.

Tăng kết nối vùng, miền để du lịch phát triển bền vững

Cập nhật: 18:53, 28/10/2022 (GMT+7)

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và tính xã hội cao. Do vậy, để thúc đẩy du lịch phát triển, bên cạnh các giải pháp kích cầu, quảng bá, xây dựng sản phẩm... việc tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương, vùng, miền là xu thế tất yếu.

Ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch HHDL tỉnh ký kết ghi nhớ hợp tác về du lịch với đại diện các tỉnh, thành ĐBSCL.
Ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch HHDL tỉnh ký kết ghi nhớ hợp tác về du lịch với đại diện các tỉnh, thành ĐBSCL.

Bà Rịa-Vũng Tàu nổi tiếng với du lịch biển, nghỉ dưỡng, hội họp. Sau đại dịch COVID-19, tỉnh đang nối lại hợp tác liên kết du lịch, đồng thời mở rộng kết nối thêm nhiều vùng, miền.

Kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đặc trưng sông nước miệt vườn, sinh thái. Hai thế mạnh khác nhau khi có sự gắn kết sẽ tạo nên những tour - tuyến đa dạng, hấp dẫn phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” của từng địa phương.

Thực tế, từ rất sớm ĐBSCL đã là thị trường lớn của du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo giới kinh doanh du lịch, nguồn khách du lịch đến Bà Rịa-Vũng Tàu từ ĐBSCL chỉ đứng thứ 2 sau các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Ngoài khoảng cách địa lý và giao thông thuận tiện thì không gian rộng mở miền biển và nguồn hải sản phong phú đặc biệt hấp dẫn với thị trường khách ĐBSCL.

Nhằm tạo nền tảng kết nối bài bản, tin cậy, qua đó thúc đẩy cơ hội mở rộng thị trường, thị phần lâu dài hơn nữa, từ những năm 2017-2018, Hiệp hội Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu (HHDL) đã chủ động ký kết hợp tác, xúc tiến du lịch với các tỉnh, thành ĐBSCL.

Kết quả liên kết giúp thu hút hơn 11.000 lượt khách về Bà Rịa-Vũng Tàu du lịch, nghỉ dưỡng. Đánh dấu thành công bước đầu trong kết nối phát triển du lịch giữa Bà Rịa-Vũng Tàu với ĐBSCL. Về phía ĐBSCL, theo ông Ông Vưu Chấn Hùng, Chủ tịch HHDL TP.Cần Thơ, dù chưa có số liệu thống kê cụ thể song nắm bắt thông tin từ các điểm đến trên địa bàn TP.Cần Thơ, nguồn khách từ Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia tour miền Tây sông nước nhiều, đều đặn, nhất là trong dịp hè vừa qua.

Hiện nay, du lịch cả nước đang bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ. Do vậy, việc liên kết giữa du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu với các tỉnh, thành ĐBSCL cần thúc đẩy hơn nữa, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thúc đẩy tăng trưởng du lịch của mỗi địa phương.

Đầu tháng 10, HHDL Bà Rịa-Vũng Tàu đã xúc tiến du lịch tận nơi bằng hội nghị liên kết phát triển du lịch bền vững với các tỉnh, thành ĐBSCL tại Bến Tre. Trên tinh thần tự nguyện, gắn kết, tương trợ, cùng phát triển, đại diện các tỉnh thành đã chia sẻ nhiều giải pháp thiết thực nhằm tăng hiệu quả kết nối như: cần có chuỗi sản phẩm bổ trợ không trùng lắp kéo dài thời gian nghỉ dưỡng của du khách; hỗ trợ đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực lẫn nhau; đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông kết nối…

Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch, nhằm đẩy mạnh vai trò của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu trong hợp tác, gắn kết với các địa phương trong vùng trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, ngành Du lịch tiếp tục coi liên kết vùng là trọng tâm phát triển du lịch.
Thúc đẩy hoạt động liên kết hiệu quả hơn nhằm đạt được 2 mục tiêu lớn là quảng bá thông tin xúc tiến du lịch và xúc tiến đầu tư du lịch. Phối hợp với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam Bộ xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch vùng trên kênh truyền thông quốc tế.
Tham mưu cơ chế, chính sách nhằm liên kết thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Khuyến khích HHDL và các DN du lịch chủ động liên kết, hợp tác nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hỗ trợ trong việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ.

Liên kết để cùng phát triển

Ngoài ĐBSCL, trước dịch COVID-19, Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký liên kết vùng với các tỉnh thành Đông Nam Bộ; hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành Đà Nẵng, Hà Nội, Đắk Lắk, Bình Định, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Thuận.

Song song với ký kết, nhiều việc làm thiết thực cũng được thực hiện như: phối hợp với Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh khảo sát các tour, tuyến du lịch phục vụ khách du lịch bằng tàu biển; tổ chức famtrip đón các DN lữ hành, cơ quan truyền thông khảo sát và thực hiện nhiều phóng sự quảng bá tiềm năng, điểm đến của Bà Rịa-Vũng Tàu; liên kết rà soát về danh mục các chủ đầu tư của TP.Hồ Chí Minh đang đầu tư dự án tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tham gia các hội chợ xúc tiến, quảng bá du lịch giữa các địa phương.

Một số DN chuyên kinh doanh khách sạn, nhà hàng, điểm đến bắt tay xây dựng tour liên tuyến mới giới thiệu đến khách du lịch trong và ngoài nước.

Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu giới thiệu ngành nghề đào tạo trong khuôn khổ Hội nghị liên kết hợp tác phát triển du lịch bền vững tại ĐBSCL do HHDL tỉnh tổ chức vào tháng 10.
Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu giới thiệu ngành nghề đào tạo trong khuôn khổ Hội nghị liên kết hợp tác phát triển du lịch bền vững tại ĐBSCL do HHDL tỉnh tổ chức vào tháng 10.

Không kể 2 năm du lịch gián đoạn vì dịch, các hoạt động liên kết được đánh giá thực chất, có chiều sâu. Nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang tính đặc thù, tạo hình ảnh và thương hiệu chung ra đời như tour liên tuyến như TP.Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu “Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca”; TP.Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Bình Dương “Sắc xanh ngày mới”, “Chinh phục nóc nhà Nam Bộ” hay TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước chùm tour “Tình đất đỏ miền Đông”...

Hiện nay, du lịch cả nước đang phục hồi mạnh mẽ. Giới chuyên gia nhận định đây là thời điểm thuận lợi để nối lại và phát triển mới liên kết, thúc đẩy phát triển toàn diện du lịch.

Bài, ảnh: KIM VINH

.
.
.