Cách thủ đô Viêng Chăn (Lào) 435km về phía Tây Nam, cao nguyên Xiêng Khoảng có nhiều thắng cảnh nổi tiếng và khí hậu mát mẻ. Bằng đường bộ theo QL7 từ TP.Vinh (Nghệ An) qua cửa khẩu Mường Xén là đã chạm chân đến Xiêng Khoảng.
Tượng Phật ngồi ở Wat Phia Wat. |
Kỳ bí Cánh đồng chum
Nổi tiếng nhất ở Xiêng Khoảng là di tích Cánh đồng chum được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2019. Có hơn 2.000 chiếc chum bằng đá đủ hình dạng và kích thước nằm rải rác tại nhiều nơi ở Xiêng Khoảng.
Tuy nhiên, chỉ có 3 điểm quanh thị xã Phonsavan được đưa vào khai thác du lịch. Địa điểm thứ nhất có khoảng 250 chum, địa điểm thứ hai với 100 chum và địa điểm thứ ba có hơn 100 chum. Các khu vực còn lại vẫn đang được nghiên cứu vì còn nhiều bom mìn chưa được rà phá triệt để.
Những chiếc chum cao trung bình 1-2m, có chiếc cao tới 3,5m, nặng hàng chục tấn. Phần lớn các chum đều không có nắp, cái thì trồi lên mặt đất, cái thì chìm một phần dưới đất, miệng chum hình elip, vuông, tròn... Điều lạ lùng là xung quanh khu vực này không có núi đá. Người cổ đại đã đục đẽo chế tác ra những chiếc chum khổng lồ này ở đâu và vận chuyển bằng cách nào tới Xiêng Khoảng, đến nay vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra: những chiếc chum được tạo ra để đựng rượu ăn mừng chiến thắng trong triều đại vua Khun Cheung. Có ý kiến cho rằng vì vào mùa khô hạn, ở Xiêng Khoảng thiếu nước trầm trọng nên người xưa đã làm những chiếc chum khổng lồ này để tích nước. Nhưng có lẽ, quan điểm của nhà khảo cổ học Pháp-bà Madeleine Colani, người được Trường Viễn Đông bác cổ cử sang Lào khai quật tại Cánh đồng chum năm 1930 thể hiện trong cuốn “Cự thạch cổ vùng Thượng Lào”, cho rằng mỗi cái chum là quan tài chứa di cốt người chết, có vẻ đáng tin hơn cả. Bà đã tìm thấy xung quanh chum có xương và răng người, cùng những vòng tay bằng đồng thau, những chuỗi hạt bằng thủy tinh và mã não. Bà còn phát hiện 1 cái hang gần đấy có lẽ là nơi hỏa táng di cốt khi trên trần hang có dấu khói đen. Những bằng chứng khảo cổ của bà cũng xác định thời gian hình thành và tồn tại của khu di chỉ này khoảng 500 năm trước đến 500 năm sau Công nguyên.
Các nghiên cứu sau này của giáo sư Eiji Nitta (Trường Đại học Kagoshima, Nhật Bản); 2 nhà khảo cổ học người Lào là Thoongsa Sayavongkhamdy và Thonglith Luangkhoth; rồi các nhà khảo cổ học của UNESCO về Cánh đồng chum cơ bản đều đồng quan điểm cho rằng, các dấu tích di cốt, nồi táng, hiện vật thu được trong những hố đào xung quanh các chum đá là cùng thời. Những chum đá đó chỉ là vật tượng trưng để đánh dấu nơi chôn cất xung quanh.
Cánh đồng chum nằm ở nơi giao nhau giữa hệ thống sông Mekong và sông Hồng nên có điều kiện thuận lợi trong việc giao thương và trao đổi văn hóa, sự phân bố của các chum đá khắp Xiêng Khoảng được cho là gắn liền với các tuyến đường bộ buôn bán trao đổi và chúng là bằng chứng nổi bật nhất của nền văn minh thời đại đồ sắt.
Từ khi Cánh đồng chum được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa thế giới, du khách đến Xiêng Khoảng đông hơn. Nhiều nhất vẫn là những cựu chiến binh Việt Nam thăm lại chiến trường xưa và khách Mỹ, châu Âu muốn khám phá văn hóa, tìm hiểu lịch sử chiến tranh của Lào.
