BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Kỳ 2: Kiểm soát chặt các nguồn thải lớn

Thứ Tư, 15/12/2021, 23:14 [GMT+7]
In bài này
.

BR-VT tập trung nhiều KCN-CCN và hàng chục nhà máy có lưu lượng xả thải lớn. Nhằm ngăn chặn các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân, tỉnh đã tăng cường các biện pháp giám sát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời các sự cố về môi trường.

tại kho của nhà máy thép Tung Ho.
tại kho của nhà máy thép Tung Ho.

Đầu tư hệ thống xử lý hiện đại

KCN Phú Mỹ I, II (TX. Phú Mỹ) hiện có 6 nhà máy thép nằm gần các khu dân cư nên thường xuyên bị người dân phản ánh về tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường. Những năm gần đây, Sở TN-MT đã yêu cầu các nhà máy đầu tư hệ thống quan trắc tự động khí thải và truyền số liệu về trung tâm quản lý của tỉnh nên tình trạng khiếu kiện đã giảm đáng kể.

Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam (KCN Phú Mỹ 1) cho biết, nhà máy của Công ty có quy mô sản xuất 500 ngàn tấn phôi thép/năm và 400 ngàn tấn thép cán/năm. Mỗi năm, nhà máy phát thải khoảng 6.500 tấn bụi lò quang điện. Từ năm 2017, Công ty đã đầu tư 5 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống quan trắc tự động (QTTĐ) khí thải từ lò quang điện. Hệ thống QTTĐ truyền dữ liệu về trung tâm điều hành QTTĐ của tỉnh. Các chỉ số xả thải vượt quá quy định sẽ được cảnh báo về cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. Hàng năm Công ty cũng dành khoản kinh phí lớn đầu tư, nâng cấp, cải tiến công nghệ để bảo vệ môi trường (BVMT).

Ông Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN-MT (đơn vị quản lý Trung tâm điều hành QTTĐ tỉnh) cho biết, từ tháng 10/2016, tỉnh đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành QTTĐ tại 28B, Thi Sách (TP. Vũng Tàu). Hiện nay, Trung tâm đã tiếp nhận được dữ liệu quan trắc nước thải, khí thải tự động của 53 cơ sở sản xuất có lượng chất thải phát sinh lớn. Theo đó, cứ 5 phút, dữ liệu về thông số khí thải, nước thải của các DN và KCN sẽ được truyền về trung tâm điều hành. DN nào xả thải vượt quy chuẩn sẽ được lấy mẫu tự động để có cơ sở xử lý. Việc đưa vào vận hành Trung tâm điều hành QTTĐ nhằm giúp cơ quan chức năng quản lý và giám sát chặt chẽ việc xả thải của các DN có lưu lượng xả thải lớn, qua đó cũng góp phần nâng cao ý thức BVMT của các DN.

Theo ông Võ Minh Tùng, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, toàn tỉnh có 15 KCN với tổng diện tích 8.510ha, trong đó có 12 KCN đã đi vào hoạt động chính thức. Tổng lượng nước thải phát sinh trung bình khoảng 45.000m3/ngày đêm. 12 KCN đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và đầu tư hệ thống QTTĐ nước thải theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, BR-VT còn có 4 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động, tổng lượng nước thải phát sinh trung bình 1.350m3/ngày đêm. Tất cả 4 CCN đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong đó, 1 CCN đã đầu tư hệ thống QTTĐ nước thải, 3 CCN còn lại đang đầu tư hệ thống QTTĐ theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

Tỉnh đã yêu cầu các KCN có kế hoạch lộ trình thực hiện đầu tư mới hoặc nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt cột A, QCVN 40: 2011/BTNMT, bảo đảm đến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành. Tính đến nay, 4 KCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt cột A, QCVN 40: 2011/BTNMT là KCN Phú Mỹ 3, Sonadezi Châu Đức, Đất Đỏ 1, Mỹ Xuân B1-Conac. Đối với việc kiểm soát các cơ sở có nguồn thải lớn (nước thải từ 1.000m3/ngày đêm) ngoài KCN, CCN, toàn tỉnh có 10 cơ sở sản xuất có lưu lượng nước thải lớn như: Công ty CP Giấy Mỹ Xuân, Công ty TNHH Thép Posco Việt Nam, Công ty CP Hóa chất hiếm Việt Nam, Nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung tại TP. Vũng Tàu, Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ... Tất cả đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy định.

Đối với các nguồn thải có chứa yếu tố độc hại (chứa hóa chất, các chất có độc tố mạnh, chất ô nhiễm tồn lưu), tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 35 cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và đều hoạt động trong các KCN. Các cơ sở đang hoạt động đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải theo quy định, được các sở, ban, ngành và các địa phương giám sát chặt. Riêng đối với việc kiểm soát nguồn thải tại các làng nghề, hiện có 6 nghề truyền thống, trong đó chỉ có nghề làm bún ở Long Kiên, TP. Bà Rịa có phát sinh nguồn thải. Do vậy tỉnh đã bố trí ngân sách (1,5 tỷ đồng/năm) để hỗ trợ các hộ sản xuất bún đầu tư công trình xử lý nước thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đến nay, có 44 hộ sản xuất bún được hỗ trợ đầu tư công trình xử lý nước thải, do đó nguồn thải tại khu vực sản xuất này cơ bản được kiểm soát tốt.

Chủ động phòng ngừa ô nhiễm

Song song đó, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã đầu tư lắp đặt 6 trạm quan trắc nước mặt tự động. Sở TN-MT đang đầu tư 3 trạm quan trắc không khí xung quanh Khu xử lý chất thải Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ), khu vực gần các mỏ đá Long Hương (TP. Bà Rịa) và khu ngã tư Giếng Nước (TP. Vũng Tàu); 2 trạm QTTĐ nước mặt tại hồ Châu Pha (TX. Phú Mỹ), hồ An Trung (huyện Côn Đảo) và 1 trạm QTTĐ nước mặt tại suối Chà Răng thượng nguồn hồ Đá Đen. 

Nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, tỉnh còn đầu tư hạ tầng để khắc phục ô nhiễm môi trường nhằm di dời các cơ sở chế biến hải sản (CBHS), cơ sở sản xuất hoạt động trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, khu chế biến hải sản tập trung xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) đã cơ bản hoàn thành phần hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 với diện tích 38ha, hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 6.000m3/ngày đêm và đang đưa vào hoạt động thử nghiệm; khu chế biến hải sản tập trung xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) đang thực hiện các thủ tục để bố trí di dời, tiếp nhận 4 cơ sở, 59 hộ chế biến hải sản; CCN Hòa Long (TP. Bà Rịa) đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, có hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 750m3/ngày đêm, đang hoàn thành các thủ tục theo quy định để vận hành thử nghiệm; CCN Phước Thắng đã được tỉnh phê duyệt thiết kế thi công hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1, hiện dự án đã được khởi công xây dựng.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Năm 2022, tỉnh tiếp tục hoàn thiện việc đầu tư 9 trạm QTTĐ không khí; đồng thời, tỉnh cũng sẽ đầu tư mới 6 trạm QTTĐ nước mặt tại các hồ cấp nước Đá Bàng, Kim Long, Núi Nhan, Suối Các, Xuyên Mộc, An Hải nhằm phát hiện kịp thời nguy cơ ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn nguồn nước sinh hoạt cho người dân; tiếp tục triển khai 6 dự án thu gom xử lý nước thải đô thị công suất khoảng 122.000 m3/ngày đêm. 

 

 

;
.