Tạo động lực để Cái Mép - Thị Vải "cất cánh"

Kỳ 1: Cần cơ chế, chính sách mang tính đột phá

Chủ Nhật, 20/11/2022, 17:07 [GMT+7]
In bài này
.

Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mở ra cơ hội cho Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng với vai trò là cảng trung chuyển quốc tế. Để đạt mục tiêu này, nhiều điểm nghẽn đối với Cảng CM-TV cần sớm được tháo gỡ.

Tàu cập cảng làm hàng tại Cảng Gemalink- cảng nước sâu hàng đầu khu vực.
Tàu cập cảng làm hàng tại Cảng Gemalink- cảng nước sâu hàng đầu khu vực.

CM-TV là cảng duy nhất của Việt Nam và là một trong 20 cảng lớn trên thế giới nhưng chưa khai thác hết tiềm năng, hiệu quả. 

Điểm sáng tại Đông Nam Á

Tạp chí Lloyd's List của Anh Quốc vừa đưa ra bảng xếp hạng 100 cảng container năm 2022 có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới. Trong đó, Việt Nam có 3 cảng lọt trong top này, gồm: Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và CM-TV.

Theo bảng xếp hạng, cụm cảng CM-TV ở vị trí thứ 32, có lượng hàng thông qua đạt 5,38 triệu TEU vào năm 2021. Tuy nhiên, CM-TV được tạp chí của Anh Quốc nhận định là một điểm sáng tại khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng sau đại dịch khoảng 22%.

Trước đó, tháng 5/2022, Ngân hàng Thế giới và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence đã xếp CM-TV ở hạng thứ 11 trên tổng số 370 cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu.  

Đánh giá từ các hãng tàu cho thấy, cụm cảng nước sâu CM-TV đang có sự phát triển mạnh mẽ cả về hàng hóa thông qua và số tuyến dịch vụ kết nối. Ông Keith Townley, thuyền trưởng tàu Maerk Evora cho biết, CM-TV đã có sự phát triển rất tích cực trong vòng 5 năm qua. Lượng hàng hóa thông qua cảng, đặc biệt là hàng container luôn đạt mức tăng trưởng cao trên 20% và luôn được đánh giá là khu vực cảng có mức tăng trưởng hàng hóa cao nhất trên thế giới. Từ nay đến cuối năm 2023, dự kiến các hãng tàu như: CMA-CGM, Maersk, COSCO, Ocean Network Express sẽ đưa tàu kích cỡ từ 18.000TEU vào cảng CM-TV, bởi nơi đây là cụm cảng nước sâu lớn nhất khu vực có thể tiếp nhận các tàu trọng tải lớn.  

“Lợi thế của cụm cảng này là nằm gần tuyến hành hải quốc tế. Chi phí xếp dỡ, chuyển tải ở đây cũng đang thấp nhất trong khu vực; hạ tầng và trang thiết bị, công nghệ và năng suất xếp dỡ tiệm cận với mặt bằng chung của khu vực...”, ông Keith Townley chia sẻ.

Đánh giá từ ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) cho thấy, đến thời điểm này khó có cảng container nào đạt được như CM-TV. Hàng hoá từ đây chỉ 16 ngày có thể đến Bờ Tây nước Mỹ và 21 ngày sẽ đến châu Âu. Đây là cảng cửa ngõ hằng năm trung chuyển hàng trăm ngàn tấn hàng và chỉ phù hợp cho hàng xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu.

Hiện khó có cảng container nào đạt được như CM-TV khi hàng hóa từ đây chỉ mất 16 ngày có thể đến Bờ Tây nước Mỹ và 21 ngày đến châu Âu.  Trong ảnh: Tàu TAMPA TRIUMPH với trọng tải 150,709 DWT đã cập Cảng CMIT.
Hiện khó có cảng container nào đạt được như CM-TV khi hàng hóa từ đây chỉ mất 16 ngày có thể đến Bờ Tây nước Mỹ và 21 ngày đến châu Âu. Trong ảnh: Tàu TAMPA TRIUMPH với trọng tải 150,709 DWT đã cập Cảng CMIT.

Phải có điều kiện cần và đủ

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Thiết kế cảng, kỹ thuật biển (Portcoast) đưa ra đánh giá, nếu cứ duy trì như hiện nay, CM-TV sẽ chỉ mang tính chất là cảng cửa ngõ. Làm sao để thu hút các hãng tàu, để các hãng tàu xác định cụm cảng này là điểm trung chuyển từ đó hình thành cảng trung chuyển quốc tế phải có điều kiện cần và đủ.

Theo đó, cơ sở hạ tầng với quy mô bến cảng, cầu cảng, luồng lạch phải bảo đảm độ sâu để các tàu mẹ vào làm hàng. Điều kiện đủ là phải thu hút được các hãng tàu, để các hãng tàu xác định cụm cảng này là điểm trung chuyển. Cụ thể hơn, phải có sự hậu thuẫn của ít nhất 1-2 hãng tàu hàng đầu thế giới.