Cáng đồng Chum là điểm đến kỳ bí tại Xiêng Khoảng. |
Khám phá vương quốc Tai Phuan cổ
Nói tới vương quốc Tai Phuan cổ đại thì không thể quên thị trấn Khoun, cách Phonsavan 36km về phía Đông Nam. Vào thế kỷ XIV, Tai Phuan từng là trung tâm thương mại sầm uất trong khu vực và sau đó thuộc về vương quốc Lào Lane Xang. Từ đó, Tai Phuan trở thành trung tâm nghệ thuật kiến trúc Phật giáo với rất nhiều đền thờ được xây dựng khắp nơi và có lẽ, nổi tiếng nhất là tượng Phật ngồi ở Wat Phia Wat. Sau đó, người Pháp đã tới và mang theo văn hóa của họ hòa nhập vào kiến trúc vùng đất này.
Wat Phia Wat là ngôi chùa lớn nhất và lâu đời nhất của Vương quốc Tai Phuan, xây dựng vào thời kỳ hưng thịnh nhất dưới sự cai trị của vua Chao Lankhamkong. Năm 1874, Vương quốc Tai Phuan sụp đổ, Wat Phia Wat cũng bị tàn phá. Thập niên 50-70 thế kỷ trước, chùa tiếp tục bị bom đạn Pháp-Mỹ phá hoại, chỉ còn lại một pho tượng Phật lớn ở chính điện. Bức tượng Phật một mắt bị khuyết, má phải và môi có sẹo.
Tuy nhiên, đây là minh chứng cho sự kiên cường và khả năng đứng dậy của dân chúng sau sự hủy diệt gần như hoàn toàn. Có lẽ đó là lý do mà du khách ngang qua đây hầu hết đều ghé thăm khu phế tích, quỳ trước Phật đài, thắp hương cầu nguyện, xin Đức Phật ban phước lành, hòa mình vào không khí trang nghiêm, tĩnh lặng để hồi tưởng về quá khứ vàng son của một trong những vùng đất trù phú nhất của Lào.
Tại đây, du khách cũng có thể tham quan các bảo tháp That Foun, That Chomephet ngay bên đường ở bản Siphom-vốn được xem là biểu tượng văn hóa của tộc người Muang Phuan văn minh, hùng mạnh một thời. That Foun là một công trình kiến trúc linh thiêng, được xây bằng gạch, giống như That Đăm ở thủ đô Viêng Chăn nhưng to lớn và cao hơn, có kết hợp trang trí những cánh sen bằng đá sa thạch ở lưng chừng tháp. Bảo tháp là nơi lưu giữ xá lợi của Đức Phật khi Ngài nhập niết bàn. Trong chiến tranh, bảo tháp đã bị hư hại nhiều cũng như bị con người đột nhập để lấy đi nhiều cổ vật. Sau ngày Lào giải phóng, tháp được trùng tu trở về nguyên dáng vẻ ban đầu.
Xiêng Khoảng cũng có suối khoáng nóng và nhiều đặc sản nổi tiếng như: măng, nấm, bún, miến, gạo nếp, mật ong rừng, thịt bò… được xếp vào hàng ngon để du khách thưởng thức. |
Bảo tháp được xây dựng trên một gò đất cao. Từ đây có thể thoải mái ngắm nhìn cảnh quan xung quanh với cánh đồng lúa mênh mông, những ngôi làng trù phú của người Lào. Xiêng Khoảng ở độ cao 1.200m so với mực nước biển nên khí hậu mát mẻ quanh năm. Những khóm hoa trạng nguyên trên đường vào bảo tháp, những giậu hoa dã quỳ mọc hoang dại trong khuôn viên như những đám lửa bừng lên trên nền trời xanh mây trắng. Chỉ một cái bấm máy, du khách đã có những bức ảnh đẹp làm kỷ niệm cho một chuyến đi. Hoặc ghé các gian hàng ngay cạnh chân tháp để mua vài món hàng lưu niệm, xem mấy người phụ nữ Lào ngồi thêu, nghe họ giới thiệu đôi nét về bảo tháp cùng những lễ hội truyền thống được tổ chức tại đây.
Du khách cũng có thể đến thăm That Chomphet cách đó mấy phút đi bộ. Di tích này được xây dựng vào đầu thế kỷ 14. Tương truyền trên đỉnh có gắn một viên kim cương. Tuy nhiên, trong chiến tranh, viên kim cương và nhiều loại đá quý đã bị lấy đi.
Hàng năm, vào dịp Tết cổ truyền Boun Pimay, người Lào vẫn tổ chức lễ hội tắm Phật tại các di tích này, như một nỗ lực gìn giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của một đất nước mà hầu hết người dân đều theo đạo Phật.
KHÁNH HẰNG
(Tổng hợp)