.

Làn gió mới từ du lịch sinh thái

Cập nhật: 18:30, 04/11/2022 (GMT+7)

Ngoài những sản phẩm du lịch gắn với biển, những năm gần đây, Bà Rịa-Vũng Tàu còn hình thành nhiều điểm đến khai thác cảnh quan nông thôn, nông nghiệp, mang lại cho du khách thêm trải nghiệm miệt vườn sinh thái thú vị. 

Bà Lê Thị Nga, đại diện KDL sinh thái nghỉ dưỡng An Bình (bìa phải) hướng dẫn khách tham quan vườn nho rừng hơn 100 gốc.
Bà Lê Thị Nga, đại diện KDL sinh thái nghỉ dưỡng An Bình (bìa phải) hướng dẫn khách tham quan vườn nho rừng hơn 100 gốc.

Nông dân vui, du khách thích

Ông Mai Minh Quang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, ngoài lợi thế về vị trí địa lý, Bà Rịa-Vũng Tàu còn có nhiều mô hình sản xuất, nuôi trồng hiệu quả. Thời gian qua, một số mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch đã hình thành trên cơ sở đầu tư quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo đảm chất lượng rồi liên kết tạo thành tour du lịch trải nghiệm khép kín. Những mô hình trên không chỉ giúp bà con nông dân tăng thu nhập ngay trên mảnh đất của mình mà còn góp phần tạo làn gió mới về sản phẩm hấp dẫn du khách trong hành trình tham quan Bà Rịa-Vũng Tàu.

HTX Nông nghiệp Thủy sản Suối Giàu (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) là một điển hình. Tận dụng vị thế đất thấp trũng có sẵn suối hồ tự nhiên, HTX này cải tạo thành ao hồ nuôi cá chình, cá lóc rồi làm thêm nhà chòi, hồ bơi, trồng hoa cảnh, dừa và mô hình trang trí đẹp mắt. Năm 2019, HTX bắt đầu mở cửa đón người dân địa phương đến câu cá, vui chơi, giải trí, ăn uống cuối tuần.

Từ loại hình mới mẻ này, người dân trong tỉnh và du khách tìm đến ngày càng nhiều. Tạm ngưng sau hơn 1 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, tháng 8 vừa qua, HTX chính thức đón khách trở lại. Ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Thủy sản Suối Giàu cho biết, trong dịp lễ 2/9, mỗi ngày HTX đón 600-700 lượt khách vui chơi, ăn uống. Tuy số lượng khách hiện giảm nhiều vì qua mùa du lịch cao điểm, song cuối tuần, khu du lịch này cũng đón hơn 100 khách đến ăn uống.

Chính phủ và tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng và địa phương kết nối đưa khách đến tham quan, mua sắm tại vườn, nông trang; kết nối các điểm du lịch nông nghiệp để tạo thành chuỗi, cộng đồng du lịch hấp dẫn; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm; cùng với DN quảng bá với du khách trong và ngoài tỉnh, xa hơn là với bạn bè quốc tế nhằm nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập và cải thiện bền vững sinh kế cho người dân nông thôn.
Ông Mai Minh Quang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

“Các món cá chình, cá lóc của HTX tiêu thụ tại chỗ với giá cả phải chăng và chế biến ngon miệng đã thu hút nhiều người đến ăn, góp phần mang lại không khí nhộn nhịp, vui tươi ở vùng quê này”, ông Nghĩa chia sẻ.

Một điểm đến cũng rất mới, nằm dưới chân dãy núi Kỳ Vân (TT. Long Hải, huyện Long Điền) cũng bước đầu thu hút khách du lịch là KDL sinh thái nghỉ dưỡng An Bình. Nhờ vị thế tựa lưng chân núi phong cảnh hữu tình, lại được tô điểm thêm mảng xanh của vườn nho rừng hơn 100 gốc, hoa kiểng sắp đặt có chủ ý nhưng rất tự nhiên, nên dù đang trong quá trình đầu tư, chưa đón khách chính thức song nhiều du khách nóng lòng và mong muốn được đến trải nghiệm.

