.

Thúc đẩy liên kết, phát huy tiềm năng vùng Đông Nam bộ

Cập nhật: 17:21, 26/10/2017 (GMT+7)

Ngày 26-10, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Đông Nam bộ lần thứ XIV năm 2017 với chủ đề “Thúc đẩy liên kết vùng”. 

Trọng tâm của Hội nghị là trao đổi kinh nghiệm tổ chức quản lý hoạt động khoa học công nghệ, các biện pháp giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai các hoạt động khoa học công nghệ tại địa phương; gắn các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của địa phương, qua đó tạo sự liên kết giữa các tỉnh, thành phố để phát huy thế mạnh trong vùng... 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết: Đông Nam bộ là vùng hội tụ đầy đủ các điều kiện, lợi thế nổi trội để phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao, điện tử - tin học, dầu khí, dịch vụ, nghiên cứu ứng dụng; tập trung một số lượng lớn các trường đại học, viện nghiên cứu. Đây là môi trường có thể đẩy mạnh khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Chỉ như thế, khu vực này mới trở thành nơi sáng tạo từ nghiên cứu, triển khai và đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường. Giai đoạn 2015 – 2017, vùng Đông Nam bộ có 1.090 nhiệm vụ, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh được triển khai, trong đó các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm 32,3%, y dược chiếm 20%, khoa học nông nghiệp chiếm 19%. Các địa phương đã dành khoảng 65-70% kinh phí khoa học công nghệ cho hoạt động nghiên cứu triển khai, phát triển công nghệ với tỷ lệ ứng dụng sau nghiệm thu đạt khoảng 70-75%. Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các tỉnh, thành phố đã chuyển dịch theo cơ cấu kinh tế của vùng và từng địa phương. 

Dù vậy, các đại biểu đánh giá, hoạt động liên kết vùng trong hình thành chuỗi phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế chưa được chú ý đúng mức, nhất là trong áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến phù hợp với sản xuất và chế biến sản phẩm trong vùng. Hoạt động liên kết còn mang tính hình thức, chưa có cơ quan điều phối quản lý, chưa gắn kết và thiếu cơ chế chỉ đạo, chia sẻ đồng bộ làm cho các cam kết trở lên mờ nhạt khi thực thi. 

Theo ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ), cần xây dựng cơ chế hợp tác tăng cường liên kết hoạt động khoa học công nghệ của vùng trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi tỉnh và toàn vùng. Xây dựng mô hình liên kết trong hoạt động nghiên cứu, phát triển để tạo ra chuỗi giá trị sản xuất, sản phẩm phù hợp với đặc thù và thế mạnh của vùng, đảm bảo tính liên kết vùng, liên kết giữa các chủ thể xã hội và khả năng hội nhập quốc tế; cùng với đó là liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng. 

 TIẾN LỰC

.
.
.