Ngoài Seoul sầm uất và náo nhiệt, thành phố cảng Busan cũng là một trong những điểm đến thu hút du khách tại Hàn Quốc. Bên cạnh khung cảnh thiên nhiên yên bình, Busan còn sở hữu một ngôi làng đầy sắc màu, được ví như Santorini của Hy Lạp hay Cinque Terre ở Italy - đó chính là làng Gamcheon.
Ngôi làng sắc màu Gamcheon thu hút đông đảo du khách. |
Hồi sinh ngôi làng nghèo khó
Trong tiếng Hàn, Gamcheon có nghĩa là “suối nước sạch”. Trên thực tế vào những năm 1950, Gamcheon được coi là khu ổ chuột bởi những người dân nghèo khó đổ về đây. Những dãy nhà san sát với khoảng 800 ngôi nhà chật hẹp được xây dựng trong thời Nam Bắc triều. Những con phố xếp chồng, hẻm nhỏ ngoằn ngoèo như mê cung.
Năm 2009, dự án mang tên Dreaming of Busan Machu Picchu, đã biến làng Gamcheon trở thành một ngôi làng bền vững, nơi cuộc sống nghệ thuật và văn hóa cùng tồn tại. Làng Gamcheon được các sinh viên, nghệ sĩ và người dân địa phương khoác lên màu áo mới rực rỡ sắc màu và trở thành địa điểm du lịch hàng đầu Busan.
Các tác phẩm nghệ thuật được vẽ trên tường và mái nhà. Những con hẻm cũ kĩ, với những cầu thang nhỏ tí, dựng đứng cũng trở thành những con đường nở đầy hoa. Nhiều hoạt động nghệ thuật và văn hóa khác nhau được thực hiện bởi người dân địa phương và các nghệ sĩ đã cải thiện môi trường sống, vật chất của ngôi làng. Gamcheon được hồi sinh, trở nên lãng mạn, đầy sức sống, là nơi khắc ghi những kỷ niệm đẹp của du khách khắp thế giới.
Dân làng Gamcheon kể rằng, mỗi tác phẩm được sơn vẽ trên những ngôi nhà đều mang một câu chuyện riêng. Vì vậy du khách đừng chỉ mải mê chụp ảnh mà hãy nán lại vài phút để ngắm nhìn và chiêm nghiệm ẩn ý trong mỗi tác phẩm.
Chọn một góc thật cao để ngắm toàn bộ ngôi làng, du khách sẽ thấy Gamcheon hiện lên tuyệt đẹp đầy sắc màu với những dãy nhà hướng ra biển. Đây cũng là điểm đến yêu thích của những người đam mê nhiếp ảnh. Địa điểm quan sát Gamcheon lý tưởng nhất từ trên cao là “Sky Garden” - nơi đặt phòng triển lãm và cung cấp thông tin về ngôi làng.
Điều độc đáo ở Gamcheon là những chú cá gỗ được tạo hình công phu với nhiều màu sắc và kích cỡ khác nhau. Những đàn cá gỗ tạo thành bức tranh khổng lồ sặc sỡ trên các bức tường trong làng, khiến du khách nhớ mãi về Busan cùng cuộc sống gắn liền với biển của người dân nơi đây. Các ngõ ngách tại Gamcheon tạo nên một mê cung chằng chịt, tuy nhiên du khách có thể định hướng dễ dàng hơn theo chỉ dấu từ đàn cá gỗ này. Những cửa hàng bán đồ lưu niệm, các phòng triển lãm tranh và các tác phẩm nghệ thuật đường phố cũng rất cuốn hút. Trong đó đồ lưu niệm được làm theo phương pháp thủ công độc đáo.
Ẩm thực đường phố cũng là một trong những điểm nhấn thu hút du khách tại Gamcheon. Du khách có thể dễ dàng tìm thấy những món ăn đường phố đặc trưng của Hàn Quốc tại Gamcheon như: chả cá Odeng (hay eomuk) được làm từ thịt cá xay trộn với bột mì, muối, dấm gạo, đường; bánh ngọt Bungeoppang có hình dáng giống một chú cá, bên trong là nhân đậu đỏ ngọt ngào hoặc kem, thậm chí cả khoai lang hay Tteokbokki gồm bánh gạo garaetteok, tương ớt gochujang, thịt, trứng, gia vị và rau…
Từ làng Gamcheon, du khách có thể đến cầu kính Oryukdo Skywalk (trên đảo Oryukdo) - một trong những điểm đến hấp dẫn nhất tại Busan. Cây cầu kính trong suốt được xây trên vách đá ven biển ở độ cao chừng 35m, có đài quan sát vươn ra ngoài khoảng 10m. Đây là nơi rất phù hợp để ngắm cảnh biển Busan, với mặt nước trong xanh lấp lánh dưới ánh nắng, điểm xuyết bằng những vách đá sừng sững và đỉnh núi kỳ vĩ.