Mô phỏng cầu Phước An, dự án có tính chất đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự kết nối giữa đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải với tỉnh Đồng Nai và hệ thống đường cao tốc trong khu vực (cao tốc Bến Lức - Long Thành; cao tốc TP. HCM- Long Thành - Dầu Giây)
Mô phỏng cầu Phước An, dự án có tính chất đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự kết nối giữa đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải với tỉnh Đồng Nai và hệ thống đường cao tốc trong khu vực (cao tốc Bến Lức - Long Thành; cao tốc TP. HCM- Long Thành - Dầu Giây)

“Cảng trung chuyển quốc tế là địa điểm gom hàng các nơi khác đến và đi. Hãng tàu đóng vai trò quyết định trong việc thiết lập địa điểm nào làm cảng trung chuyển. Bởi, họ sẽ quyết định trong hải trình vòng quanh thế giới sẽ ghé vào địa điểm nào để trung chuyển hàng”, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cơ chế, chính sách tháo gỡ những vướng mắc tại CM-TV cũng được nhiều chuyên gia cảng biển đề xuất. Đó là, hiện các cảng trong khu vực đang bị chia cắt, chưa tối ưu được chiều dài cầu bến, cầu cảng chưa gắn kết. Ngoài ra, hàng hóa từ tàu nhỏ chuyển sang tàu lớn không có sự liên thông.

Ông Trần Khánh Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho rằng, một trong những điểm nghẽn hiện nay của CM-TV là mặc dù khối lượng hàng xuất nhập khẩu khu vực phía Nam chiếm tỷ trọng lớn trên cả nước nhưng “chân hàng” còn rất khiêm tốn, chưa đủ sức hấp dẫn các hãng tàu, tập đoàn logistics lớn trên thế giới. Hệ thống Cảng CM-TV được cho là vẫn chưa đủ điều kiện để trở thành cảng trung chuyển quốc tế, chưa thu hút được các hãng tàu lớn và mất đi tính cạnh tranh với các cảng nước sâu khác trong khu vực và thế giới do thiếu các yếu tố: Các cảng đang bị chia cắt, cầu cảng chưa gắn kết, hàng hóa từ tàu nhỏ chuyển sang tàu lớn không có sự liên thông, chưa thật sự là cảng trung chuyển. Không những vậy, cảng này còn thiếu một tổ chức kiểm tra chuyên ngành tại chỗ, thiếu một hệ sinh thái logistics, thiếu một hệ thống giao thông kết nối liên vùng đa phương thức, chi phí logistics cao.

Đặc biệt, để CM-TV trở thành cảng trung chuyển quốc tế, ông Đỗ Công Khanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gemadept (chủ đầu tư Cảng Gemalink) cho rằng cần có đòn bẩy pháp lý, là các cơ chế, chính sách mang tính đột phá. Bao gồm, dỡ bỏ các rào cản về chính sách, thủ tục tạo thuận lợi cho hàng hóa trung chuyển tại cụm cảng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thông quan hàng hóa, đơn giản thủ tục, giảm thời gian, chi phí thông quan. Ngoài ra, cần thí điểm triển khai những mô hình cho chức năng trung chuyển như khu vực cảng mở và đầu tư về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nạo vét tuyến luồng thường xuyên đảm bảo độ sâu cho tàu.

Đồng thời, tăng cường liên kết vùng thông qua phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và kết cấu hạ tầng sau cảng, quy hoạch hệ thống các cảng cạn, kho bãi, ICD vệ tinh để thực hiện gom hàng, thông quan và xử lý hàng hóa tạo thuận lợi. Nếu không có hạ tầng, bến bãi bổ sung, khu Cảng CM-TV hiện tại có thể tắc nghẽn trong khoảng 3-5 năm nữa.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

Ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GT-VT

Phát huy hết lợi thế, tiềm năng của CM-TV

Hiện tỉnh đã xây dựng quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy nội địa. Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, phối hợp thực hiện các Dự án trọng điểm bao gồm cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Cầu Phước An kết nối đường liên cảng CM-TV, đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, nạo vét các luồng hàng hải Vũng Tàu-Thị Vải, nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu. Ngoài ra, tỉnh đang tập trung phát triển các trung tâm logistics trên hành lang kinh tế ven biển. Tỉnh cũng đã triển khai lập quy hoạch Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ quy mô diện tích 1.686,73ha. Trong tương lai gần, hệ thống cảng biển, KCN và dịch vụ trên địa bàn tỉnh sẽ được kết nối với khu vực và quốc tế qua các phương thức vận tải đa dạng: đường bộ, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa và cả đường sắt. 

 

 
;
.