông tin từ các đối tác khách hàng lớn, các hãng tàu thì hầu như hoạt động cảng biển khó phục hồi. Riêng với SSIT sản lượng giảm so với kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra.

Thông tin từ Cục Thống kê cho biết, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại Bà Rịa-Vũng Tàu giảm hơn 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 83,3 triệu tấn. Điều đáng nói, khối lượng hàng hóa thông qua cảng bằng tàu biển giảm ở cả 3 lĩnh vực: xuất khẩu, nhập khẩu và nội địa; riêng mặt hàng container tăng 8% còn lại các mặt hàng khác đều giảm như hàng lỏng (giảm 22%) và hàng khô (giảm 14%).

Xếp dỡ hàng xuất, nhập khẩu tại cảng TCIT.
Xếp dỡ hàng xuất, nhập khẩu tại cảng TCIT.

Sẽ khởi sắc trở lại

Mặc dù tình hình thế giới đang có nhiều bất ổn, nhưng đầu năm đến nay hoạt động cảng biển cũng có nhiều tin vui khi có thêm một số hãng tàu mới ghé cảng như: WAN HAI A07, EVER UNIQUEMSC DITTE, MSC DITTE… kết nối Việt Nam và các cảng lớn của Mỹ.

Ông Jerry Ho, Tổng Giám đốc Wan Hai Lines Việt Nam cho biết, Wan Hai A07 chọn CM-TV là điểm đến đầu tiên. Điều đó cho thấy Wan Hai rất coi trọng việc nâng cao chất lượng dịch vụ tại Việt Nam-thị trường Đông Nam Á lớn nhất của hãng.

Ngoài ra, từ nay đến năm 2023, dự kiến các hãng tàu như: CMA-CGM, Maersk, COSCO, Ocean Network Express sẽ đưa tàu kích cỡ từ 18.000Teu vào cảng CM-TV, bởi nơi đây là cụm cảng nước sâu lớn nhất khu vực có thể tiếp nhận các tàu trọng tải lớn.

Với các tín hiệu tích cực đó, các DN cảng cũng hy vọng sự khó khăn này chỉ là một thực trạng ngắn hạn, bước sang năm 2023 hoạt động khai thác cảng sẽ khởi sắc trở lại, với sự hồi phục của những yếu tố thuận lợi cho Việt Nam.  

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
;
.