Lính Hải quân chung tay bảo vệ môi trường biển

Thứ Tư, 02/06/2021, 20:23 [GMT+7]
In bài này
.

Nhận thức sâu sắc về tác động, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường biển, những năm gần đây, cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thu gom, xử lý rác thải, hạn chế đến mức thấp nhất tác động đến môi trường biển.

Cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân phân loại rác thải tại đơn vị.
Cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân phân loại rác thải tại đơn vị.

Nhằm chung tay bảo vệ môi trường biển, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, xây dựng cảnh quan đơn vị  xanh - sạch - đẹp, từ đầu năm 2020, Chi đoàn Tàu 272, Lữ đoàn 167 - Vùng 2 Hải quân đã triển khai mô hình “Ngôi nhà 100 đồng”. Theo đó, mỗi buổi chiều, ĐVTN thu gom giấy, vỏ chai nhựa, hộp xốp và các vật liệu tái chế tập kết về “Ngôi nhà 100 đồng” và phân loại trực tiếp tại chỗ. Sau đó, vật liệu tái chế được bán gây quỹ để tổ chức các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các hoạt động TDTT, văn hóa văn nghệ. Trung bình mỗi tháng, mô hình “Ngôi nhà 100 đồng” thu gom được khoảng 140kg rác thải nhựa, bán được 400 ngàn đồng.

Hạ sĩ Hoàng Minh Vương, chiến sĩ Tàu 272 chia sẻ: “Đây là hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường. Khi thực hiện nhiệm vụ trên biển và cả những khi tàu neo tại cảng, tôi đều nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường bằng những việc làm cụ thể như để rác đúng nơi quy định; tích cực tham gia thu gom, phân loại rác thải nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường và xây dựng quỹ”.

Cùng với các cán bộ, chiến sĩ trong đất liền, lính Hải quân tại 15 nhà giàn DK1 đang thực hiện nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc cũng đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thu gom, xử lý rác thải, hạn chế thấp nhất tác động đến môi trường biển.

Trung uý Trần Khánh Nhật, Phó Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/12 cho biết, thời gian gần đây, rác thải từ các vùng biển khác theo sóng, gió trôi về và do các tàu của ngư dân xả thải trực tiếp xuống biển khi khai thác hải sản ở vùng biển thềm lục địa phía Nam ngày càng nhiều. Do đó, hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ đều tổ chức thu gom, phân loại rác thải. Những loại rác thải rắn, khó phân hủy như nhựa, túi ni lông… được đập nhỏ, ép mỏng, đóng bao, sau đó sẽ gửi theo các tàu cấp hàng chuyển vào bờ xử lý tập trung. Trong ngày nghỉ, giờ nghỉ, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn sử dụng gậy dài, đầu buộc câu liêm để vớt bao ni lông bị sóng đánh dạt vào chân nhà giàn. Từ đó đến nay, các chuyến tàu cấp hàng kết hợp đưa đón cán bộ chiến sĩ nhà giàn về đất liền thường có thêm nhiệm vụ là vận chuyển rác thải từ các nhà giàn đưa về bờ xử lý.

Còn tại Nhà giàn DK1/15, để tránh tình trạng ngư dân xả rác sinh hoạt trực tiếp xuống biển, trong các đợt tàu cá của ngư dân vào khu vực nhà giàn tránh trú gió, bão, chỉ huy đảo lồng ghép các nội dung tuyên truyền với tuyên truyền bảo vệ môi trường biển. Thiếu tá Vũ Văn Hậu, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/15 cho biết: “Ngoài tuyên truyền để bà con hiểu được tác hại của việc xả thải trực tiếp xuống biển, chúng tôi vận động ngư dân bảo vệ môi trường sinh thái biển bằng cách nói không với hình thức khai thác hải sản bằng các nổ mìn, không đổ cặn dầu ra biển và nêu cao ý thức bảo vệ môi trường biển”.

Theo Thiếu tá Nguyễn Trung Dũng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1, xác định bảo vệ môi trường biển là nhiệm vụ cấp bách, Tiểu đoàn DK1 sẽ thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ; tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân bảo vệ môi trường sinh thái biển nhằm hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường biển đối với sức khỏe cộng đồng và đời sống bộ đội.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

;
.