Ngư dân Phước Hải "mở biển" sau 2 tháng nằm bờ

Chủ Nhật, 19/09/2021, 21:03 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 19/9, gần 300 phương tiện hành nghề thúng máy, đò nan đánh bắt hải sản gần bờ của thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) đã bắt đầu chuyến ra khơi đầu tiên sau 2 tháng nằm bờ.

Sau thời gian giãn cách vì dịch bệnh, ngư dân trên địa bàn tỉnh mong sớm được ra khơi đánh bắt.  Trong ảnh: Ngư dân xã Lộc An, huyện Đất Đỏ chuẩn bị ngư lưới cụ. Ảnh: KIM HỒNG
Sau thời gian giãn cách vì dịch bệnh, ngư dân trên địa bàn tỉnh mong sớm được ra khơi đánh bắt. Trong ảnh: Ngư dân xã Lộc An, huyện Đất Đỏ chuẩn bị ngư lưới cụ. Ảnh: KIM HỒNG

Chuyến biển khác với mọi lần

Là một trong những người đưa thuyền ra biển sớm nhất trong ngày 19/9, ngư dân Phạm Văn Đinh không dấu hết sự phấn khởi. Chuyến ra biển lần này của ông khác rất nhiều so với những lần đi biển trước đó. Ngoài ngư cụ, ông còn phải có thẻ đi biển do UBND thị trấn Phước Hải cấp, phải chuẩn bị thêm khẩu trang, nước sát khuẩn. “Mặc dù có thể không tiếp xúc với ai trên biển, nhưng tôi chấp hành nghiêm quy định phòng dịch. Hy vọng chuyến biển sẽ thuận lợi, thu hoạch bội thu”, ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Phước Hải cho biết, để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, địa phương và ngư dân đã thống nhất chọn phương án hoạt động theo ngày chẵn, ngày lẻ. Như vậy, mỗi ngày chỉ có không quá 50% ngư dân (trên tổng số 1.000 người làm nghề đánh bắt gần bờ tại TT. Phước Hải) ra khơi đánh bắt nhằm tránh tập trung đông người trên bãi biển khi bà con chuẩn bị ra khơi và thời điểm thương lái tới thu mua sau các chuyến biển.

Mỗi hộ sẽ được cấp thẻ đi biển và phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19: thực hiện các biện pháp 5K, đi - về trong ngày và không giao tiếp với người lạ.

Ngư dân TT. Phước Hải khấn khởi thu hoạch cá sau chuyến ra khơi đầu tiên sau 2 tháng giãn cách. Ảnh: TUẤN VŨ
Ngư dân TT. Phước Hải khấn khởi thu hoạch cá sau chuyến ra khơi đầu tiên sau 2 tháng giãn cách. Ảnh: TUẤN VŨ

Trong sáng 19/9, đa số ngư dân đã chấp hành theo chủ trương. Hải sản sau khi đánh bắt sẽ được vận chuyển vào tiêu thụ ở bãi đất trống rộng rãi, đối diện chợ Phước Hải. UBND thị trấn Phước Hải đã san ủi mặt bằng, tạo thuận lợi cho người dân buôn bán ở địa điểm này.

Sau vài tiếng ra biển đánh bắt, đến trưa 19/9 ngư dân trở về bờ trong ngày “mở” biển đầu tiên. Họ phấn khởi gỡ các mẻ lưới đầy tôm, cá, mực. Số hải sản này được bán ngay cho các đầu mối thu mua tại bãi hoặc được ngư dân mang vào chợ bán trực tiếp cho người địa phương.

Ngư dân Nguyễn Văn Kết cho biết: “Bà con ai đi biển cũng trúng tôm, cá, thu nhập từ 1-3 triệu đồng/ chuyến. Cá biệt còn có anh em trúng mẻ cá nên bán được 5 triệu đồng chỉ sau 3-4 tiếng đi biển. Ai  cũng phấn khởi, vui mừng khi vừa thỏa nỗi nhớ biển, vừa có thu nhập để lo cho gia đình sau thời gian khó khăn do dịch bệnh”.

 Sáng 19/9, ngư dân hành nghề thúng máy, đò nan đánh bắt hải sản gần bờ TT. Phước Hải, huyện Đất Đỏ đã được ra khơi đánh bắt. Ảnh: TUẤN VŨ
Sáng 19/9, ngư dân hành nghề thúng máy, đò nan đánh bắt hải sản gần bờ TT. Phước Hải, huyện Đất Đỏ đã được ra khơi đánh bắt. Ảnh: TUẤN VŨ

Các địa phương khác đang xây dựng phương án “mở biển”

Tại huyện Xuyên Mộc, UBND huyện đã xây dựng lộ trình để ngư dân được sớm ra khơi. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, trước mắt, địa phương sẽ lên kế hoạch cho ngư dân đánh bắt hải sản gần bờ được hoạt động trở lại.