Đi đến làng Gamcheon bằng cách nào?
Để đi đến Gamcheon, trước tiên du khách có thể đi tàu hỏa tốc độ nhanh KTX hoặc di chuyển xe bus đến Busan.
Nếu di chuyển bằng tàu KTX, du khách chỉ mất khoảng 2 giờ 30 phút để đi từ Seoul tới Busan. Tuy nhiên giá vé của KTX khá đắt, rơi vào khoảng 60 nghìn Won/ 1 chiều đi (tương đương 1,2 triệu đồng).
Sau khi đến Busan, du khách có thể bắt đường tàu trên tuyến Metro line 1 đến ga Toseong. Sau đó du khách có thể bắt taxi với giá từ 3000-4000 won (tương đương 60.000-80.000 đồng).
|
Sắc màu hạnh phúc
Dù đã trở thành điểm check-in hot và được du khách khắp thế giới ghé thăm, song làng Gamcheon vẫn còn hình dáng của một khu ổ chuột trong quá khứ. Những ngôi nhà nhiều màu sắc được nối với nhau bằng một con đường lớn và những con hẻm xương cá chỉ 1 người đi lọt. Nhiều ngôi nhà cũng rất thấp phải khom người mới bước vào được. Thậm chí, có nhiều căn nhà còn mỏng dính và nhỏ chỉ bằng một cái phòng ngủ. Do vậy, một điều lưu ý nho nhỏ cho khách du lịch là dạo chơi nhưng phải giữ gìn trật tự để không ảnh hưởng đến những người sống trong làng.
Gamcheon không thu phí, mở cửa 24/7 để du khách dễ dàng tìm hiểu, nhìn ngắm, trải nghiệm không gian đầu sắc màu. Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng, quán cà phê hay nhà hàng thường mở cửa từ 9 giờ sáng đến 18 giờ. Ngay ở đầu làng, khách du lịch đã được hướng dẫn tận tình, đầy đủ và chi tiết thông tin. Các bảng chỉ dẫn rõ ràng tới mức du khách muốn đi lạc cũng khó.
Đi bộ trên các con phố theo triền dốc trong làng Gamcheon ở Busan du khách cảm nhận rất rõ cuộc sống thật bình yên ở đây mà phần lớn cảm giác này được tạo ra bởi nghệ thuật và những người dân thật thà, thân thiện.
Có người nói, cư dân Gamcheon đang đặt cược tương lai của ngôi làng vào nghệ thuật. Nhìn những đàn chim bằng gốm màu sắc rực rỡ, tượng đầu người đang mỉm cười đậu dọc theo mép mái nhà, chào đón những người qua đường có thể thấy rõ điều đó. Song thanh âm bình yên tiếng, tiếng nói cười rộn ràng của những người phụ nữ lớn tuổi trò chuyện, dọn hàng buổi sáng… có thể thấy rõ sắc màu hoà bình, hạnh phúc, tươi sáng hiện diện tại Gamcheon.
Gamcheon đẹp ở mọi thời điểm trong ngày. Có khi chỉ một khung cửa nhỏ, một khu vườn, một bụi hoa, một cầu thang lên dốc cũng khiến du khách mất cả tiếng đồng hồ thăm thăm, ngắm ngắm. Cũng chính vì thế, du khách tới làng rất đông bất kể ngày hay đêm. Khi bình minh lên, ánh nắng bao phủ khắp vùng và chiếu rọi lên những mảng sắc màu rực rỡ của khu phố. Đến khi đêm về, một Gamcheon lung linh trong ánh điện như ngàn vì sao rơi xuống từ bầu trời.
Tuy nhiên, nếu không thích sự đông đúc, du khách nên đến vào buổi sáng sớm để vừa ngắm ánh bình minh, vừa có thể dạo bước trên những con đường thưa người qua lại.
KHÁNH HẰNG
(Tổng hợp)