Hiện nay, mỗi năm PV GAS cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu để sản xuất gần 15% sản lượng điện, 70% nhu cầu đạm cả nước và nhiên liệu cho nhiều khu công nghiệp. Với con số này, PV GAS đã trở thành Nhà vận chuyển và cung cấp khí lớn nhất nước. Trong nhiều năm liền, PV GAS được xếp vào nhóm đầu trong Top 500 DN lớn nhất Việt Nam và là một trong những đơn vị đứng đầu về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Người lao động PV GAS làm việc trên công trình khí. |
Không ngừng lớn mạnh
Ngày 26/4/1995, dòng khí đồng hành đầu tiên của mỏ Bạch Hổ được đưa vào đất liền, biến nguồn khí đồng hành bị đốt bỏ ngoài khơi thành nguồn năng lượng giá trị phục vụ cho sự sống và dân sinh. Sự kiện này đã mở đầu cho sự hình thành và phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam, một hướng đi đầy tiềm năng của cho ngành Dầu khí Việt Nam.
Tuy nhiên, sự kiện này cũng đặt ra yêu cầu cấp bách về việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển khí đồng hành vào bờ và sử dụng cho nền kinh tế quốc dân. Với quyết tâm cao, PVN và PV GAS đã từng bước xây dựng, lần lượt đưa các công trình khí vào hoạt động. Qua đó, hiện thực hóa mục tiêu khai thác, thu gom và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khí để đáp ứng nhu cầu năng lượng, phát triển kinh tế đất nước.
Hiện nay, PV GAS đang quản lý hệ thống hạ tầng ngành công nghiệp khí, gồm 5 hệ thống khí dài trên 1.500 km đường ống khí, 3 nhà máy xử lý khí với tổng công suất trên 10 tỷ m3/năm, 14 kho chứa LPG công suất gần 150 nghìn tấn, hệ thống phân phối khí/sản phẩm khí rộng khắp trên toàn quốc …với giá trị tài sản hơn 70 nghìn tỷ đồng.
Từ khi thành lập đến nay, PV GAS luôn được đánh giá là một trong những đơn vị đứng đầu về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN. Đặc biệt trong 2 năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhưng PV GAS vẫn hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. 8 tháng 2021, PV GAS hoàn thành vượt mức kế hoạch (10-36% ) tất cả các chỉ tiêu tài chính và tăng trưởng so với năm 2020 từ 3 đến 17%.
Ngày 20/9/1990, PV GAS được thành lập. Trải qua 31 năm hình thành và phát triển, PV GAS đã trở thành Tổng công ty lớn mạnh với 19 đơn vị trực thuộc/thành viên, gần 3.000 CBCNV có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm, năng động, sáng tạo. Đến nay, PV GAS đã cung cấp hơn 155 tỷ m3 khí khô, gần 20 triệu tấn LPG, khoảng 2 triệu tấn condensate. Tổng doanh thu của PV GAS đạt 915 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 175 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách gần 85 nghìn tỷ đồng. Trong chuơng trình an sinh xã hội, kể từ khi thành lập đến nay, PV GAS cũng đã trao tặng và hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Riêng chương trình Quỹ vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia và hỗ trợ công tác phòng chống đại dịch, 2 năm qua, PV GAS cũng ủng hộ 173 tỷ đồng tại các bệnh viện và nhiều địa phương trên cả nước. Tại BR-VT, PV GAS cũng đã ủng hộ 10 tỷ đồng mua vắc xin phòng chống dịch. |
Đề cao mũi nhọn sáng kiến, cải tiến trong lao động
Trong quá trình hoạt động, PV GAS luôn phát động phong trào thi đua lao động, sáng tạo. Nhiều sáng kiến, sáng tạo được ứng dụng không những tiết kiệm chi phí lớn cho DN mà còn góp phần vào nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản lý, cải tiến môi trường làm việc và làm gia tăng tuổi thọ thiết bị, máy móc. Đồng thời, giúp PV GAS làm chủ công nghệ, tích lũy kinh nghiệm để trưởng thành hơn.
Số lượng và chất lượng các sáng kiến trong phong trào thi đua của PV GAS được nâng cao qua các năm. Năm 2020, PV GAS có 115 sáng kiến cấp đơn vị, (hơn năm 2018 và 2019 lần lượt 45 và 40 sáng kiến), tổng giá trị làm lợi hơn 1.025 tỷ đồng. Năm 2021, PV GAS tiếp tục là đơn vị đi đầu trong hoạt động sáng kiến, sáng chế của PVN với 5 sáng kiến được công nhận cấp Tập đoàn, trong đó có 4/5 sáng kiến loại A với mức thưởng 50 triệu đồng/sáng kiến.
Theo ông Dương Mạnh Sơn, Tổng Giám đốc PV GAS, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, PV GAS tiếp tục đầu tư và kinh doanh tất cả các khâu của chuỗi giá trị khí/LNG/sản phẩm khí từ thượng nguồn - trung nguồn - hạ nguồn trong nước. Bên cạnh đó, PV GAS sẽ từng bước vươn ra quốc tế nhằm đảm bảo sự phát triển chủ động, tối ưu và bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khí/các sản phẩm khí. Đồng thời, tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp khí trên cơ sở phát huy nguồn lực và kinh nghiệm sẵn có; giữ vai trò đầu mối trong đầu tư và nhập khẩu khí, LNG cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ khác.