Thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong nhà trường
Tiến sĩ Nguyễn Phan Cường, Viện trưởng Viện CNTT – Điện, điện tử (Trường Đại học BR-VT) hướng dẫn SV thực hành. |
Hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học – cao đẳng (ĐH-CĐ) không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ công tác đổi mới dạy và học, mà còn tạo ra tri thức mới, sản phẩm mới, cải tiến quy trình công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Theo ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) tỉnh, trong những năm gần đây, tại các cuộc thi ý tưởng KH-CN, sáng tạo khoa học - kỹ thuật (KH-KT)…, có rất nhiều sinh viên, giảng viên đến từ các trường ĐH-CĐ tham gia. Những công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) của các trường không chỉ là những mô hình, dự án phục vụ cho công tác dạy - học, mà còn là những sản phẩm có khả năng ứng dụng cao vào thực tiễn, phục vụ cho nhiều ngành, nghề lĩnh vực khác.
Mới đây, Trường CĐ Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh BR-VT đã nghiên cứu, chế tạo thành công công trình “Ngôi nhà di động sử dụng năng lượng mặt trời”. “Ngôi nhà di động sử dụng năng lượng mặt trời” có diện tích 18m2, làm bằng khung thép, vách và trần sử dụng chất liệu aluminium, sàn gỗ, thiết kế như một căn hộ mini, gồm: 1 phòng ngủ, nhà vệ sinh, phòng ăn và khu bếp liền kề, với đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt gia đình như: máy lạnh, máy nước nóng-lạnh, tivi, tủ lạnh. Các thiết bị như tivi, bếp, tủ lạnh, máy điều hòa… trong ngôi nhà này đều sử dụng hoàn toàn bằng điện năng lượng mặt trời được tích hợp qua những tấm pin gắn trên nóc nhà. Căn nhà này được thực hiện với tổng kinh phí khoảng 280 triệu đồng. Với phần chân đế là 4 bánh xe, toàn bộ ngôi nhà có thể di dời vị trí theo sở thích. Công trình này đã đoạt giải khuyến khích Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật tỉnh BR-VT lần thứ 9 năm 2016 - 2017” do Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh phát động. Sau khi đoạt giải, Sở Du lịch tỉnh đã “đặt hàng” Trường CĐ Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh tiếp tục cải tiến công trình để có thể đặt dọc bãi biển phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách.
“Ngôi nhà di động sử dụng năng lượng mặt trời” là một trong số nhiều công trình, giải pháp KH-CN mà Trường CĐ Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh đã nghiên cứu, chế tạo thành công trong thời gian gần đây. Thạc sĩ Lê Duy Cầu, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật – Công nghệ tỉnh cho biết, NCKH là một trong những hoạt động không thể thiếu của trường. Liên tục từ năm 2012 đến nay, trường có nhiều công trình, giải pháp KHCN đạt giải cao tại Cuộc thi “Nghiên cứu và cải tiến thiết bị dạy nghề toàn quốc” như: Trụ hàn đa năng (giải nhì năm 2012); Hệ thống phun xăng điện tử 4 kỳ (giải nhì, năm 2013); Tự động hóa hệ thống thang máy (giải nhì, năm 2014)… Năm học 2016-2017, trường phát động cuộc thi nghiên cứu các giải pháp bảo vệ môi trường. Tại cuộc thi này, nhiều giảng viên đã tích cực tham gia, trong đó nhiều giải pháp có tính ứng dụng cao như: Robot lau kính, xe điện sử dụng năng lượng mặt trời, xe quét rác không động cơ…
Sinh viên trường CĐ Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh thực hành với trụ hàn đa năng. |
Trường Đại học BR-VT (BVU) cũng được xem là “cái nôi” nghiên cứu KH-CN. Tiến sĩ Vũ Văn Đông, Trưởng phòng KH-CN và hợp tác quốc quốc tế (BVU) cho biết, từ năm 2010 đến đến nay, trường có 439 công trình NCKH đã được công bố. Trong đó, thành công nhất phải kể đến dự án “Máy lọc nước biển thành nước ngọt phục vụ tàu đánh bắt xa bờ” của nhóm giảng viên Khoa Cơ khí BVU, giúp ngư dân và các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên biển có nguồn nước ngọt dồi dào để sử dụng. Dự án này từng đoạt giải Ba Cuộc thi sáng tạo KH-KT tỉnh BR-VT năm 2014-2015. Năm 2014, Bộ KH-CN phê duyệt dự án KH-CN cấp Quốc gia “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất thử nghiệm thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt công suất 500 lít/ngày phục vụ tàu đánh cá xa bờ” và giao cho BVU thực hiện từ tháng 11-2014. Dự kiến, quý II-2018, dự án sẽ được nghiệm thu.
Ngoài ra, SV và giảng viên của trường cũng tham gia nhiều đề tài, dự án, công trình NCKH khác như: Đề tài “Chiết xuất tinh dầu lá bạch đàn bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước” của SV Đoàn Ngọc Dũng, Khoa Hóa học và Công nghệ thực phẩm; Thiết kế thi công thiết bị tích hợp năng lượng gió và mặt trời cấp điện sinh hoạt cho tàu cá của nhóm giảng viên Viện CNTT - Điện - Điện tử; Đề án sản xuất chocolate từ nguyên liệu cacao trồng tại BR-VT của Khoa Hóa học và Công nghệ thực phẩm... Định hướng NCKH của trường là bên cạnh việc góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, phải gắn liền khoa học với thực tiễn sản xuất và đời sống, phục vụ thiết thực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trường chú trọng nghiên cứu phát triển bền vững du lịch, cảng biển và dịch vụ logistics, công nghiệp hỗ trợ; sản xuất các sản phẩm chế biến từ các cây đặc trưng của địa phương; nghiên cứu các lĩnh vực vi sinh, nano, vật liệu mới và khắc phục ô nhiễm, bảo vệ môi trường...
Theo PGS.TS Vũ Văn Tích (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trưởng nhóm nghiên cứu hoạt động KHCN trong các cơ sở giáo dục ĐH, muốn thúc đẩy hoạt động NCKH của các trường đại học có hiệu quả thì phải thay đổi và điều chỉnh nhiều chính sách. Trong đó, cần tạo cơ chế đột phá, thay đổi điều chỉnh cách đầu tư và hợp tác. Các cơ quan chức năng cần thay đổi mô hình đầu tư cho KH-CN của các trường, không phân biệt giữa trường công và trường tư. Các chương trình nghiên cứu phải hướng tới tạo ra sản phẩm phục vụ đào tạo nhân lực và ứng dụng trực tiếp cho xã hội; đồng thời gắn với xu thế KH-CN của thế giới hiện nay là cách mạng công nghiệp 4.0…
Bài, ảnh: QUANG VŨ