Bà Lê Thị Nga, đại diện KDL này cho biết, KDL mong muốn đưa giá trị tài nguyên rừng biển tự nhiên, cảnh quan núi rừng, xóm làng, phong tục, lễ hội, ẩm thực, những nét văn hóa và cả phương thức sản xuất truyền thống của vùng đất Long Điền vào du lịch. Qua đó, góp phần bảo vệ bền vững tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân bản địa và xây dựng bộ mặt đô thị khang trang, tươi mới, văn minh. 

Ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Thủy sản Suối Giàu giới thiệu mô hình nuôi cá kết hợp du lịch.
Ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Thủy sản Suối Giàu giới thiệu mô hình nuôi cá kết hợp du lịch.

Hướng đi bền vững

Trên thế giới, du lịch nông nghiệp được hình thành và phát triển ở nhiều nước từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Đây là hình thức xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp tại chỗ một cách hiệu quả, đồng thời giới thiệu đến khách tham quan nét đẹp trong lao động, sự giàu có về văn hóa, nhân văn của người nông dân ở mỗi quốc gia, vùng, miền. Tại Việt Nam, du lịch nông nghiệp cũng được nhiều tỉnh, thành khai thác đưa vào phục vụ khách du lịch và phát huy hiệu quả về kinh tế-xã hội.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái miệt vườn cũng đang là mục tiêu hướng tới để đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Hậu dịch, xu hướng du lịch gắn với thiên nhiên, về vùng thôn dã cũng nhiều hơn. Đây là một lợi thế để Bà Rịa-Vũng Tàu khai thác nông thôn, nông nghiệp phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, cụ thể hóa chiến lược du lịch xanh, bền vững.

Thống kê từ Hội Nông dân tỉnh, toàn tỉnh hiện có 16 mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với đón khách du lịch. Cụ thể, huyện Châu Đức có trang trại nuôi cá chình, cá nước ngọt, ca cao; huyện Xuyên Mộc có mô hình nuôi nai, nuôi ong dú, nhãn xuồng cơm vàng, tiêu; huyện Long Điền có vườn trồng sen, hoa lan; huyện Đất Đỏ có vườn trồng khoai mài, khoai sáp, măng cầu… Tuy nhiên, đa số các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch đều xuất phát từ ý tưởng của cá nhân hoặc DN, chưa có sự liên kết hướng dẫn từ các cơ quan chuyên môn, các đơn vị làm du lịch để hình thành nên chuỗi cung ứng phục vụ khách tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng.

Giới du lịch cho rằng, để du lịch nông nghiệp phát huy hiệu quả, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và chủ động của người dân. Nhà nước có chính sách hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bản cho đội ngũ quản lý, nhân viên phục vụ. DN, cá nhân khi phát triển mô hình này phải đầu tư cơ sở vật chất, điểm đón tiếp, trưng bày, tham quan, mua sắm… đáp ứng phục vụ khách du lịch. Mô hình sản xuất nông nghiệp phải áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra những sản phẩm xanh, sạch, an toàn bảo vệ môi trường sinh thái ở nông thôn.

Tháng 10 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch đã tổ chức khảo sát tất cả các điểm đến mới trên toàn tỉnh. Tham gia cùng đoàn, bà Nguyễn Thị Thương, Phó Giám đốc Cánh Diều Vàng Travel chia sẻ, bà rất ấn tượng với những điểm đến mới khai thác thế mạnh nông nghiệp, nông thôn, vườn tược, cây trái, chăn nuôi. Đồng thời mong muốn các điểm đến trên sẽ sớm được cập nhật, công bố tour tuyến để các DN lữ hành đưa vào lịch trình xây dựng tour, làm mới hình ảnh điểm đến, thay cho các tuyến điểm cũ đã bão hòa. 

Bài, ảnh: KIM VINH

 
.
.
.