Từ ngày 15/3, Việt Nam sẽ đón khách Trung Quốc theo đoàn. Đó là thông tin được công bố tại hội nghị toàn quốc đẩy nhanh phục hồi du lịch vừa diễn ra. Thông tin này được người làm du lịch cả nước quan tâm, bởi Trung Quốc là thị trường lớn của du lịch Việt Nam nói chung và Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng.
Một nhóm khách Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm tại Bãi Trước. |
Từng là khách truyền thống
Trước khi có dịch COVID-19, hằng năm, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam chiếm 1/3 trong thị phần khách quốc tế. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, từ năm 2019 trở về trước, nguồn khách Trung Quốc và khách nói tiếng Hoa khá đều. Họ thường tham gia tour du lịch vào Việt Nam từ Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tham quan TP.Hồ Chí Minh rồi về Vũng Tàu nghỉ dưỡng với thời gian 2 ngày 1 đêm hoặc 3 ngày 2 đêm. Quá trình nghỉ dưỡng, ngoài nghỉ ngơi và dùng bữa chính tại khách sạn, khách Trung Quốc cũng thích ăn hải sản, ngồi xích lô dạo biển.
Bà Nguyễn Bình Phương Trúc, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Holiday Vũng Tàu chia sẻ, khách Trung Quốc đi du lịch quanh năm và luôn gửi yêu cầu đặt phòng trước 3 tháng. Trong đó, tour sang Việt Nam thường vào những ngày trong tuần để tận dụng ưu đãi về giá phòng vào ngày thường.
“Có nguồn khách này đều đặn góp phần quan trọng giúp khách sạn có nguồn thu và ổn định công suất phòng. Bên cạnh đó, khách Trung Quốc ra nước ngoài du lịch chủ yếu nằm ở nhóm có kinh tế, chịu chi tiêu mạnh cho các dịch vụ như: spa, hải sản, mua sắm đặc sản địa phương”, bà Phương Trúc nói.
Bên cạnh đó, khách Trung Quốc đi du lịch tàu biển rất nhiều. Trước dịch COVID-19, các hãng tàu Royal Caribbean, Princess Cruises, MSC, Dream Cruises mỗi lần cập cảng tại Bà Rịa-Vũng Tàu đưa khá đông khách Trung Quốc và khách gốc Hoa lên bờ tham gia tour tham quan Bà Rịa-Vũng Tàu và các địa phương lận cận.
Khi dịch COVID-19 xảy ra, Trung Quốc đóng cửa biên giới gần 2 năm đã để lại “khoảng trống” cho thị trường du lịch Việt Nam. Vì thế, ngay khi Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn, mang đến hy vọng thu hút đông đảo khách Trung Quốc quay lại.
Theo ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, Bà Rịa-Vũng Tàu đã tự tin đón tất cả khách quốc tế từ cách đây 1 năm, khi Việt Nam chính thức mở cửa với thế giới (15/3/2022). Các DN không quá “sốt ruột” như những điểm đến trong nước lâu nay vốn chủ yếu đón khách Trung Quốc (như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa), nhưng việc thị trường hơn 1,5 tỷ dân mở cửa đóng vai trò rất lớn kích thích nhu cầu toàn bộ thị trường khách quốc tế, đẩy nhanh đà hồi phục du lịch inbound của Việt Nam. Việc đón thị trường khách Trung Quốc góp phần đa dạng hóa và bổ sung nguồn khách lớn cho du lịch trong giai đoạn phục hồi bên cạnh những thị trường trọng điểm và tiềm năng như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Đông Nam Á.
Ở chiều ngược lại, các tour du lịch đến Trung Quốc cũng đang được mở lại giúp người dân có thêm lựa chọn điểm du lịch nước ngoài. Do vậy, người làm du lịch rất trông chờ và kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc.
Dự báo bùng nổ du khách trẻ
Trung Quốc là một trong những thị trường nguồn khách quốc tế lớn và quan trọng nhất thế giới, mang lại nguồn thu chiếm tới 20% doanh thu du lịch toàn cầu. Sau gần 2 năm “bó gối” trong nước, khi cửa được mở, người Trung Quốc sẽ đổ xô du lịch ra nước ngoài. Các nước lân cận, trong đó có Việt Nam chắc chắn sẽ đón luồng khách này trước tiên. Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, trong tháng 3 lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam chưa ồ ạt nhưng sẽ tăng dần, dự báo đến mùa hè sẽ rất đông.
Khách Trung Quốc thích du lịch, nghỉ dưỡng ở những nơi có phong cảnh đẹp, gần biển và thưởng thức hải sản. Thêm nữa, dự báo giới trẻ Trung Quốc sẽ du lịch ra nước ngoài nhiều hơn. Họ lựa chọn các điểm đến đang thu hút khách, đi lại thuận lợi qua đường bộ hoặc các điểm đến có đường bay thuận lợi.
Dù vậy, cũng có lo ngại rằng, thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại cho tour du lịch sẽ tạo xung lực rất lớn cho ngành du lịch và ngành hàng không. Nhiều hãng hàng không khác nhau cùng đổ đến thì quỹ slot (chỗ ngồi, giờ cất cánh, hạ cánh) của Việt Nam bị hạn chế. Do đó, rất cần sự vào cuộc của Bộ GT-VT, Bộ Ngoại giao thông qua các cơ quan đại diện ở nước ngoài chủ động đàm phán với các hãng hàng không của các quốc gia để mở quỹ slot dành cho Việt Nam.
Về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ đã chỉ đạo để có ngay một chuyến bay kết nối từ ngày 25/4 khi Trung Quốc cho phép bay và giữ điểm bay mà trước đây phía Việt Nam đã thực hiện. Ngoài ra, Bộ cũng đang tích cực đấu nối với Trung Quốc ở 9 cửa khẩu đường bộ.
Khảo sát tại một số khách sạn chuyên đón khách Trung Quốc trước dịch COVID-19, ghi nhận hiện chưa nhận bất kỳ thông tin dịch vụ nào từ đối tác về việc khi nào khách Trung Quốc sẽ trở lại, song các khách sạn luôn trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch và marketing sao cho hiệu quả nhất. Đồng thời, bám sát diễn biến, nghiên cứu, đánh giá nhu cầu của khách Trung Quốc trong thời gian đến để đón đầu, bên cạnh vừa khai thác những thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc.
Tại hội nghị toàn quốc về đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch diễn ra vào ngày 15/3 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa toàn bộ tài nguyên du lịch, địa điểm du lịch, dịch vụ, văn hóa, ẩm thực… khai thác ứng dụng này đáp ứng nhu cầu tìm kiếm điểm đến của nhóm du khách trẻ.
Bên cạnh đó, cần tập trung quảng bá các sản phẩm du lịch mice, golf, nghỉ dưỡng biển cao cấp... đến thị trường khách Trung Quốc có mức chi tiêu cao.
Bài, ảnh: KIM VINH