Về lại làng bánh tráng An Ngãi

Thứ Sáu, 16/09/2022, 17:21 [GMT+7]
In bài này
.

Bánh tráng An Ngãi đã quá quen thuộc với người dân Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây cũng là làng nghề đầu tiên của tỉnh được công nhận là “Làng nghề truyền thống”.

Nghề làm bánh tráng An Ngãi là làng nghề truyền thống đầu tiên được UBND tỉnh công nhận.
Nghề làm bánh tráng An Ngãi là làng nghề truyền thống đầu tiên được UBND tỉnh công nhận.

Với sản phẩm đặc trưng là bánh tráng nem truyền thống, hiện nay nghề truyền thống bánh tráng của xã An Ngãi đã từng bước nâng cao chất lượng bánh tráng có nhiều loại như bánh tráng nem, bánh tráng nem cỡ lớn, bánh tráng ớt,... dùng để ăn trực tiếp, ăn kèm hay làm nguyên liệu chế biến các món ăn thường ngày.

Cha truyền con nối

Gia đình bà Phan Thị Nhung, ở ấp An Lộc, xã An Ngãi gắn bó với nghề làm bánh tráng hơn 40 năm. Gần 70 tuổi, nhưng mỗi ngày, vợ chồng bà vẫn tráng hơn 2.000 chiếc bánh, bỏ mối cho thương lái ở các chợ trong và ngoài tỉnh.

Kể về truyền thống gia đình, bà Phạm Thị Nhung chia sẻ, tuổi thơ của bà gắn liền với lò làm bánh tráng của gia đình. Lúc còn nhỏ bà thường phụ mẹ những công việc như phơi, xếp bánh, rồi lớn dần bà được mẹ hướng dẫn từng công đoạn từ khâu chọn gạo, cách ngâm gạo, pha bột, từng thao tác tráng sao cho bánh vừa đủ độ mỏng, tròn... Theo bà Nhung, nghề làm bánh tráng ngoài đòi hỏi sự khéo léo phải chịu khó, tỉ mỉ mới làm được. “Làm nghề này không khá giả nhưng giúp gia đình có tiền chi tiêu hằng ngày, cho con cái học hành và cuộc sống ổn định”, bà Nhung cho hay.

Hơn 50 năm qua, nghề làm bánh tráng tại xã An Ngãi (huyện Long Điền, tỉnh Bà Ria-Vũng Tàu) không chỉ tạo ra nét đặc sắc riêng, còn góp phần gìn giữ văn hóa ẩm thực truyền thống mà nó còn giúp đem lại thu nhập ổn định cho hơn 120 hộ dân tại địa phương.

Bà Trương Thị Mỹ Hạnh, ấp An Hòa, xã An Ngãi là đời thứ 3 trong gia đình gắn bó với nghề làm bánh tráng. Công việc tráng bánh đòi hỏi phải thức khuya, dậy sớm để bánh kịp phơi nắng sớm… Vất vả nhưng đây là nghề đã nuôi sống nhiều thế hệ trong gia đình nên bà Hạnh vẫn giữ nghề. Bà Hạnh chia sẻ, tráng bánh chỉ cần quen tay là làm được, nhưng để bánh ngon thì phải biết lựa gạo phù hợp để làm bột tráng bánh. Bên cạnh đó, người làm bánh cũng cần chú ý đến kỹ thuật phơi bánh. Khi trời nắng gắt, liếp bánh chỉ cần phơi nửa giờ là được, còn khi trời âm u thì thời gian phơi phải từ 2 đến 4 tiếng.

“Từ bà ngoại truyền nghề cho mẹ và giờ đến mình làm. Nghề bánh tráng gắn bó với tôi cả cuộc đời nên khi được tỉnh công nhận làng nghề truyền thống tôi rất vui mừng. Người gắn bó lâu năm như chúng tôi ngoài tự hào cũng mong muốn được chính quyền địa phương hỗ trợ để tạo điều kiện cho lớp trẻ sau này gắn bó thích công việc này như mình, như mẹ hồi đó”, bành Hạnh nói.

Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm

Năm 2013, nghề làm bánh trang tại xã An Ngãi được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận là nghề truyền thống. Từ đó đến nay, địa phương đã không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng về sản phẩm và ổn định thị trường. Hiện nay, toàn xã có 128 hộ làm bánh tráng, chiếm gần 60% tổng số hoạt động ngành nghề nông thôn ttrên địa bàn xã.

Những năm qua, xã An Ngãi đã tích cực thực hiện việc ứng dụng khoa học công nghệ đối với nghề làm bánh tráng. Trong đó, thực hiện Dự án “phát triển làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi” đã tạo điều kiện người làm nghề bánh tráng tại xã tiếp cận với công nghệ cơ giới hóa, máy móc và trang thiết bị hỗ trợ làm nghề (như máy xay bột, lò tráng điện). Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật vào sản xuất đã tiết kiệm chi phí, thời gian và sức lao động cho người dân đồng thời bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm làm ra nhiều hơn, chất lượng hơn.

Ông Nguyễn Tăng Trường Duy, Phó Chủ tịch UBND xã An Ngãi, huyện Long Điền cho biết, được công nhận làng nghề truyền thống, sản phẩm bánh tráng An Ngãi có thêm cơ hội được hỗ trợ để không ngừng vươn tầm, giúp người làm bánh tráng thu nhập ổn định hơn, nâng cao thu nhập hơn và xây dựng sản phẩm đặc trưng địa phương.

“Sau khi được công nhận làng nghề bánh tráng chúng tôi hướng tới sẽ tiếp tục phát huy, phát triển làng nghề, thành lập các cụm để thành khu du lịch cộng đồng, đăng ký sản phẩm OCOP. Đồng thời, vận động thành lập HTX và triển khai khai thác và sử dụng thương hiệu này để các hộ sản xuất kinh doanh bánh tráng tại xã An Ngãi được phát triển trong thời gian tới tốt hơn.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.