UBND huyện Xuyên Mộc cũng đang lên kế hoạch khôi phục hoạt động đánh bắt hải sản gần bờ từ ngày 19/9 đến ngày 30/9. Để vừa ổn định sản xuất, vừa bảo đảm quy định về phòng, chống dịch, huyện Xuyên Mộc sẽ lên phương án cụ thể về số lượng, thời gian, điểm tập kết, điểm thu mua…

 Ngư dân TT. Phước Hải thu hoạch hải sản sau chuyến ra khơi sáng 19/9. Ảnh: TUẤN VŨ
Ngư dân TT. Phước Hải thu hoạch hải sản sau chuyến ra khơi sáng 19/9. Ảnh: TUẤN VŨ

Theo đó, những người được phép đi đánh bắt hải sản gần bờ phải thường trú trên địa bàn huyện Xuyên Mộc hoặc là ngư dân đăng ký danh sách đánh bắt hải sản tại địa phương, ký cam kết và được xác nhận của địa phương (chỉ đánh bắt hải sản về trong ngày theo thời gian đăng ký và cam kết). Ngoài ra khu vực đánh bắt hải sản gần bờ của ngư dân trong phạm vi từ 6 hải lý trở vào thuộc vùng biển huyện Xuyên Mộc. “Huyện Xuyên Mộc chỉ cho phép đánh bắt hải sản gần bờ đi về trong ngày theo thời gian đăng ký và cam kết với chính quyền địa phương, bảo đảm đúng quy định về phòng, chống dịch. Các xã, thị trấn phải bảo đảm quản lý chặt chẽ tiểu thương, đầu nậu thu mua hải sản gồm họ tên, địa chỉ, điện thoại, nơi bán hải sản”, ông Khanh thông tin thêm.

 

Chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc mở cửa cảng cá
Để chuẩn bị chu đáo và an toàn để một số cảng cá hoạt động trở lại, sáng 18/9, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra về điều kiện cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, y tế và điều kiện để đáp ứng 3 tại chỗ tại các cảng cá Lộc An, cảng HTX Dịch vụ khai thác thủy sản Lộc An (huyện Đất Đỏ); Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Bến Lội – Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Ông Nguyễn Văn Thọ yêu cầu Ban Quản lý cảng cá, lãnh đạo địa phương phối hợp Sở NN-PTNT xây dựng lại phương án phòng chống dịch cụ thể, điều kiện sinh hoạt, y tế khi thực hiện 3 tại chỗ, đặc biệt là đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Trong cuộc họp sáng 19/9 do ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, Sở NN-PTNT, các địa phương như huyện Xuyên Mộc, TP. Vũng Tàu đã trình bày phương án cho việc mở cửa để một số hoạt động đánh bắt được trở lại. Tại cuộc họp, UBND tỉnh đã thống nhất phương án của huyện Xuyên Mộc đề xuất. Đồng thời giao cho Sở NN-PTNT, lực lượng Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh phối hợp hỗ trợ UBND huyện Xuyên Mộc, tăng cường tuần tra, xử lý việc chấp hành của ngư dân khi hoạt động đánh bắt gần bờ.

Là một trong những địa phương có lượng tàu cá lớn của tỉnh, 2.183 tàu cá, trong đó có 834 tàu cá từ 15m trở lên khai thác xa bờ, 111 tàu làm nghề dịch vụ hậu cần thủy sản, UBND TP. Vũng Tàu cũng đang lên phương án để cho một số phương tiện đánh bắt thủy, hải sản được hoạt động trở lại. Thời gian qua địa phương có 550 tàu đang nằm bờ với 6.303 thuyền viên và 284 tàu đang khai thác trên biển với 2.635 thuyền viên. Theo tờ trình đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương cho tàu được xuất bến đi khai thác hải sản,  TP. Vũng Tàu sẽ thực hiện theo lộ trình: từ 20/9 giải quyết cho 72 tàu dịch vụ hậu cần thủy sản được xuất bến ra tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhiên liệu cho 284 tàu đang khai thác trên biển. Từ 30/9 sẽ xem xét tạo điều kiện cho tàu cá tiếp tục xuất bến. Thành phố cũng sẽ xây dựng phương án cho ngư dân ra khơi sau ngày thực hiện Chỉ thị số 16 của Chính phủ (dự kiến ngày 22/9) và hoàn thành trước ngày 1/10, với nguyên tắc là chỉ cho phép các tàu hợp pháp, hợp lệ đúng quy định (các tàu, chủ tàu vi phạm thẻ vàng không được ra khơi) và đảm bảo các phương án phòng chống dịch, ra khơi theo từng đợt và phải được kiểm soát chặt theo quy định.

 PHÚC HIẾU

 
;
.