.

Hỗ trợ cơ sở chăn nuôi xây hầm biogas

Cập nhật: 18:03, 05/12/2017 (GMT+7)
Nhờ xây dựng hầm biogas, trang trại nuôi heo của ông Nguyễn Văn Út (thôn Tân Phú, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) tiết kiệm 15 triệu đồng tiền điện/tháng.
Nhờ xây dựng hầm biogas, trang trại nuôi heo của ông Nguyễn Văn Út (thôn Tân Phú, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) tiết kiệm 15 triệu đồng tiền điện/tháng.

Từ sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, nhiều hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh đã xây dựng hầm biogas để thu gom, xử lý chất thải, giúp hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm điện trong sinh hoạt và chăn nuôi.

HẦM BIOGAS MANG LẠI NHIỀU LỢI ÍCH

Trên địa bàn tỉnh hiện có 665 cơ sở chăn nuôi heo quy mô từ 50 con trở lên, với lượng nước thải phát sinh khoảng 2.646m3/ngày đêm. Trong đó, nhiều cơ sở chăn nuôi heo nằm xen lẫn trong khu dân cư, thường xuyên gây ra mùi hôi thối, ruồi nhặng..., ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân sống xung quanh. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tỉnh đã hỗ trợ các hộ nuôi heo xây hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi.

Trang trại của ông Nguyễn Trung (tổ 21, ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) nuôi khoảng 600 con heo. Sau khi được cơ quan chức năng tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, ông Trung quyết định đầu tư 50 triệu đồng xây dựng 1 hầm biogas trữ lượng 150m3 và 1 hầm nén trữ lượng 25m3. Với hệ thống hầm biogas này, việc xử lý chất thải của heo trở nên dễ dàng hơn, bảo đảm vệ sinh môi trường; đồng thời ông Trung còn tận dụng được lượng khí sinh học từ hầm biogas để chạy máy trộn cám, máy bơm nước, thắp sáng... Nhờ đó, mỗi tháng, ông Trung tiết kiệm khoảng 3 triệu đồng tiền điện.

Tương tự, sau khi được tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng và tư vấn kỹ thuật, ông Nguyễn Phú Cường (tổ 1, ấp 5, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) đã tiến hành xây dựng 1 hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi heo. Ông Cường cho biết: “Nhờ có hầm biogas, việc xử lý chất thải của 50 con heo khá thuận lợi, bảo đảm vệ sinh môi trường nên người dân sống xung quanh không còn kêu ca, phàn nàn về việc nuôi heo của gia đình nữa. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tận dụng khí gas dùng để đun nấu, phụ phẩm dùng làm phân bón..., giúp tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi”.

Nhận thấy nhiều lợi ích của hầm biogas trong xử lý chất thải chăn nuôi, nhiều trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư xây dựng hầm biogas. Trang trại của ông Nguyễn Văn Út (thôn Tân Phú, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) hiện đang nuôi 150 heo nái và 1.500 heo thịt. Mỗi ngày, trang trại phát sinh 30m3 nước thải. Sau khi được cơ quan chức năng tư vấn kỹ thuật, ông Út đã đầu tư 300 triệu đồng để xây dựng hầm biogas trữ lượng 3.000m3. Khí gas từ hầm biogas được ông Út sử dụng chạy máy phát điện để cung cấp điện cho việc chăn nuôi (thắp sáng, chạy quạt gió, bơm nước tắm rửa cho heo…). Nhờ tận dụng nguồn năng lượng từ hầm biogas nên ông Út tiết kiệm được 15 triệu đồng tiền điện/tháng.

Ông Nguyễn Phú Cường (tổ 1, ấp 5, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) tận dụng khí gas từ hầm biogas để nấu nướng.
Ông Nguyễn Phú Cường (tổ 1, ấp 5, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) tận dụng khí gas từ hầm biogas để nấu nướng.

TIẾP TỤC HỖ TRỢ CÁC HỘ CHĂN NUÔI XÂY DỰNG HẦM BIOGAS

Chương trình hỗ trợ người dân xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi được tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2008. Ngoài việc hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật xây dựng hầm biogas đúng quy chuẩn, phù hợp với quy mô chăn nuôi, tỉnh còn hỗ trợ kinh phí xây dựng cho các hộ chăn nuôi. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã tư vấn, hỗ trợ 9,048 tỷ đồng để các hộ chăn nuôi heo xây dựng 2.762 hầm biogas.

Để bảo đảm môi trường chăn nuôi ổn định và phát triển bền vững, thời gian tới, tỉnh tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 367/QĐ-UBND phê duyệt kinh phí hỗ trợ hộ chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học (biogas) năm 2017-2018 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 200 công trình khí sinh học của các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được tỉnh hỗ trợ xây dựng trong giai đoạn này. Cụ thể, TP.Bà Rịa 20 công trình; huyện Châu Đức 100 công trình; huyện Xuyên Mộc 50 công trình; các huyện Đất Đỏ, Long Điền và Tân Thành, mỗi huyện 10 công trình. Mức hỗ trợ 4 triệu đồng/công trình, trích từ nguồn ngân sách tỉnh.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Lựa chọn thể tích xây dựng hầm biogas trong chăn nuôi heo: Đối với các hộ nuôi từ 5-6 con, nên lựa chọn thể tích xây dựng hầm từ 9-11m3. Đối với  hộ nuôi từ 10 -15 con, nên lựa chọn thể tích của hầm từ 16-16m3. Đối với hộ nuôi số lượng lớn và các trang trại nên xây dựng thành nhiều hầm. Việc lựa chọn quy mô xây dựng, các hộ nên tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn.


Chất thải từ chuồng trại khi được cho vào hầm biogas sẽ bị biến đổi và một phần được chuyển hoá thành khí biogas (dùng để chuyển hoá thành điện năng sử dụng cho sinh hoạt). Phần còn lại là nước thải và các chất cặn bã có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác như: Làm phân bón (bã thải ra được dùng để ủ thành phân hữu cơ sinh học, dùng để bón cho cây cối, hoa màu, giúp tăng năng suất, hạn chế được sâu bệnh, nâng cao độ dinh dưỡng của đất...)

 

.
.
.