TIN LIÊN QUAN:
Với lợi thế sẵn có, Bà Rịa-Vũng Tàu cần có một chiến lược cụ thể về mạng lưới logistics, tạo động lực cho Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) khai thác hết công suất thiết kế cũng như góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Xếp dỡ container trung chuyển cho các cảng tại Công ty VNL. |
Hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều dự án logistics thời gian gần đây đi vào hoạt động đã thực hiện tốt các chức năng cơ bản như lưu kho bãi, xếp dỡ hàng, thu gom phân phối hàng hóa phục vụ trong các KCN và những tỉnh lân cận.
Là cảng thủy nội địa đầu tiên có đầu tư nghiêm túc về cơ sở hạ tầng và chuỗi dịch vụ logistics đầy đủ cho khu vực CM-TV, Công ty CP Vina Logistics - VNL (đơn vị trực tiếp khai thác Cảng Tổng hợp dịch vụ Hưng Thái) cung cấp các dịch vụ xếp dỡ container trung chuyển cho các cảng; trung tâm đóng rút hàng container; dịch vụ xếp dỡ hàng rời cho tàu, sà lan nội địa; dịch vụ Depot/ICD và dịch vụ logistics trọn gói. Điều này đã tạo điều kiện cho khách hàng trong tỉnh và khu vực lân cận có nhu cầu lấy, trả rỗng tại kho hàng ở CM-TV, giúp giảm chi phí vận tải 1,5 lần, giảm thời gian 5 lần.
Theo bà Phạm Thị Bảo Hạnh, Phó Tổng Giám đốc VNL, công ty không chỉ đáp ứng các yêu cầu của ICD (cảng cạn) cần có như bãi container, kho CFS, kho ngoại quan, kết nối giao thông với các cảng, KCN trong khu vực mà còn có lợi thế về cầu cảng, không những đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hoá cho các sà lan, tàu nội địa cũng như chạy tuyến quốc tế.
Là DN đầu đàn của ngành logistics và khai thác cảng, thời gian qua Công ty CP Gemadept (chủ đầu tư Cảng Gemalink) đã có nhiều đóng góp trong công cuộc phát triển ngành logistics. Ông Đỗ Công Khanh, Phó Tổng Giám đốc Gemadept cho biết, giai đoạn 2 của “siêu cảng” nước sâu Gemalink tại Bà Rịa-Vũng Tàu nâng công suất tiếp nhận hàng hóa lên gấp đôi, góp phần tối ưu hóa hệ sinh thái và mạng lưới logistics trải dài từ Bắc vào Nam.
Tại buổi làm việc vừa qua với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, rất nhiều đối tác Anh, Pháp, Nhật quan tâm đặc biệt đến trung tâm logistics, trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu. Vì vậy, Bà Rịa-Vũng Tàu phải phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững, tập trung vào dịch vụ logistics. “Muốn phát triển logistics thì cần phải phát triển hạ tầng kết nối, không chỉ kết nối vùng mà còn kết nối khu vực, với các trục giao thông lớn của quốc gia và quốc tế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. |
Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GT-VT cho rằng, Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics như có hệ thống cảng nước sâu có thể tiếp nhận các siêu tàu container lớn nhật thế giới; cách sân bay quốc tế Long Thành 30km; hành lang sân bay quốc tế Long Thành và cụm cảng CM-TV sẽ là lợi tế cạnh tranh của vùng và quốc gia.
Đồng thời, với 24 tuyến đường sông có thể khai thác vận tải với tổng chiều dài 119km ở khu vực đất liền và 12 tuyến sông có tổng chiều dài khoảng 205km tại khu vực Côn Đảo đã đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa trong khu vực, phục vụ cung ứng vật tư thiết bị, nhiên liệu.
Trong tương lai gần, hệ thống các KCN và dịch vụ trên địa bàn tỉnh sẽ được kết nối với khu vực và quốc tế qua các phương thức vận tải đa dạng: đường bộ, đường biển, hàng không, đường thủy nội địa và cả đường sắt với tuyến đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu.
Hoàn thiện hạ tầng logistics
Toàn tỉnh chỉ có 21 dự án kho bãi logistics đang hoạt động với tổng diện tích 256ha phục vụ lưu chứa, trung chuyển hàng hóa giữa cảng biển với các khu sản xuất trong tỉnh và khu vực. Quy mô đóng góp của ngành này trong nền kinh tế của tỉnh chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng kỳ vọng của tỉnh. Trong khi đó, logistics là chuỗi dịch vụ trong quá trình thực hiện và kiểm soát dịch chuyển của hàng hóa từ điểm xuất tới điểm nhập. Quá trình logistics đối với hàng hóa qua cảng bao gồm nhiều công đoạn và thủ tục: đóng gói sản phẩm nơi xuất; vận chuyển tới trạm trung chuyển; lưu trữ tại kho bãi, vận chuyển tới cảng, lưu trữ tại kho bãi của cảng, thủ tục thông quan; kiểm soát chất lượng - số lượng, thương mại, an ninh, vệ sinh dịch tễ; kết nối cảng nơi nhận, giao hàng nơi nhận…
Đây là một ngành dịch vụ quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển của CM-TV nói riêng cũng như kinh tế-xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Với lợi thế là của ngõ hàng hải của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả khu vực Nam Bộ, Bà Rịa-Vũng Tàu quyết tâm xây dựng mục tiêu trở thành một trong những trung tâm logistics lớn của cả khu vực.
Do đó, để phát huy tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển hạ tầng cảng, logistics, tỉnh đã và đang tập trung phát triển các trung tâm logistics trên hành lang kinh tế ven biển; phát triển các trung tâm logistics phục vụ trung chuyển hàng hóa giữa Bà Rịa -Vũng Tàu với các tỉnh, thành khác ở khu vực phía Nam, trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua các cảng biển. Đồng thời phát triển khu mậu dịch tự do CM-TV để tạo điều kiện thu hút các tập đoàn kinh tế toàn cầu dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu về CM-TV; thành lập trung tâm phân phối hàng hóa kết nối sân bay Long Thành và cảng CM-TV nhằm kết hợp vận tải đa phương thức.
Là DN đầu đàn của ngành logistics và khai thác cảng, Công ty CP Gemadept đã có nhiều đóng góp trong công cuộc phát triển ngành logistics. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Gemalink. |
Theo đó, tỉnh đã triển khai lập quy hoạch Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, quy mô 1.686,73ha. Đồng thời dồn lực xây dựng hệ thống kết nối hạ tầng giao thông vận tải bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và cả đường hàng không phát chuyển nhanh kết nối tới cảng nước sâu và mạng lưới logistics. Tỉnh cũng khuyến khích thành lập các DN logistics, DN cung cấp dịch vụ logistics theo hướng tăng về số lượng quy mô, trình độ nhân lực và có năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư phát triển và hoàn thiện hạ tầng logistics nhằm nâng cao hiệu quả kết nối giữa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với các nước trong khu vực thông qua xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng logistics, bao gồm quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải và hạ tầng kho bãi đi kèm với hạ tầng thương mại đồng bộ; hạ tầng khoa học công nghệ phù hợp với các quy hoạch sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu. Đồng thời hỗ trợ các DN phát triển dịch vụ logistics theo hướng hiện đại chuyên nghiệp bảo đảm sức cạnh tranh trên thị trường.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN