Đó là câu chuyện của anh Phạm Văn Đoàn (sinh năm 1977) từ bỏ công việc trong ngành dầu khí về quê (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) trồng mướp, tự tay mình làm nên các sản phẩm từ xơ mướp để bán ra thị trường.
Anh Phạm Văn Đoàn may các sản phẩm từ xơ mướp. |
Trong khuôn viên rộng hơn 1ha, ngoài vườn hồng, anh Phạm Văn Đoàn dành hơn 2.000m2 để trồng mướp. Hôm chúng tôi đến, vườn mướp của anh Đoàn đang cho quả rất sai. Hàng chục quả mướp treo lủng lẳng trên dàn, những quả mướp to căng mướt, dài hơn cả một sải tay. Vừa nâng niu những trái mướp trên cành, anh Đoàn kể về câu chuyện nhân duyên đưa anh đến với công việc sản xuất các sản phẩm từ xơ mướp. Đam mê làm nông nghiệp nên sau khi từ bỏ công việc trong ngành dầu khí tại TP. Vũng Tàu, anh trở về xã Xà Bang (huyện Châu Đức) cùng vợ bắt đầu gầy dựng vườn hồng để kinh doanh. Nhận thấy quỹ đất gia đình vẫn còn nhiều, anh muốn làm thêm một cái gì đó mà mình có thể bao quát được từ khâu sản xuất đến lúc cho ra sản phẩm hoàn thiện để bán ra thị trường.
Anh Đoàn cho biết, từ xa xưa, xơ mướp được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày như để rửa chén, tắm rửa. Khi xã hội ngày một phát triển, các sản phẩm gia dụng trong gia đình thay cho xơ mướp được sản xuất công nghiệp lại chiếm ưu thế hơn bởi sự tiện lợi, dễ mua ở bất kỳ đâu. Nhưng thời gian gần đây vẫn có không ít người tìm mua xơ mướp vì muốn sử dụng sản phẩm tự nhiên, an toàn cho sức khỏe và môi trường. Nhận thấy nhu cầu này của thị trường và mong muốn góp một phần truyền tải thông điệp sống xanh đến mọi người, anh Phạm Văn Đoàn đã quyết định đầu tư và phát triển các dòng sản phẩm từ xơ mướp, tạo thương hiệu riêng mình.
“Ban đầu tôi nghĩ cứ trồng loại mướp ăn bình thường để lấy xơ nên đã lấy nhiều giống mướp về trồng chỉ cho ra trái nhỏ, xơ mướp không mướt, không mềm và khá mỏng. Mất nhiều năm tìm kiếm, cuối cùng tôi đã gặp được một nông dân trồng giống mướp trái to, khi già xơ đẹp ngay tại vùng đất Châu Đức quê mình”, anh Đoàn kể. Anh mang về trồng thử, 4 tháng sau cho thu hoạch những quả mướp đầu tiên trái dài cả sãi tay, xơ vàng óm, mềm mịn. Anh cắt ra, làm thử thành các sản phẩm đơn giản như đế lót ly, bông tắm, túi đựng xà bông… thì thấy xơ mướp này dày, độ thấm hút cao. Đó là câu chuyện khởi nghiệp với các sản phẩm xơ mướp của anh Phạm Văn Đoàn từ hơn 1,5 năm trước.
Hôm nay, vườn mướp của anh Đoàn đã khác, 2.000 m2 trồng mướp với hàng ngàn gốc, đã thu hoạch nhiều vụ, mỗi vụ cho đến 4.000 trái mướp khô. Để tạo ra các sản phẩm từ xơ mướp, anh Đoàn xây dựng thêm khu sản xuất với 5 máy may. Cầm trên tay những trái mướp khô anh Đoàn giải thích, sản phẩm từ xơ mướp đều được làm theo phương pháp thủ công, do đó mỗi sản phẩm đều có tính độc đáo riêng. Mướp để làm ra các sản phẩm đều là mướp già, khô. Mướp sau đó được bỏ lớp vỏ và hạt chỉ giữ lại xơ mướp. Tùy vào từng sản phẩm mà xơ mướp được tán dày hay mỏng, phương pháp này làm cho mật độ liên kết của xơ mướp dày hơn, dẻo dai và mịn màng hơn. Theo anh Đoàn, xơ mướp có độ đàn hồi cao, kết cấu tốt với các thớ xơ chạy ngang dọc. Đặc biệt là xơ mướp không bị mốc, mối, mọt nên người sử dụng rất yên tâm vì không phải sử dụng thuốc bảo quản. Tuy nhiên, xơ mướp lại không dễ định hình theo ý muốn nên anh Đoàn phải dày công nghiên cứu, tìm giải pháp xử lý nguyên liệu. Cuối cùng anh Đoàn đã tìm ra bí quyết là ép xơ mướp thành từng tấm rồi cắt thành từng miếng kích thước tùy theo từng sản phẩm, sau đó dùng máy may may đường viền xung quanh.
Ở phần định hình sản phẩm, việc cắt, dán, may đòi hỏi người thợ phải có mắt thẩm mỹ trong sắp xếp bố cục. Với những sản phẩm phức tạp như giày, dép, hàng trang trí, lưu niệm… thì tùy theo gu thẩm mỹ của khách hàng hoặc dựa trên kinh nghiệm của mình, người thợ phối hợp hài hòa các màu xơ mướp khác nhau trên sản phẩm. Với tiêu chí đặt ra là sản phẩm thân thiện môi trường, nên tất cả các mặt hàng do anh Đoàn sản xuất đều không dùng chất tẩy trắng hoặc ngâm hoá chất bảo quản. Với những khâu phải kết dính, anh Đoàn cho sử dụng phương pháp may bằng chỉ, sợi đay và vải thay vì là sử dụng keo dán mà vẫn bảo đảm vẻ đẹp thẩm mỹ và sự mộc mạc của sản phẩm.
Hiện anh Đoàn đang cung cấp ra thị trường BR-VT, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận 2 dòng sản phẩm là chăm sóc da và đồ gia dụng với khoảng 30 chủng loại với giá bán từ 20 -100 ngàn đồng/sản phẩm. Chia sẻ về kế hoạch mở rộng thị trường, anh Đoàn cho biết anh gửi mẫu chào hàng thị trường Nhật Bản, Mỹ và họ đã đồng ý hợp tác với anh để sản xuất các sản phẩm từ xơ mướp. “Với các đơn hàng xuất khẩu đòi hỏi quy trình sản xuất phải nghiêm ngặt hơn. Theo đó, phương pháp trồng và thu hoạch hoàn toàn phải tuân thủ theo quy trình sản xuất hữu cơ. Thành phẩm không sử dụng hóa chất và tuyệt đối thân thiện với môi trường. Ngoài định hướng xuất khẩu, tôi còn mong muốn tổ chức các tour du lịch nông nghiệp cho khách tham quan quy trình trồng mướp, tạo ra sản phẩm và lan tỏa thông điệp xanh - bảo vệ môi trường đến mọi người”, anh Đoàn nói.
Bài, ảnh: QUANG VŨ