Các vùng đất ngập nước được xem là có sự đa dạng sinh học cao nhất trong tất cả các hệ sinh thái. BR-VT có hàng chục ngàn ha diện tích đất ngập nước tập trung tại huyện Côn Đảo, huyện Xuyên Mộc và xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu)... Với chủ đề “phục hồi hệ sinh thái”, ngày môi trường thế giới năm nay (ngày 5/6), BR-VT kêu gọi người dân, tổ chức sử dụng hợp lý vùng đất ngập nước và khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đối với đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Sở TN-MT tham gia trồng rừng ngập mặn tại VQG Côn Đảo. |
Sau 2 năm triển khai dự án “Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại khu đất ngập nước VQG Côn Đảo”, cuối tháng 4 vừa qua Viện Hải dương học Nha Trang và VQG Côn Đảo đã báo cáo tin vui khi hoàn thành dự án với độ phủ của san hô ở vùng biển này đã được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ sống của san hô ghép đạt 60-80%... PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, chủ nhiệm dự án cho biết, nhóm thực hiện dự án 20 người đã không quản ngại ngày đêm, sóng gió để cấy những cây san hô vào vùng biển Côn Đảo. Đến nay tại khu vực Bãi Cát Lớn độ phủ san hô cứng thay đổi từ 0-13,1%. Khu vực Hòn Tài độ phủ của san hô cứng tăng từ 3,8% lên 13,1%. Tương tự đối với khu vực Đất Dốc độ phủ của san hô cứng tăng từ 0,6% lên 10%. Như vậy sau 2 năm phục hồi san hô, độ phủ của san hô cứng trung bình tại ba điểm phục hồi tăng từ 1,5 lên 12% với số lượng hơn 4.400 tập đoàn san hô đã được phục hồi trên nền đáy tự nhiên và 1.600 tập đoàn san hô đã được phục hồi trên rạn nhân tạo.
Đó là một trong những câu chuyện cho thấy sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc khôi phục hệ sinh thái tại BR-VT. Ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc VQG Côn Đảo cho biết, để chủ động ứng phó với sự suy thoái đa dạng, BQL VQG Côn Đảo đã thực hiện nhiều dự án nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ngoài phục hồi thành công các rạn san hô cứng tại khu Ramsar (khu đất ngập nước), vườn còn phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ thực hiện đề tài Nghiên cứu trồng thử nghiệm một số loài cây ngập mặn trên nền cát, đá, sỏi, vụn san hô ngập triều không thường xuyên với tổng diện tích 4,5ha tại khu vực ven bờ biển các đảo thuộc VQG Côn Đảo như Hòn Bà, Hòn Bảy Cạnh và khu vực Ông Đụng (đảo Côn Sơn). Ngoài ra, vườn còn thực hiện các hoạt động quan trắc môi trường nước biển; giám sát một số loài động vật quý hiếm xuất hiện tại vùng biển Côn Đảo và các nghiên cứu, giám sát vùng phân bố của các loài bò biển, cá heo… Đồng thời phục hồi một số hệ sinh thái điển hình như san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn…
Theo Sở TN-MT, BR-VT được đánh giá là một trong những địa phương đa dạng các hệ sinh thái. Sự đa dạng đó được thể hiện rõ nét nhất ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc), Vườn Quốc gia Côn Đảo (huyện Côn Đảo) và hệ thống rừng ngập mặn. Năm 2017, BR-VT đã phát động trồng 2ha rừng ngập mặn tại phần rừng phòng hộ thuộc xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Các loại cây được trồng chủ yếu là đước và bần. Chỉ hơn 3 năm sau, khu rừng ngập mặn 2ha xã Long Sơn nay đã xanh tươi, bổ sung một phần diện tích rừng ngập mặn đã bị mất do tốc độ đô thị hóa nhanh.
Đầu tháng 5 vừa qua, dẫn chúng tôi đi thăm rừng dương xanh tốt chắn cát dọc bờ biển xã Lộc An (huyện Đất Đỏ), cán bộ xã Lộc An cho biết, gần 5 năm trước, khu vực này là đất trống. Để che phủ đất trống và tạo lũy chắn cát, Huyện Đoàn Đất Đỏ đã vận động hơn 500 đoàn viên, thanh niên trồng 1.500 cây dương. Sau khi trồng, định kỳ mỗi tháng 1 lần Xã Đoàn Lộc An đều tổ chức chăm sóc vườn cây. Giờ đây, rừng dương ngày càng phát triển, xanh tươi, trở thành lũy chắn cát hiệu quả, ngăn chặn nguy cơ suy thoái của hệ sinh thái ven biển.
Năm 2021, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã lựa chọn Chủ đề của ngày môi trường thế giới là “Ecosystem Restoration” (tạm dịch: Phục hồi hệ sinh thái). “Phục hồi hệ sinh thái” là một lời kêu gọi tập hợp nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên, nhằm mục đích ngăn chặn sự suy thoái của các hệ sinh thái và khôi phục chúng để đạt được các mục tiêu toàn cầu, nâng cao sinh kế của người dân, chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự sụp đổ của đa dạng sinh học. |
Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, các vùng đất ngập nước có vai trò quan trọng đối với tài nguyên nước và cuộc sống con người. Đất ngập nước cũng là “cái nôi” quan trọng của đa dạng sinh học; bảo vệ, giảm thiểu tác động của bão, nhất là các hệ sinh thái rừng ngập mặn, là tấm chắn bảo vệ vùng ven biển. Các vùng đất ngập nước cung cấp lương thực, thực phẩm, hỗ trợ phát triển kinh tế từ việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Gần đây, vùng đất ngập nước còn được khai thác mạnh để phát triển ngành du lịch. Do đó, việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn đa dạng sinh học là một trong những mục tiêu ưu tiên của tỉnh BR-VT.
Theo đó, để góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, Sở TN-MT đã phối hợp với các sở, ngành chức năng và các địa phương quản lý tốt diện tích đất rừng, diện tích đất ngập nước, đặc biệt là vùng đất ngập nước ven sông, ven biển; kiểm soát việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên… Bên cạnh đó, Sở TN-MT cũng đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu đưa ra các giải pháp ứng phó với BĐKH, nghiên cứu mực nước dâng và xây dựng khu vực phải thiết lập hành lang phải bảo vệ bờ biển để bảo vệ hệ sinh thái ven bờ.
Bài, ảnh: QUANG VŨ