Xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học: Giải pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường
Hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Đông Xuyên sử dụng công nghệ sinh học. |
Xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học là phương pháp tiên tiến trên thế giới, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tại BR-VT, công nghệ này được nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh ứng dụng hiệu quả.
Thời gian qua, Xí nghiệp Chế biến mủ cao su Xà Bang (xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, thuộc Công ty Cao su Bà Rịa) đã đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải (XLNT) ứng dụng công nghệ sinh học. Với công suất 1.500m3 ngày/đêm, hệ thống XLNT này bảo đảm xử lý triệt để toàn bộ lượng nước thải từ sản xuất của Xí nghiệp trước khi xả thải ra môi trường. Các chỉ số trong nước thải sau khi xử lý đạt cột B theo quy chuẩn Việt Nam. Ông Hoàng Trọng Tiến, Phó Giám đốc Xí nghiệp Chế biến mủ cao su Xà Bang cho biết: Hệ thống XLNT của Xí nghiệp hoạt động ổn định ngay cả trong mùa cao điểm sản xuất, khi sản lượng đạt hơn 100 tấn mủ/ngày. Nước thải sau khi xử lý không ảnh hưởng đến môi trường và không gây hại cho sức khỏe của người dân xung quanh.
Còn tại Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh BR-VT (Baseafood), nước thải chủ yếu phát sinh từ quá trình chế biến, vệ sinh nhà máy, với khoảng 120m3/ngày đêm. Lượng nước thải này có hàm lượng chất hữu cơ cao, nếu không xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường. Theo ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Baseafood, để giải quyết tình trạng này, Công ty đã nhận chuyển giao công nghệ XLNT sinh học từ Viện Cơ học ứng dụng TP. Hồ Chí Minh với công suất thiết kế 600m3/ngày đêm. Theo đánh giá của Sở TN-MT, công nghệ XLNT của Công ty hiệu quả, nước thải sau xử lý đạt cột B, một số chỉ tiêu đạt cột A trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.
Nhờ có hệ thống xử lý nước thải công nghệ sinh học nên hoạt động sản xuất của Baseafood luôn gắn liền với bảo vệ môi trường và đạt hiệu quả cao. |
Không chỉ các DN chế biến thủy sản, cao su, các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh cũng quan tâm đầu tư hệ thống XLNT bằng công nghệ sinh học, trong đó KCN Đông Xuyên (TP.Vũng Tàu) là một ví dụ. Hiện nay, KCN này có diện tích 160ha, với 66 DN hoạt động trong các lĩnh vực: may mặc, cơ khí, chế tạo giàn khoan, cung ứng nhân lực, chế biến hải sản… Trước đây, hầu hết nước thải sản xuất và sinh hoạt của các DN trong KCN đều xả trực tiếp ra sông Dinh. Từ năm 2009, KCN Đông Xuyên đã đầu tư xây dựng một nhà máy XLNT tập trung sử dụng công nghệ SBR (hóa lý, sinh học). Nhà máy này có công suất 3.000m3/ngày đêm, có thể XLNT cho tất cả các DN đóng trong KCN Đông Xuyên. Ông Trần Bảo Ân, Phó Giám đốc Công ty Đầu tư và Khai thác hạ tầng KCN Đông Xuyên và Phú Mỹ 1 (IZICO) cho biết, từ khi có nhà máy XLNT tập trung, tình trạng ô nhiễm do hoạt động xả thải của các DN trong KCN đã giảm hẳn.
Theo các DN, ưu điểm nổi bật nhất của công nghệ XLNT sinh học là vận hành đơn giản, an toàn, thích hợp xử lý các loại nước thải có chất hữu cơ, chất lượng nước đầu ra sạch hơn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, chi phí xây dựng hệ thống XLNT bằng công nghệ sinh học thấp hơn khoảng 20% so với các hệ thống XLNT khác. Do vậy, XLNT bằng công nghệ sinh học là giải pháp phù hợp giúp các DN làm tốt công tác bảo vệ môi trường.
Bài, ảnh: QUANG VŨ
Với phương pháp xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học, nước thải sau quá trình sản xuất sẽ được thu gom về bể chứa, sau đó đi qua bể điều hòa. Tại bể điều hòa, nước thải được điều hòa về lưu lượng và nồng độ các chất ô nhiễm như COD, BOD, TSS… Từ bể điều hòa, nước thải được bơm vào bể kỵ khí. Tại bể này, các vi sinh vật kỵ khí sẽ phân hủy các chất hữu cơ có trong nước thải thành chất vô cơ đơn giản và khí biogas. Trong bể kỵ khí có bộ tách 3 pha: khí biogas, nước thải và bùn kỵ khí. Tiếp đó, nước thải được dẫn qua bể hiếu khí để khử Nitơ và Photpho rồi dẫn về bể lắng. Tại đây xảy ra quá trình phân tách giữa nước thải và bùn hoạt tính. Bùn hoạt tính lắng xuống đáy, nước thải được chứa vào các hồ sinh học hoặc chảy ra môi trường để tái sử dụng. |