Chiều 22/12, Bộ TT-TT đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tham dự và chủ trì đầu cầu tỉnh BR-VT.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị trực tuyến. |
Theo báo cáo của Bộ TT-TT, các chỉ số xếp hạng trong nhiều lĩnh vực thuộc ngành TT-TT đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Cụ thể, báo cáo về Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính năm 2021 do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) công bố, Việt Nam xếp thứ 47/168 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2020); số tên miền quốc gia “.vn” đạt 544.361 tên miền, tăng 5,2% so với năm 2020, thuộc Top 11 châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 45 toàn cầu; xếp hạng chỉ số phát triển Viễn thông IDI của Việt Nam ước tính xếp 74/176 quốc gia (tăng 3 hạng so với năm 2020). Đặc biệt, năm 2021, doanh thu các DN trong ngành TT-TT đạt hơn 3.462 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra, tăng trưởng 9% so với năm 2020, mức tăng trưởng gấp từ 3,6-4,5 lần so với mức dự báo tăng trưởng 2%-2,5% GDP của quốc gia.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT cho biết, năm 2021, BR-VT là một trong những địa phương nằm trong vùng chịu tác động mạnh của đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Trong thời gian này, tỉnh đã đẩy mạnh việc sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch như: Thành lập tổ công nghệ hỗ trợ, phòng chống dịch COVID-19 với sự chủ trì của Sở TT-TT và sự tham gia của lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo các DN công nghệ lớn như Viettel, VNPT, BKAV; đẩy mạnh sử dụng các nền tảng phòng chống dịch. Từ cuối tháng 6/2021, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ TT-TT, tỉnh đã tập trung vào tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt Bluezone; cài đặt ứng dụng PC - COVID; ứng dụng nền tảng truy vết trong phòng chống dịch; cập nhật kịp thời kết quả xét nghiệm COVID-19... Ngoài ra, bên cạnh kênh truyền thống, tỉnh sử dụng thêm kênh thông tin trên zalo; sử dụng âm báo thoại và nhắn tin khi thuê bao di động đi vào tỉnh; đưa vào hoạt động tổng đài chăm sóc F0 tại nhà...
Năm 2022, Bộ TT-TT tập trung sửa đổi Luật Viễn thông, đưa các điều khoản, bổ sung các quy định hoàn thiện khung pháp lý với trọng tâm là thúc đẩy hạ tầng số trong giai đoạn mới; bảo đảm chính sách quản lý theo kịp với sự phát triển của thị trường; tháo gỡ các rào cản trong đầu tư, tạo điều kiện thị trường phát triển; thực hiện đấu giá băng tần để triển khai mạng di động 4G, 5G; triển khai thương mại 5G với các thiết bị Make in Viet Nam từ năm 2022; xây dựng các cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý, giám sát hoạt động triển khai Mobile Money; triển khai đấu giá tên miền “.vn”... Bộ TT-TT cũng đặt mục tiêu hết năm 2022, Việt Nam vào nhóm 80 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp Quốc.
Tin, ảnh: SONG THƯ