Mục tiêu trên cũng đồng thời là giải pháp được các đại biểu thành viên Tổ chức Xúc tiến du lịch các thành phố khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (TPO) tại Việt Nam chia sẻ, thể hiện cam kết phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị TPO hỗ trợ kết nối quảng bá, đào tạo nhân lực nhằm đẩy nhanh tốc độ hồi phục du lịch hậu dịch.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm làm từ lục bình do người dân Long Sơn làm. |
Diễn ra trong sáng 17/3, hội nghị thường niên các thành viên Việt Nam của TPO đã tập trung vào chủ đề “Hội tụ xanh” từ thảo luận đến các hoạt động bên lề.
Phục hồi nhanh nhờ du lịch xanh
Ông Tôn Thiện San, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt chia sẻ, với lợi thế cao nguyên có khí hậu mát lạnh quanh năm, từ rất sớm Đà Lạt đã được định hướng phát triển thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng của Việt Nam và quốc tế. Đà Lạt cũng xác định tăng trưởng xanh, bền vững nên rất chú trọng xanh hóa từ thiên nhiên đến tất cả các ngành nghề, dịch vụ trong chuỗi phục vụ du lịch bằng nhiều giải pháp cụ thể. Cụ thể, Đà Lạt xác định mật độ xây dựng rất thấp, có nơi chỉ 6%. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động, thuyết phục nâng cao ý thức của người dân, DN nuôi trồng hữu cơ, sản xuất sản phẩm sạch, tích cực bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp thành công. Nhờ vậy, hậu dịch COVID-19, du lịch Đà Lạt phục hồi rất nhanh. “Chủ đề tăng trưởng xanh được TP. Đà Lạt đăng ký chia sẻ khi tham gia các diễn đàn, hội nghị mạng lưới toàn cầu TPO”, ông Tôn Thiện San cho hay.
Nhiều góp ý cho sự phát triển của TPO
TPO là mạng lưới các thành phố du lịch của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, được thành lập tại Hội nghị các thành phố châu Á-Thái Bình Dương (APCS) lần thứ 5 vào năm 2002 tại Fukuoka, Nhật Bản. Năm 2019, TP. Vũng Tàu được kết nạp là thành viên 124 và là thành phố thứ 6 của Việt Nam trở thành thành viên chính thức của TPO.
Nhấn mạnh vai trò của TPO trong kết nối các thành viên, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong quảng bá du lịch, ông Woo Kyungha, Tổng thư ký TPO cho biết sẽ tham khảo ý kiến các thành viên về đổi mới trong hoạt động, không chỉ bó gọn trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, kết nạp thêm nhiều thành phố du lịch trên toàn thế giới.
Các đại biểu thành viên đều đồng tình với việc mở rộng hơn ra toàn thế giới, ở nhiều thành phố thuộc các châu lục khác. Tuy nhiên, cần có kế hoạch, lộ trình phù hợp, trong đó có quảng bá, tuyên truyền về TPO để các thành viên khác đang chuẩn bị gia nhập TPO biết khi gia nhập sẽ có những lợi ích gì cho quảng bá, kết nối du lịch.
|
Một thành phố có lợi thế khác hẳn Đà Lạt là phố biển Vũng Tàu cũng đạt thành tựu ấn tượng về du lịch hậu dịch nhờ kiên trì theo đuổi mục tiêu “xanh-sạch-đẹp”. Năm 2022, toàn thành phố đón hơn 6,2 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 8.100 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2019. Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, 2 lần liên tiếp đạt giải thưởng thành phố Du lịch Sạch ASEAN do Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á bình xét nhờ làm tốt các tiêu chí quản lý môi trường, đường phố sạch sẽ, xử lý tốt chất thải, nước thải, chính quyền và cộng đồng cùng ý thức bảo vệ môi trường, nhiều mảng xanh được trồng thêm, đảm bảo an toàn sức khỏe và an ninh du lịch… “Phát triển du lịch gắn với các ngành kinh tế khác bền vững. Đó là những giá trị cốt lõi của “Hội tụ xanh” từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch TP. Vũng Tàu trong khu vực và trên thế giới”, ông Hoàng Vũ Thảnh chia sẻ.
Đề nghị kết nối quảng bá mạnh thương hiệu Vũng Tàu
Tuy nhiên, trong bối cảnh chung du lịch Việt Nam và Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn chưa khỏi tác động nặng nề của dịch COVID-19. Tốc độ hồi phục hậu dịch chậm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm gần 20% so với thời kỳ trước dịch. Các ngành liên quan trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch gồm khách sạn, đại lý du lịch, vận tải, giải trí, bán lẻ... đều bị ảnh hưởng. Tại hội nghị, ông Paul Stoll, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Khách sạn Imperial cho rằng, bên cạnh nỗ lực tái cấu trúc hệ thống, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, tạo tính cạnh tranh mới cho sản phẩm và tập trung đào tạo nâng chất lượng ho nguồn nhân lực, cần thống nhất mục tiêu duy nhất xây dựng Bà Rịa-Vũng Tàu thành điểm điểm đến du lịch mang tầm quốc tế. Chìa khóa để phát triển điểm đến thành công là cơ sở vật chất, dịch vụ chất lượng và marketing. Ông Paul Stoll đề xuất dự án phát triển điểm đến du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu mang tên “Dải Rồng Vàng” dựa trên đường bờ biển Việt Nam uốn lượn tựa rồng bay. Phát triển tuyến đường du lịch biển kết nối các DN ven biển tạo chuỗi sản phẩm du lịch khai thác lợi thế cạnh tranh của Bà Rịa-Vũng Tàu. “Sản phẩm, dịch vụ, thông điệp, chiến lược tiếp thị quảng bá ra nước ngoài tập trung vào chủ đề mang tên “Dải Rồng Vàng”. Thông qua hệ thống các thành viên TPO là cánh tay quảng bá hữu hiệu lợi thế du lịch biển của Bà Rịa-Vũng Tàu”, ông Paul Stoll nói.
TP.Vũng Tàu cũng đề nghị TPO và các tổ chức thành viên hỗ trợ kêu gọi đầu tư, tăng cường đồng bộ các biện pháp quảng bá du lịch, nhất là đẩy mạnh ứng dụng quảng bá du lịch trên nền tảng số, du lịch ảo 360 độ; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và các giải pháp cụ thể cho phát triển du lịch xanh bền vững, đưa Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế vào năm 2030.
Khẳng định du lịch toàn thế giới đang phục hồi tích cực, ông Woo Kyungha, Tổng Thư ký TPO cho biết, đây là cơ hội cho các thành viên TPO phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp không khói. TPO sẽ làm cầu nối tích cực gắn kết trao đổi thông tin, đặc biệt là các thành phố có nét tương đồng, giúp các thành phố thu hút, trao đổi khách lẫn nhau. Bên cạnh đó cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, cách làm hay để áp dụng vì mục tiêu tăng trưởng bền vững du lịch.
Triển lãm sản phẩm xanh
Trong khuôn khổ hội nghị, TP.Vũng Tàu tổ chức gian trưng bày hàng hóa, sản phẩm “made in Bà Rịa-Vũng Tàu” đảm bảo tiêu chí sản xuất sạch như: giỏ xách-dép-mũ nón làm từ lục bình của xã Long Sơn, bưởi da xanh Hắc Dịch, sò ốc mỹ nghệ Thanh Thêm, hải sản Thuận Huệ, thực phẩm chế biến sẵn K Products, giới thiệu điểm đến, tour tuyến du lịch…
|
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA