Bắt gặp một Tây Nguyên giữa lòng phố biển

Thứ Sáu, 29/07/2022, 20:25 [GMT+7]
In bài này
.

Du khách thích thú hòa mình vào không gian văn hóa âm nhạc của Tây Nguyên khi tham gia chuỗi hoạt động giới thiệu, quảng bá “Không gian văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên” tại TP.Vũng Tàu.

Tiết mục tốp ca “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột” của Đoàn Ca múa nhạc Đăk Lăk.
Tiết mục tốp ca “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột” của Đoàn Ca múa nhạc Đăk Lăk.

Âm vang đại ngàn

Là chương trình giao lưu, biểu diễn âm nhạc cồng chiêng tại Sân khấu Nhà Truyền thống Cách mạng (số 1, Bacu, phường 1, TP. Vũng Tàu) tối 27/7 do Sở VH-TT tỉnh Đắk Lắk và Sở VH-TT tỉnh Rịa-Vũng Tàu tổ chức. Trang phục truyền thống của người đồng bào Tây Nguyên lạ lẫm, lôi cuốn. Âm điệu trầm hùng của tiếng cồng, tiếng chiêng, những âm thanh réo rắt, chân thực đã tạo nên bản nhạc hòa tấu mang âm vang đại ngàn núi rừng Tây Nguyên giữa lòng phố biển Vũng Tàu.

Người dân du khách thích thú với các tiết mục nghệ thuật mang hương sắc Tây Nguyên, được dịp đắm mình trong không gian huyền thoại của xứ sở cao nguyên đất đỏ để nghe những âm thanh vang vọng ngàn đời từ núi rừng trong màn biểu diễn cồng chiêng của các nghệ nhân gạo cội.

Chất liệu nghệ thuật để dàn dựng “Âm vang đại ngàn” chủ yếu dựa trên vốn văn hóa-nghệ thuật truyền thống của các tộc người thiểu số Tây Nguyên, trong đó chủ đạo vẫn là dân tộc Êđê và M’nông với những tiết mục: Hòa tấu cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc (đàn T’rưng, đàn đá, chinh Kram, kèn đing năm, đing tút, đing pơng, tạc tà và sáo vỗ…) kèm những điệu múa hát dân gian được cách điệu và sáng tạo thêm. Với nhạc cụ dân tộc độc đáo, những điệu múa dân gian truyền thống, những ca khúc ca ngợi giá trị lao động sản xuất, tình yêu quê hương, sự gắn kết cộng đồng như: Hòa tấu chiêng Knăh (gọi về sum họp), múa vỗ tay chào đón các vị khách quý, hòa tấu chiêng Jhô (đón khách), hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Mạch nguồn vẫn chảy”, tốp ca và tốp nhạc cụ “Vũ khúc các chàng trai cao nguyên”, “H’Zen lên rẫy”, “Nhớ đêm xoang”…

Trong đêm nhạc, phần giao lưu thưởng thức rượu cần, đeo vòng đồng và hòa mình vào các vũ điệu dân gian truyền thống trong tiếng cồng chiêng rộn rã, nối rộng vòng xoang với bài hát “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột” cũng để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và cảm xúc thú vị trong lòng khán giả.

Bên cạnh đó, Đoàn Ca múa nhạc Bà Rịa-Vũng Tàu đem đến chương trình nhiều bài hát, điệu múa sôi động, tươi trẻ, trữ tình về thành phố biển: “Bên em thành phố biển”; tam ca “Vươn khơi”; ca múa “Bà Rịa-Vũng Tàu ngày mới”... như lời chào mừng, đáp lời khách quý.

Trưng bày chuyên đề “Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên- xưa và nay” diễn ra đến hết ngày 28/8, tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Bãi Trước). Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO ghi danh là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (năm 2005); Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2008).
Không gian trưng bày gồm 5 bài viết, 76 hình ảnh, trong đó, các hiện vật đặc trưng của Tây Nguyên như: các bộ chiêng; hiện vật sinh hoạt và trang phục của một số dân tộc Ê đê, Mnông, Gia rai… giới thiệu cho nhân dân và du khách đến Bà Rịa-Vũng Tàu được dịp trải nghiệm được thưởng thức di sản văn hoá, góp phần tuyên truyền, bảo tồn di sản văn hoá dân tộc.
(Ông Trần Anh Thiện,Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh)

 

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Đoàn cho biết, “Âm vang đại ngàn” như một món quà tinh thần đầy ý nghĩa dành cho người dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu anh em. “Qua đó, chúng tôi cũng kỳ vọng tiếng cồng chiêng huyền thoại của đồng bào Tây Nguyên vượt đại ngàn Trường Sơn để giới thiệu về một di sản văn hóa đã được thế giới công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Từ đó góp phần đưa những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đến với bạn bè”, ông Một nói thêm.

Với ý nghĩa đó, từ 27/7 đến 28/8, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cũng giới thiệu gian trưng bày “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Sự giao lưu này nhằm phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản văn hoá và để người dân, du khách tại Bà Rịa-Vũng Tàu có dịp thưởng thức nét văn hoá đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên. Đây cũng là dịp để các dân tộc anh em được giao lưu, học hỏi về văn hoá cồng chiêng, từ đó tiếp thêm ngọn lửa lưu giữ, bảo tồn những di sản văn hóa đặc trưng của dân tộc.

Tham quan “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” tại Bảo tàng tỉnh, ông Đào Văn Phước (người dân tộc Chơ Ro, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân Tộc nội trú tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) chia sẻ: “Văn hóa cồng chiêng của dân tộc Chơ Ro và người anh em đồng bào dân tộc Tây Nguyên có nhiều nét tương đồng; từ đó tham khảo, truyền dạy cho thế hệ trẻ Chơ Ro kế thừa, phát huy đưa văn hóa cồng chiêng Chơ Ro thành sản phẩm phát triển du lịch tỉnh nhà”.

Không gian văn hóa Tây Nguyên cũng được du khách đón nhận và trải nghiệm. Chị Nguyễn Thị Thúy cùng gia đình từ tỉnh Hưng Yên tham quan tại Bảo tàng tỉnh cho biết: “Chúng tôi không chỉ được trải nghiệm về lịch sử, vùng đất, con người Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn được “sống” trong không gian văn hóa Tây Nguyên. Giữa không khí trong lành của phố biển lại được ngắm một chút núi rừng Tây Nguyên thì quả là không còn gì bằng”.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

;
.