Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp luôn là mục tiêu được tỉnh hướng đến và quan tâm hỗ trợ DN phát triển trong những năm qua.
![]() |
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao, siêu thâm canh, tuần hoàn tái sử dụng nước ở Công ty CP Thủy sản Phước Hải (TT.Phước Hải, huyện Long Đất). |
Ứng dụng công nghệ cao sản xuất bền vững
Công ty CP Thủy sản Phước Hải thành lập năm 2013, là trại sản xuất tôm và tôm giống công nghệ cao, sử dụng công nghệ nuôi siêu thâm canh, sinh học, tuần hoàn tái sử dụng nước trên diện tích 5ha, không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, công ty có vốn đầu tư 102 tỷ đồng, đã nhập các thiết bị, công nghệ hiện đại của Mỹ và thuê chuyên gia kỹ thuật từ nước ngoài về để nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học vào nuôi tôm theo quy trình khép kín, tuần hoàn không dùng kháng sinh. Các ao nuôi có hệ thống oxy đáy, đo môi trường tự động. Nước được đưa vào ao xả, xử lý hóa chất qua hệ thống lắng để loại bỏ chất hữu cơ lơ lửng và kim loại nặng, sau đó được diệt khuẩn hoàn toàn trước khi cấp vào ao nuôi. Nguồn nước thải ra từ các ao nuôi tuần hoàn qua hệ thống ao lắng, hồ lọc.
Năm 2016, Công ty CP Thủy sản Phước Hải đã được Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản thế giới cấp chứng chỉ nuôi trồng bền vững ASC (Aquaculture Stewardship Council) và Liên minh nuôi trồng thủy sản toàn cầu cấp chứng nhận BAP (Best Aquaculture Practices).
Theo ông Lộc, đây là các chứng nhận nuôi trồng bền vững, theo một quy trình nuôi trồng thủy sản tốt nhất được áp dụng cho toàn bộ chuỗi sản xuất thủy sản, từ trang trại nuôi, nhà máy chế biến, đến trại sản xuất giống và nhà máy thức ăn chăn nuôi. Các tiêu chuẩn này không chỉ tập trung vào khía cạnh kỹ thuật nuôi trồng, mà còn bao gồm các yếu tố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội.
Với năng suất 80 tấn/ha/vụ (trong khi nuôi truyền thống chỉ được 5 tấn/ha/vụ), 1 năm nuôi 3 vụ, đã đem lại doanh thu cho công ty từ 20-30 tỷ đồng/năm. Nhờ quy trình công nghệ cao, bền vững đã tạo nguồn nguyên liệu sạch phục vụ chế biến, xuất khẩu các mặt hàng tôm qua các thị trường có có yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,…
![]() |
Hơn 1.000 tàu cá ở BR-VT trang bị cơ giới hóa máy tời thu, kéo lưới, hệ thống lái tự động, bán tự động và các loại máy tầm ngư hiện đại. |
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Trên địa bàn tỉnh có 372 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trên quy mô diện tích 5.168ha. Trong lĩnh vục chăn nuôi có 135 trang trại, lĩnh vực thủy sản có 23 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 430ha. Tỷ lệ giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt từ 27-52% tùy lĩnh vực.
Để đẩy mạnh phát triển KH-CN, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh xác định phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là định hướng quan trọng trong sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, trách nhiệm và bền vững.
Việc ưu tiên thúc đẩy ứng dụng các công nghệ, quy trình sản xuất bền vững, tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên, tái chế, tái sứ dụng phụ phẩm, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường là mục tiêu của chương trình KH-CN trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, có ít nhất 20% nhiệm vụ KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp được nghiên cứu, ứng dụng và chuyên giao phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn. Tổn thất sau thu hoạch các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực giảm 0,5% đến 1%/năm.
Trong lĩnh vực trồng trọt, 50% phụ phẩm của các mặt hàng chủ lực được xử lý và tái chế, tái sử dụng, trong đó 80% rơm rạ đưọ‘c áp dụng công nghệ được thu gom và tái sử dụng.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, 60% hộ gia đình và 100% trang trại áp dụng các công nghệ và kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi và được tái sử dụng.
Trong lĩnh vực thủy sản, 50% bùn thải và 50% nước thải trong các trang trại nuôi trồng thủy sản được xử lý và tái sử dụng.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, 50% lượng phụ phẩm trong khai thác, chế biến gỗ được sử dụng sản xuất nhiên liệu sinh học hoặc các sản phâm từ gỗ như gỗ ván nhân tạo.
100% cán bộ khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng được tập huấn các quy trình xử lý, tái chế chất thải, phụ phẩm đôi với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. 80% trang trại và 50% HTX được tiếp cận với các quy trình quản lý, sử dụng chất thải và tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm, các công nghệ xử lý chât thải và tái chế phụ phẩm trong nông nghiệp.
Việc áp dụng công nghệ kinh tế tuần hoàn trong các trang trại, HTX doanh nghiệp giúp tăng ít nhất 20% giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng nông sản.
Bài, ảnh: NGỌC MINH